Trong khi Mỹ và Anh liên tiếp tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của Houthi ở Yemen vài ngày nay – trong nỗ lực ngăn chặn các cuộc tấn công vào các tàu ở Biển Đỏ, câu hỏi đặt ra là liệu Liên minh châu Âu (EU) sẽ làm gì để phản ứng tương xứng với tình hình.
Cho đến nay đã có những phản ứng trái chiều từ các quốc gia EU, phản ánh những bất đồng trong khối về cuộc chiến giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza cũng như căng thẳng rộng hơn với Iran và các cường quốc khác trong khu vực.
Trước khi Washington và London hành động, Brussels đã được khuyến nghị tạo ra “một chiến dịch mới của EU” với “hoạt động trong một khu vực rộng hơn, từ Biển Đỏ đến Vùng Vịnh”, và chiến dịch này có thể được triển khai ngay vào đầu tháng tới.
Sứ mệnh hoàn toàn mới
Theo một tài liệu từ Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu mà truyền thông phương Tây được tiếp cận hôm 10/1, cơ quan ngoại giao EU đề xuất khối này nên điều ít nhất 3 tàu chiến đa nhiệm tới “điểm nóng” này để bảo vệ các tàu thương mại khỏi các cuộc tấn công của phiến quân Houthi.
Kể từ khi làn sóng xung đột mới nhất giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine bùng nổ hồi tháng 10 năm ngoái, phiến quân Houthi của Yemen đã tiến hành một loạt các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa vào các tàu hàng qua lại Biển Đỏ.
Houthi biết họ nhắm mục tiêu vào các tàu ở Biển Đỏ – một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới – nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với người Palestine trước sự bắn phá của Israel ở Dải Gaza.
Nhiều hãng vận tải biển lớn đã tạm thời tránh xa khu vực này, nơi 12% thương mại toàn cầu và tới 30% lưu lượng container toàn cầu đi qua. Họ đã chọn tuyến đường vòng dài hơn qua vùng Sừng châu Phi. Biển Đỏ “dậy sóng” đã đe dọa làm gián đoạn nghiêm trọng dòng chảy thương mại vào châu Âu.
Tuy nhiên, EU đã miễn cưỡng đi theo sự dẫn dắt của Mỹ với Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng (OPG) được thành lập vào tháng 12 trong việc bảo vệ tàu thuyền ở Biển Đỏ. OPG ban đầu chỉ giành được sự hỗ trợ của 6 quốc gia thành viên EU, và không lâu sau đó, 3 trong số 6 quốc gia này đã “quay xe”, từ chối trao quyền kiểm soát tàu của họ cho Mỹ.
Ban đầu, EU cũng đã xem xét khả năng sử dụng lực lượng hải quân chống cướp biển mang tên Atalanta, hoạt động ở Ấn Độ Dương, nhưng Tây Ban Nha – nơi lực lượng này đồn trú – đã phản đối. Đổi lại, Madrid cho biết họ sẵn sàng cho một sứ mệnh mới.
Theo đề xuất mới nhất của cơ quan ngoại giao EU hôm 10/1, quy mô và thành phần chính xác của chiến dịch mới chống lại Houthi sẽ phải được lập kế hoạch hoạt động sâu hơn, nhưng bao gồm “ít nhất 3 tàu khu trục phòng không hoặc tàu khu trục có khả năng đa nhiệm trong ít nhất một năm” và sẽ phối hợp chặt chẽ với cả OPG và Atalanta.
Sứ mệnh mới sẽ được xây dựng dựa trên Agenor, một chiến dịch giám sát chung do Pháp dẫn dắt, bao trùm toàn bộ Vùng Vịnh, Eo biển Hormuz và một phần Biển Ả Rập và bao gồm 9 quốc gia châu Âu (Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hy Lạp, Italy, Hà Lan, Na Uy và Bồ Đào Nha), tài liệu cho biết.
