Khi mối đe doạ thuế quan từ Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn đang treo lơ lửng, Liên minh châu Âu (EU) đã có sẵn chiến thuật phản đòn, vốn được khối này chuẩn bị kỹ lưỡng kể từ nhiệm kỳ đầu tiên của vị chính trị gia Đảng Cộng hoà.
Tuần này, Tổng thống Mỹ đã khôi phục lại mức thuế quan đối với thép và nhôm mà ông đã áp dụng trên toàn thế giới trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, và hôm 13/2, ông tuyên bố sẽ áp dụng thuế quan "có đi có lại" đối với mọi quốc gia áp thuế hàng hoá Mỹ, và điều này có thể gây ra tác hại to lớn cho ngành công nghiệp ô tô châu Âu.
Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành EU và đại diện cho 27 quốc gia của khối về thương mại, đã phản ứng bằng cách tìm kiếm đối thoại. Tuy nhiên, nếu các cuộc đàm phán thất bại, khối này tuyên bố đã chuẩn bị tốt hơn nhiều so với lần trước.
Chiến lược phản đòn của EU là: "Nắm đấm sắt bọc găng nhung", thể hiện mềm dẻo, nhẹ nhàng nhưng duy trì quan điểm cứng rắn, trước sau như một.
"Đặc biệt là với một người có tính cách như ông Trump, nếu chúng ta không phản ứng, ông ấy sẽ được đà lấn tới", ông Jean-Luc Demarty, người đứng đầu bộ phận thương mại của EC vào thời điểm khi ông Trump đang trong nhiệm kỳ đầu tiên, cho biết. "Chúng ta có tất cả các công cụ và chúng ta phải phản ứng hiệu quả theo nguyên tắc".
![EU sẽ "phản đòn" ông Trump bằng “nắm đấm sắt bọc găng nhung”- Ảnh 1. EU sẽ "phản đòn" ông Trump bằng “nắm đấm sắt bọc găng nhung”- Ảnh 1.](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/thumb_w/640/84137818385850368/2025/2/14/chu-tich-uy-ban-chau-au-ursula-von-der-leyen-xinhua-17395438859751894497325.png)
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: Xinhua
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã tuyên bố sẽ có phản ứng "kiên quyết và tương xứng" đối với mức thuế thép và nhôm 25% của Mỹ. "EU sẽ hành động để bảo vệ lợi ích kinh tế của mình. Thuế quan phi lý đối với EU chắc chắn sẽ được đáp trả".
Nhưng người đứng đầu EU cũng "chìa cành ô liu" khi gặp Phó Tổng thống Mỹ JD Vance hôm 11/2 tại Paris, trong cuộc họp cấp cao đầu tiên giữa Brussels và Washington. Bà kêu gọi hợp tác để giải quyết tình trạng thị trường tràn nhập thép của bên thứ ba, mô tả đây là thách thức quan trọng đối với hai đồng minh lịch sử.
Mục tiêu trả đũa
Ông Trump viện dẫn thâm hụt thương mại mà ông cho là "khổng lồ" giữa Mỹ và EU là lý do để tung đòn thuế quan. Nhưng không có gì là bí mật khi Mỹ nhập khẩu nhiều hàng hóa từ châu Âu hơn là xuất hàng sang "lục địa già".
Ngoài ra, EU cũng là bên nhập khẩu dịch vụ lớn – và điều đó khiến Big Tech trở thành mục tiêu tiềm tàng cho sự trả đũa của châu Âu.
Sau cú sốc từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump và được Pháp thúc đẩy, EU đã tăng cường "kho vũ khí" phòng thủ thương mại của mình. Vũ khí đầu tiên là cải tổ Quy định thực thi, cho phép EU phản ứng nếu các đối tác vi phạm các thỏa thuận thương mại gây tổn hại đến lợi ích thương mại của khối.
"Những người nói rằng EU không chuẩn bị tốt là sai: Trong nhiệm kỳ trước, chúng tôi đã chuẩn bị chính xác cho một kịch bản đang diễn ra tại thời điểm này. Vì chúng tôi đã mở rộng bộ công cụ của mình, giờ đây chúng tôi có thể bảo vệ lợi ích của mình tốt hơn", ông Bernd Lange, một nhà lập pháp cấp cao, đứng đầu ủy ban thương mại của Nghị viện châu Âu, cho biết.
Hành động trả đũa đầu tiên của EU có thể mang tính biểu tượng: Khôi phục mức thuế quan đánh vào các mặt hàng xuất khẩu "nhạy cảm về chính trị" trị giá 2,8 tỷ Euro của Mỹ, bao gồm quần jean Levi's, xe máy Harley-Davidson và rượu whisky bourbon.
