EU từ chối dỡ bỏ trừng phạt, yêu cầu Nga “rút quân vô điều kiện”

Thứ 7, 29/03/2025 08:00

Việc rút toàn bộ lực lượng Nga khỏi lãnh thổ Ukraine “vô điều kiện” là điều tiên quyết để sửa đổi hoặc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, Ủy ban châu Âu tuyên bố.

Liên minh châu Âu (EU) đã kiên quyết bác bỏ yêu cầu của Điện Kremlin về việc kết nối lại Ngân hàng Nông nghiệp Nga (Rosselkhozbank) và các tổ chức tài chính khác tham gia vào thương mại nông sản với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Yêu cầu bất ngờ này được công khai vào đầu tuần sau khi Nga và Mỹ tiến hành các cuộc đàm phán tại Ả Rập Xê Út nhằm thiết lập một lệnh ngừng bắn cục bộ ở Ukraine, nhưng thỏa thuận này vẫn chưa có hiệu lực.

Lập trường cứng rắn của EU

Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu hôm thứ Năm nhấn mạnh: Việc chấm dứt cuộc xung đột cùng với rút quân "vô điều kiện" khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraine, sẽ là một trong những điều kiện tiên quyết để sửa đổi hoặc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt".

Mục tiêu hiện tại của EU là gia tăng, chứ không phải giảm bớt áp lực lên Nga. "Chúng tôi đang sử dụng mọi công cụ có sẵn để đạt được mục tiêu đó", quan chức EU nói.

EU từ chối dỡ bỏ trừng phạt, yêu cầu Nga “rút quân vô điều kiện”- Ảnh 2.

Quân nhân Nga ở khu vực Kherson của Ukraine. (Ảnh: Alexei Konovalov/TASS)

SWIFT là một hệ thống bảo mật cao, cho phép chuyển tiền nhanh chóng và chính xác, kết nối hơn 11.000 tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia. Có trụ sở tại La Hulpe, Bỉ, hệ thống này nằm dưới quyền tài phán của EU và do đó phải tuân theo các lệnh trừng phạt của khối.

Một loạt ngân hàng Nga, bao gồm Rosselkhozbank, đã bị loại khỏi SWIFT ngay trong năm đầu tiên của xung đột Nga – Ukraine.

Dù Nga có hệ thống thanh toán thay thế, gọi là SPFS nhưng việc bị loại khỏi SWIFT vẫn là một trở ngại lớn, gây khó khăn đáng kể cho các giao dịch thanh toán giữa các công ty nông sản Nga và khách hàng quốc tế.

Sự khác biệt trong quan điểm của Mỹ và EU

Yêu cầu kết nối lại SWIFT của Rosselkhozbank chỉ xuất hiện trong thông báo của Điện Kremlin, trong đó liệt kê năm điều kiện tiên quyết để khởi động lại Sáng kiến Biển Đen.

Phiên bản của Nhà Trắng không đề cập trực tiếp đến SWIFT mà chỉ nói về việc giúp "khôi phục khả năng tiếp cận thị trường thế giới đối với xuất khẩu nông sản và phân bón của Nga, giảm chi phí bảo hiểm hàng hải, tăng cường khả năng tiếp cận cảng và hệ thống thanh toán cho các giao dịch này".

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, trong một cuộc phỏng vấn với Fox News, nói rằng "mọi thứ đều có thể bàn thảo," nhưng cho rằng các điều kiện của Moscow là "quá sớm."

"Việc trừng phạt có giảm hay không sẽ phụ thuộc vào động thái tiếp theo của Nga. Và Tổng thống Trump, tôi nghĩ, sẽ không ngần ngại gia tăng trừng phạt nếu điều đó giúp ông có lợi thế trong đàm phán", ông Bessent nói.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, phát biểu tại Jamaica, cho biết Mỹ sẽ đánh giá yêu cầu của Nga, nhưng nhấn mạnh rằng việc đạt được một thỏa thuận hòa bình sẽ không hề "đơn giản" và có thể mất "một khoảng thời gian."