Phản ứng có chủ đích
Một ngày sau khi Mỹ và Anh tiến hành nhiều cuộc không kích nhắm vào phiến quân Houthi, Quân đội Mỹ vào đầu ngày 13/1 đã tấn công một địa điểm khác do Houthi kiểm soát ở Yemen mà họ xác định là đang khiến các tàu thương mại ở Biển Đỏ gặp nguy hiểm.
“Hành động tiếp theo” vào sáng sớm ngày 13/1, theo giờ địa phương, nhằm vào địa điểm radar của Houthi được thực hiện bởi tàu khu trục Hải quân USS Carney bằng cách sử dụng tên lửa tấn công mặt đất Tomahawk, Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho biết.
Trong ngày hành động đầu tiên với sự tham gia của cả Anh và Mỹ hôm 12/1, 60 mục tiêu ở 28 khu vực trên khắp Yemen đã bị tấn công. Đan Mạch, Cộng hòa Séc, Hà Lan và Đức đã xác nhận hoạt động này là một “phản ứng có chủ đích” đối với các cuộc tấn công của Houthi ở Biển Đỏ.
Ngoại trưởng Bỉ xác nhận nước này đang hợp tác với các đồng minh phương Tây để “khôi phục an ninh hàng hải trong khu vực”. Vương quốc Anh đã công bố một văn bản pháp lý khẳng định phản ứng của họ được cho phép theo luật pháp quốc tế.
Người phát ngôn của liên minh quân sự NATO hôm 12/1 cho biết các cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu vào Houthi ở Yemen mang tính phòng thủ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 12/1 cảnh báo rằng phiến quân có thể phải đối mặt với các cuộc tấn công tiếp theo. Hải quân Mỹ cảnh báo các tàu treo cờ Mỹ tránh xa các khu vực xung quanh Yemen ở Biển Đỏ và Vịnh Aden trong 72 giờ tiếp theo sau các cuộc không kích đầu tiên.
Houthi tuyên bố sẽ trả đũa quyết liệt. Tướng Yahya Saree, phát ngôn viên lực lượng Houthi, tuyên bố trong một bài phát biểu được ghi âm trước rằng các cuộc tấn công của Mỹ chắc chắn sẽ được đáp trả.
Các diễn biến “nóng” ở Biển Đỏ đang làm tăng thêm nguy cơ xung đột loang ra rộng hơn trong khu vực.
Iran lên án vụ tấn công hôm 12/1 trong một tuyên bố từ người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nasser Kanaani. Ông Kanaani nói: “Các cuộc tấn công tùy tiện sẽ không mang lại kết quả nào ngoài việc gây ra tình trạng mất an ninh và bất ổn trong khu vực”.
Tại cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) vào cuối ngày 12/1, Đại sứ Nga Vassily Nebenzia đã cáo buộc Mỹ, Anh và các đồng minh trắng trợn xâm phạm Yemen bằng vũ trang và cảnh báo “nếu leo thang tiếp tục, toàn bộ Trung Đông có thể gặp thảm họa”.
Đại sứ Mỹ Linda Thomas-Greenfield và Đại sứ Vương quốc Anh Barbara Woodward khẳng định các cuộc tấn công là để tự vệ. Bà Thomas-Greenfield nói: “Vì vậy, việc giảm căng thẳng cần phải được thực hiện, trước tiên là ở phía Houthi, những kẻ đang khiến tất cả các tuyến hàng hải của chúng tôi gặp nguy hiểm”.
Tuyến vận tải qua Biển Đỏ có vai trò quan trọng, và các cuộc tấn công ở đó đã gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng cho thương mại toàn cầu. Dầu thô Brent chuẩn giao dịch tăng khoảng 4% hôm 12/1, ở mức hơn 80 USD/thùng. Trong khi đó, Tesla cho biết họ sẽ tạm thời ngừng hầu hết hoạt động sản xuất tại nhà máy ở Đức vì xung đột ở Biển Đỏ.
Minh Đức (Theo Euronews, Politico EU, AP)