![EU sẽ "phản đòn" ông Trump bằng “nắm đấm sắt bọc găng nhung”- Ảnh 2. EU sẽ "phản đòn" ông Trump bằng “nắm đấm sắt bọc găng nhung”- Ảnh 2.](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/84137818385850368/2025/2/14/tong-thong-my-donald-trump-hindustan-times-17395439065811192934642.png)
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Hindustan Times
Nhưng Brussels biết rằng chỉ riêng tính biểu tượng sẽ không đủ để khiến ông Trump đổi ý. Một đòn bẩy khả thi khác là kho vũ khí quản lý của EU, đặc biệt là sự kiểm soát của khối này đối với các Big Tech của Mỹ.
Ví dụ, nền tảng X/Twitter của Elon Musk hoặc Meta của Mark Zuckerberg có thể nằm trong "tầm ngắm" của EU về quy định nội dung và chia sẻ dữ liệu của các gã khổng lồ công nghệ với các cơ quan chức năng.
Là quốc gia xuất khẩu dịch vụ lớn nhất thế giới, Mỹ có thể bị phản đòn mạnh mẽ ở ngay lĩnh vực này. Ở đây, Brussels có thể áp dụng các hạn chế đối với các công ty tư vấn và tài chính của Mỹ, thu hồi quyền sở hữu trí tuệ, hạn chế hơn nữa luồng dữ liệu hoặc tăng thuế kỹ thuật số đối với các nền tảng có trụ sở tại Mỹ.
Tháng 3 sẽ mang tính quyết định đối với các cuộc đàm phán thương mại EU-Mỹ. Không chỉ "lệnh ngừng bắn" về tranh chấp thương mại thép và nhôm dưới thời ông Biden sắp kết thúc, mà đến ngày 25/3, EC sẽ phải quyết định xem Alphabet (sở hữu Google), Apple và Meta có tuân thủ Đạo luật thị trường kỹ thuật số (DMA) hay không.
Quy định kỹ thuật số mang tính bước ngoặt này của EU vốn là mối đe dọa lớn đối với các gã khổng lồ công nghệ hiện dường như đã hoàn toàn ủng hộ vị Tổng thống Mỹ đến từ Đảng Cộng hòa.
Công cụ mạnh mẽ hơn
Với kịch bản Trump 2.0 trong đầu, Ủy ban châu Âu đã nghĩ ra một cách để đáp trả nếu một trong những quốc gia thành viên của mình phải chịu sự bắt nạt kinh tế, đó là Công cụ chống cưỡng ép.
Mặc dù công cụ này được thiết kế để đưa EC vào thế "thượng phong", các nước EU vẫn tìm cách đảm bảo rằng họ vẫn có thể ra quyết định trong việc xác định xem bất kỳ đối thủ nào có vượt quá giới hạn hay không, và cách khắc phục bất kỳ tổn hại nào.
Một kịch bản tiềm năng để triển khai công cụ này có thể là nếu ông Trump áp đặt thuế quan nhằm gây sức ép buộc Đan Mạch từ bỏ quyền kiểm soát Greenland – hòn đảo chiến lược ở Bắc Cực.
Nếu đối thoại với chính quyền Trump thất bại, EU có thể kích hoạt công cụ chống o ép kinh tế của mình, bao gồm tăng thuế hải quan đối với một số mặt hàng cụ thể, các hạn chế về quyền tham gia vào thủ tục đấu thầu mua sắm công, hạn chế cấp phép hoặc ví dụ như hạn chế về thương mại dịch vụ và các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ.
Nhưng suy cho cùng, mọi quyết định cuối cùng vẫn nằm ở sự đồng thuận của các quốc gia thành viên trong khối, với việc cần đa số tối thiểu là 15 trong tổng số 27 quốc gia thành viên ủng hộ lộ trình hành động mà EC đề xuất.
Nếu điều đó không xảy ra, "có một vấn đề cơ bản với cách thức hoạt động của Liên minh châu Âu", ông Ignacio García Bercero, thành viên EC phụ trách mảng thương mại với Mỹ trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump (2017 - 2021), cho biết.
Nói cách khác, EU có thể đã tự trang bị cho mình để chống lại cuộc chiến thương mại gần đây nhất – chứ không phải cuộc chiến tiếp theo đang có nguy cơ bùng nổ dưới thời Trump 2.0.
"Đã đến lúc EC cân nhắc bổ sung một công cụ mạnh mẽ hơn vào kho vũ khí của mình để chuẩn bị cho kỷ nguyên chiến tranh thương mại sắp tới", ông David Kleimann của nhóm nghiên cứu ODI cho biết.
Minh Đức (Theo Politico EU, Euronews)