Chiều 17/1, diễn đàn phiên Đối thoại chính sách cấp cao xoay quanh vấn đề "Kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019: Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững" với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều lãnh đạo bộ, ngành, đại diện nhiều tổ chức quốc tế.
Trong bài phát biểu góp ý của mình, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá cao những thành tựu kinh tế đạt được trong những năm qua của Việt Nam, đồng thời ông chỉ ra sự chênh lệch lớn trong tỷ trọng thương mại của Việt Nam giữa doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và thương mại trong nước.
Đánh giá về thành tựu kinh tế Việt Nam trong 2018, ông Ousmane Dione cho biết, kể từ 2007 khi gia nhập WTO, thương mại Việt Nam đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ, luôn nằm trong top hàng đầu khu vực. Trong năm 2018, kinh tế đất nước đạt mức tăng trưởng trong nhóm cao nhất thế giới với hơn 7%. Xuất nhập khẩu trên 240 tỷ USD... những thành tựu trong năm qua là rất đáng ghi nhận.
"Trong những năm qua Việt Nam trở thành điểm thu hút FDI lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với lượng thu hút những ngành sử dụng nhiều lao động. Các doanh nghiệp FDI không chỉ tăng vốn mà còn tạo hàng triệu việc làm trực tiếp, đóng góp lớn vào giá trị xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ tham gia gia công khâu cuối của chuỗi sản xuất, điều này thực chất Việt Nam vẫn lắp ráp, sử dụng nhiều lao động, giá trị thấp, vấn đề gặt hái lợi ích mở cửa với bên ngoài cho doanh nghiệp nội là chưa nhiều. Những gì chúng ta thấy là cán cân xuất nhập khẩu chủ yếu thuộc về FDI với 70% giá trị thương mại, trong khi đó, doanh nghiệp trong nước thậm trí còn thâm hụt thương mại", vị Giám đốc đánh giá.
Ông nói tiếp: "Tỷ trọng giá trị nội địa của Việt Nam hiện đã giảm theo thời gian, đóng góp của Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng thấp trong các sản phẩm xuất khẩu cao, giá trị nội địa sản phẩm điện tử chỉ chiếm 40%, còn lại 60% là nguyên liệu nhập khẩu. Trong giai đoạn 2010 - 2016, giá trị nội địa trong hàng xuất khẩu có độ tinh xảo cao tại Việt Nam giảm mạnh.
Nguyên nhân của tình trạng này cho thấy Việt Nam thiếu nhà cung cấp trong nước có chất lượng tốt. Hiện chỉ có 9% doanh nghiệp trong nước có chứng chỉ quốc tế về chất lượng. Trong khi doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam là trên 50%.
Hiện nay Việt Nam mới chỉ tham gia vào lắp ráp cơ bản, có nghĩa Việt Nam đang tham gia giá trị ngày càng thấp. Chính vì vậy, chúng tôi khuyến cáo, trong thời gian tới bất kỳ việc gia tăng đầu tư nào thì cũng nên đầu tư đồng bộ cả vào thượng nguồn và hạ nguồn".
Cuối cùng vị Giám đốc WB Ousmane Dione khuyến nghị, Việt Nam cần nâng cao giá trị doanh nghiệp trong nước để kết nối và tận dụng hợp tác với nguồn vốn, công nghệ từ FDI từ đó tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.