"Một sai lầm chiến lược"

Lập trường của các quan chức Mỹ khác biệt rõ rệt so với EU. Trong khi Washington để ngỏ khả năng đàm phán, EU lại không có dấu hiệu nhân nhượng.

Các biện pháp trừng phạt Nga đã được xây dựng thành 16 gói trừng phạt liên tiếp và việc dỡ bỏ chúng sẽ không thể thực hiện dễ dàng.

"Chúng tôi thường nghe Nga tuyên bố rằng các lệnh trừng phạt của chúng tôi không có tác động gì đến nền kinh tế của họ. Vậy tại sao họ lại muốn chúng tôi dỡ bỏ trừng phạt?" một phát ngôn viên khác của Ủy ban châu Âu đặt câu hỏi.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, sau cuộc họp với các đồng minh tại Paris, tuyên bố dứt khoát: "Chúng tôi nhất trí rằng bây giờ không phải là lúc dỡ bỏ trừng phạt dưới bất kỳ hình thức nào. Không thể có chuyện dỡ bỏ trừng phạt trước khi hòa bình được thiết lập".

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng phản đối mạnh mẽ: "Thật vô nghĩa khi cân nhắc việc dỡ bỏ trừng phạt khi chiến tranh vẫn đang tiếp diễn. Chúng ta còn xa mới đến được thời điểm đó".

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy kêu gọi phương Tây phớt lờ yêu cầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin và thay vào đó gia tăng áp lực lên nền kinh tế Nga.

"Không thể dỡ bỏ bất kỳ loại trừng phạt nào chừng nào Nga chưa chấm dứt cuộc chiến này. Tôi nghĩ cần có thêm áp lực, cần thêm các gói trừng phạt mới", ông Zelenskyy nói.

Một quan chức EU cảnh báo rằng nhượng bộ quá sớm sẽ là "một sai lầm chiến lược".

EU từ chối dỡ bỏ trừng phạt, yêu cầu Nga “rút quân vô điều kiện”- Ảnh 4.

Cờ châu Âu bên ngoài trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels (Bỉ). (Ảnh: REUTERS)

Những rạn nứt trong nội bộ EU

Dù EU giữ lập trường cứng rắn nhưng nội bộ khối vẫn tồn tại những rạn nứt.

Theo quy định của EU, các lệnh trừng phạt phải được gia hạn sáu tháng một lần bằng sự đồng thuận tuyệt đối. Điều này có nghĩa là chỉ một quốc gia thành viên cũng có thể cản trở quá trình này.

Từ khi ông Trump nhậm chức, Hungary - quốc gia lâu nay chỉ trích các biện pháp trừng phạt - đã hai lần đe dọa chặn việc gia hạn trừng phạt. Nếu Washington cuối cùng đồng ý với yêu cầu của Nga về SWIFT, Hungary có thể lợi dụng điều này để ép các nước khác nhượng bộ.

Ngoài ra, Mỹ cũng có thể đưa ra tín hiệu rằng các giao dịch bằng đồng USD của Nga qua hệ thống SWIFT sẽ không bị trừng phạt. Tuy nhiên, việc kết nối lại hoàn toàn với SWIFT vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào sự chấp thuận của EU, mang lại cho khối này lợi thế trong đàm phán.

Giáo sư kinh tế Alessandro Rebucci tại Đại học Johns Hopkins nhận định: "SWIFT không thể hoạt động trái với luật pháp EU. Mỹ có thể thay đổi luật của họ, nhưng không thể tự động đưa các tổ chức tài chính Nga trở lại SWIFT".

"Chúng ta đang chứng kiến giới hạn sức mạnh gây áp lực của Mỹ. Từ trước đến nay, Mỹ kiểm soát trật tự thế giới bằng hợp tác có lợi với đồng minh, đàm phán với đối thủ và đưa ra những đe dọa có sức nặng", ông nói thêm.

Lê Anh (Theo Euronews, Themoscowtimes)



Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.