Thưa thớt người thu mua
Những ngày qua, thị trường cau tại tỉnh Đắk Lắk đã trải qua một "cú sốc" lớn khi giá cau sau thời gian liên tục tăng cao gần chạm ngưỡng 100.000 đồng/kg, bất ngờ quay đầu giảm mạnh, hiện chỉ còn từ 40-60.000 đồng/kg. Biến động này đã ảnh hưởng không ít đến hoạt động thu mua cau.
Sáng 23/10, có mặt tại tuyến đường quốc lộ 27 (đoạn qua huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk), PV Người Đưa Tin không khỏi bất ngờ trước sự trầm lắng của các điểm thu mua cau.
Ông Văn Phước, chủ một điểm thu mua cau tại xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) chia sẻ: "Sau khi giá cau lao dốc, tôi chỉ thu mua cầm chừng vài tạ/ngày, chứ không mua ồ ạt như trước đây. Hiện tại, chúng tôi không thu mua cau xô, hay những quả không đủ kích cỡ như trước nữa.
Các lò sấy hiện đang lựa chọn hàng rất kỹ lưỡng, chỉ thu mua hàng đẹp nên nếu các thương lái không cẩn trọng thì dễ dàng bị thua lỗ. Thậm chí, một số lò sấy đã đóng cửa, tạm ngừng hoạt động chờ giá củng cố lại nên việc tìm nơi để nhập hàng của các thương lái cũng gặp nhiều khó khăn".
Bên cạnh đó, lượng người tìm đến các nhà vườn để hỏi mua, cắt cau cũng thưa thớt hơn so với cách đây 10 ngày.
Trên đường tìm đến các lò sấy cau trên địa bàn xã Hòa Thuận (Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), chúng tôi vô tình được trò chuyện với anh Bảo Trung, một thương lái tại xã Ea Hu (huyện Cư Kuin).
Anh Trung cho hay: "Khoảng 1 năm nay, ngoài việc làm nương rẫy, tôi tranh thủ đi mua cau nhập cho các lò sấy, kiếm thêm thu nhập để lo cho gia đình. Thời điểm giá cau cao, có ngày tôi kiếm được tiền triệu, cũng có ngày được 400-500.000 đồng".
Tuy nhiên, cau hạ giá đột ngột khiến cho việc thu mua của các thương lái gặp nhiều khó khăn. "Hiện nay, mỗi ngày tôi chỉ mua được 20-30kg cau tươi. Trong khi trước đó, mỗi ngày tôi vào các nhà vườn mua được cả tạ. Thêm vào đó, cau vào thời điểm cuối mùa không còn đẹp và đảm bảo kích cỡ theo yêu cầu của các lò sấy nữa nên rất nhiều anh em thương lái đã dừng việc đi mua, cắt cau", anh Trung nói.
Khi được hỏi về nguyên nhân dẫn đến giá cau đột ngột giảm sâu, anh Trung cho rằng, do thời gian trước đó, các thương lái đổ xô đi mua cau ồ ạt. Người đi mua cau nhộn nhịp, nhiều hơn cả người bán cau mà không nắm được nhu cầu thực tế của thị trường Trung Quốc. Từ đó, giá cau đã "sốt" lên chóng mặt. Đến thời điểm hiện nay, lượng hàng qua Trung Quốc đã đủ, việc giá cau quay đầu giảm là điều không thể tránh khỏi.
Nhiều nông dân trồng cau không khỏi lo lắng khi cau đã đến thời điểm thu hoạch nhưng nhiều ngày nay không thấy ai hỏi mua.
Ông Hương (trú tại xã Hòa Thuận, Tp.Buôn Ma Thuột) cho biết: "Khoảng 4-5 năm trở lại đây, nhiều người dân đã mua cau giống về trồng xen canh. Nhà tôi có gần 100 cây cau trồng ở bờ rào, trong đó khoảng 50-70 cây đã cho thu bói. Khi giá cau tăng lên gần 100.000 đồng/kg, hàng ngày có rất nhiều thương lái đến hỏi mua và chọn cắt các chùm cau đủ kích cỡ.
Trước thời điểm giá cau hạ, gia đình tôi đã bán được 3 đợt, tổng cộng hơn 2 tạ cau tươi. Hiện nay, tôi còn khoảng gần 1 tạ cau trên cây, nhưng không thấy ai đến hỏi mua nữa. Tôi hy vọng trong những ngày tới, giá cau sẽ tăng trở lại để người dân có thêm thu nhập ổn định cuộc sống".
Người dân không nên mở rộng diện tích
Khác với những hình ảnh tấp nập người ra vào trước đây, hiện nay các lò sấy cau trên địa tỉnh Đắk Lắk vắng vẻ, thưa thớt người bán. Để giảm thiểu rủi ro, nhiều lò sấy hoạt động cầm chừng.
Ông Nguyễn Hồng Hạnh, chủ một lò sấy cau quy mô lớn ở xã Dray Bhăng (huyện Cư Kuin) cho biết, hiện nay ông đang thu mua cau với giá từ 58-60.000 đồng/kg. Cùng với đó, cuối vụ, cau không còn đẹp nữa nên người dân đang bán ồ ạt, không giữ hàng nữa để tránh trường hợp giá tiếp tục giảm.
Tuy nhiên, lò sấy của ông chỉ mua hơn 10 tấn mỗi ngày, chứ không thu mua số lượng lớn như trước. Cửa khẩu của Trung Quốc đang bị ứ đọng hàng hóa, các thủ tục hải quan không giải quyết kịp nên hiện nay việc xuất khẩu cau đang bị trì trệ.
Theo ông Hạnh, dù giá cau giảm sau một thời gian tăng liên tục thì người nông dân vẫn có lời. "Cây cau không cần đầu tư, chăm sóc nhiều như các loại cây trồng khác. Khi thu hoạch, người dân không tốn công phơi phóng mà chỉ việc tính tiền sau khi thương lái đến cắt. Do đó, nếu giá cau có hạ giá xuống 5.000 đồng/kg thì bà con vẫn có lời.
"So với nhiều năm trước, giá cau năm nay cao kỷ lục. Do đó, nhiều người nông dân trồng cau thắng lớn, thậm chí có người còn làm giàu nhờ bán cau", ông Hạnh nói.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Thanh Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư Kuin thông tin, trên địa bàn huyện hiện có khoảng 140ha cau (quy đông đặc). Trong đó, hộ trồng nhiều nhất là vài nghìn cây.
Ông Minh cho hay: "Cây cau chỉ là cây trồng phụ, giá cả lên xuống thất thường, không ổn định và chưa được xuất khẩu chính ngạch. Hiện nay, việc xuất khẩu cau cũng chưa có mã vùng trồng. Thời gian qua, khi giá cau tăng cao đã giúp nhiều người dân cải thiện thu nhập, thu hàng trăm triệu đồng nhờ bán cau.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo, bà con cần dựa vào các cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu... để phát triển triển kinh tế. Đặc biệt, bà con không nên chặt các cây trồng chủ lực để trồng cau, không nên mở rộng diện tích cau một cách ồ ạt, mà chỉ nên tận dụng các diện tích bờ ranh, hàng rào để trồng xen canh nhằm chắn gió và tăng thêm thu nhập".
Khánh Ngọc