Bộ GTVT vừa có văn bản gửi các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương và Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam về việc lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT & BVMT) phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Đáng chú ý, dự thảo Thông tư bổ sung nội dung cơ quan đăng kiểm tự động cấp xác nhận gia hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận, Tem kiểm định đối với phương tiện tham gia giao thông, giúp giải quyết căn bản thực trạng ùn tắc trong kiểm định xe cơ giới hiện nay, đáp ứng tốt nhu cầu kiểm định của người dân, doanh nghiệp.
Dự thảo nêu rõ: Đối tượng áp dụng là các xe ô tô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải hết hạn kiểm định trong khoảng thời gian 1 năm kể từ ngày Thông tư được ban hành sẽ được tự động giãn chu kỳ kiểm định theo chu kỳ mới quy định tại Thông tư 02/2023.
Ví dụ, quy định này có hiệu lực từ tháng 6/2023 thì chỉ áp dụng cho các xe có hạn kiểm định từ tháng 6/2023 đến hết tháng 6/2024.
Như vậy, thời hạn tiếp tục sử dụng của Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định trong mọi trường hợp không vượt quá ngày 31/12/2024.
Đơn cử, 1 chiếc xe ô tô dưới 9 chỗ sản xuất 5 năm, hết hạn kiểm định chu kỳ hiện tại vào ngày 30/6/2024 (ngày cuối cùng quy định còn thời hạn hiệu lực) vẫn được tự động giãn chu kỳ kiểm định thêm 6 tháng (từ 18 tháng lên 24 tháng theo chu kỳ mới), đến hết ngày 31/12/2024 sẽ hết thời hạn sử dụng Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định đã cấp. Lúc này, chủ xe mới phải đưa xe đi kiểm định để tiếp tục một chu kỳ kiểm định mới.
Điều này đồng nghĩa với việc các phương tiện có hạn kiểm định trước ngày Thông tư có hiệu lực (dù có trường hợp vẫn chưa được kiểm định do quá tải đăng kiểm) sẽ không được áp dụng ngay chu kỳ kiểm định mới được quy định tại Thông tư 02/2023 của Bộ GTVT và vẫn phải đến các trung tâm đăng kiểm kiểm định xe để được cấp Giấy chứng nhận, Tem kiểm định. Theo tính toán của Cục Đăng kiểm, sẽ có hơn 155.000 phương tiện nằm trong diện này.
Điều này dựa trên cơ sở kiến nghị của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), các Công ty bảo hiểm xe cơ giới và Cục CSGT do lo ngại tồn tại các trường hợp phương tiện đã bị lập biên bản vi phạm hành chính, bị từ chối bồi thường hoặc đã bị cơ quan chức năng xử lý vì hết hạn kiểm định trước ngày Thông tư có hiệu lực. Những trường hợp này không thể thực hiện được vì vướng vào các quy định pháp luật khác.
Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt nam, sẽ có gần 1,4 triệu ô tô đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải được lùi thời hạn kiểm định thêm 6 tháng. Đồng nghĩa với việc các đơn vị đăng kiểm có thời gian, tập trung nhân lực để kiểm định cho các xe kinh doanh vận tải và các phương tiện khác hết hạn đăng kiểm nhưng chưa được kiểm định.
Đáng chú ý, dự thảo Thông tư bổ sung nội dung cơ quan đăng kiểm tự động cấp xác nhận gia hạn hiệu lực của giấy chứng nhận, tem kiểm định đối với phương tiện tham gia giao thông, giúp giải quyết căn bản thực trạng ùn tắc trong kiểm định xe cơ giới hiện nay, đáp ứng tốt nhu cầu kiểm định của người dân, doanh nghiệp.
Trước đó, ngày 4/5, tại buổi làm việc về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã đồng ý với đề xuất tự động giãn chu kỳ kiểm định với phương tiện phù hợp quy định.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh, nghị định mới về đăng kiểm sẽ phải thay đổi cách thức quản lý và cung cấp dịch vụ công, hoạt động của các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp trong lĩnh vực đăng kiểm; "giải quyết được những tồn tại, yếu kém, khó khăn, vướng mắc thời gian qua, nhằm nâng cao chất lượng, độ an toàn của phương tiện vận tải tham gia giao thông".
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh, nghị định mới về đăng kiểm sẽ phải thay đổi cách thức quản lý và cung cấp dịch vụ công, hoạt động của các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp trong lĩnh vực đăng kiểm; "giải quyết được những tồn tại, yếu kém, khó khăn, vướng mắc thời gian qua, nhằm nâng cao chất lượng, độ an toàn của phương tiện vận tải tham gia giao thông".