“Giá dịch vụ đào tạo”: Đừng làm giáo dục theo kiểu con buôn

“Giá dịch vụ đào tạo”: Đừng làm giáo dục theo kiểu con buôn

Hà Công Luân

Hà Công Luân

Thứ 5, 31/05/2018 19:28

Việc thay "học phí" bằng "giá dịch vụ đào tạo" được đề cập trong dự thảo luật Giáo dục đại học đã vấp phải sự phản đối dữ dội của dư luận.

"Nếu giáo dục cũng thành giá thì hệ lụy rất khủng khiếp"

Sáng 30/5, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Theo đó, bộ GD&ĐT cho rằng khái niệm “học phí” cần thay đổi để phù hợp với các văn bản pháp luật mới được ban hành, thay vào đó cần sử dụng khái niệm “giá dịch vụ đào tạo”. 

Trao đổi với phóng viên, GS. TS Phạm Tất Dong –  Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, việc bộ GD&ĐT đưa ra “giá dịch vụ đào tạo” bản chất là do Bộ cũng như các trường đại học muốn thu đúng, thu đủ theo cái đã chi, cho nên họ mới định giá.

Ông Dong cũng nói: “Về mặt thời điểm bộ GD&ĐT đưa ra điều này là không hợp lý, khi mà từ việc BOT trong giao thông, lòng dân đã không yên, tại sao bộ GD&ĐT lại đi vào “vết xe đổ”? Còn về mặt bản chất, đó đang đi ngược lại với chính sách Giáo dục là Quốc sách hàng đầu”.

“Giá dịch vụ đào tạo”: Đừng làm giáo dục theo kiểu con buôn

GS Phạm Tất Dong cho rằng giáo dục không thể đi theo cơ chế thị trường.

“Về mặt ngôn ngữ tôi cho rằng là không được. Theo tôi nó chỉ là phí thôi. Chẳng nhẽ bây giờ bên ngành Y tế sẽ thu là Viện giá? Nếu Giáo dục cũng thành giá thì hệ lụy rất khủng khiếp”, ông Dong nói.

Theo ông Dong, hiện đề xuất thay đổi trên dựa vào “Tự chủ đại học”, tuy nhiên ông cho rằng đây thực chất chỉ là vỏ bọc: “Chúng ta đang nói về tự chủ đại học, lâu nay các trường chỉ muốn tự chủ về tài chính, giá cả họ quy định. Tuy nhiên, cái tự chủ quan trọng nhất là tự chủ về mặt học thuật, tự chủ về chất lượng đào tạo, về quốc tế hóa…

Có nghĩa mục đích để nâng cao năng lực cạnh tranh lên. Chứ không phải tự chủ là khuyến khích thu tiền. Bộ GD&ĐT đang cùng các trường đại học mượn vỏ bọc đại học để giải quyết vấn đề thu tiền”.

“Đáng ra, trong điều kiện một đất nước còn phát triển, dân còn nhiều khó khăn, bộ GD&ĐT cần phải đứng về dân để trình bày với Chính phủ, Quốc hội để hỗ trợ người dân trong việc học. Học là phúc lợi chứ không phải việc thuận mua vừa bán. Tôi cho rằng bộ GD&ĐT cần duy trì học phí, bên cạnh học phí là học bổng.”, ông Dong bức xúc.

Ông Dong cũng cho rằng, nếu người đứng đầu ngành Giáo dục & Đào tạo thực sự đứng về người đi học thì sẽ không thiếu cách: “Nếu như không muốn các trường tư thu phí cao, thì hỗ trợ về mặt đất đai và yêu cầu họ giảm giá đào tạo xuống.

Ở Mỹ, có những tập đoàn kinh tế lớn, các cựu học sinh đồng hành cùng Chính phủ đứng sau hỗ trợ các trường, kể cả đối với trường tư. Ở bên Thụy Điển, người ta tự hào rằng họ không có trường tư, ai cũng có thể học được mà không mất tiền”.

"Mục đích cuối cùng của giáo dục là phúc lợi, là miễn phí"

Ông Dong nhận định: “Tôi cảm tưởng rằng, người đứng đầu ngành Giáo dục đang làm hướng giáo dục thị trường hóa theo kiểu con buôn. Giáo dục không thể theo cơ chế thị trường được, không thể thuận mua vừa bán. Mục đích cuối cùng của giáo dục là phúc lợi, là miễn phí".

"Chúng ta đang muốn người dân học tập suốt đời, vì như thế sẽ giúp toàn xã hội tiếp cận được cái mới. Định nghĩa của của học tập suốt đời xuất phát từ chủ trương xây dựng xã hội học tập. Nó đã được Đảng ghi vào nghị quyết của Đại hội IX, mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở. Mở là như thế nào? Là không có một rào cản nào đối với người dân, việc anh đưa giá như này là tạo rào cản. Không được loại trừ bất cứ người dân nào đi học”, ông Dong cho hay.

Cuối cùng, ông Dong khẳng định: “Người ta đi học không chỉ là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ. Đã là nghĩa vụ mà còn thu giá thì sẽ đi sai, đi ngược với chủ trương của Đảng và Nhà nước. Tiến tới chúng ta phải có nền giáo dục không mất tiền..."

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.