Mặt hàng gạo mới đây đã bị cuốn vào vòng biến động của thị trường trong bối cảnh căng thẳng quân sự giữa Nga và Ukraine. Theo Bloomberg ngày 4/3, giá gạo đã tăng lên tới 16,89 USD/100 pound, mức cao nhất kể từ tháng 5/2020. Giá ngũ cốc chủ lực cũng đang hướng tới mức tăng 11% theo tuần, cao nhất kể từ năm 2018.
Ông Arlan Suderman, nhà kinh tế trưởng về thị trường hàng hoá tại tập đoàn tài chính StoneX, nhận định: “Mọi người đều đang cố gắng mua các loại tinh bột mà họ có thể”; "Do nguồn cung lúa mì trên thị trường thế giới đang bị thắt chặt, nhu cầu sẽ chuyển sang gạo để thay thế đáp ứng nguồn cung lương thực cho mọi người".
Xuất khẩu lúa mì từ Nga và Ukraine chiếm hơn một phần tư xuất khẩu lúa mì trên toàn thế giới. Tuyến vận tải hàng hải qua khu vực Biển Đen hiện đối mặt với nhiều biến động. Ông Dennis Voznesenski, chuyên gia phân tích về nông nghiệp thuộc ngân hàng Rabobank, cho biết xuất khẩu từ khu vực này đã “chững lại” trong thời gian ngắn do gián đoạn vận chuyển và chi phí cao.
Mọi thứ từ giá lúa mì, dầu mỏ cho đến phân bón đều tăng vọt khi nhiều người quan ngại chiến sự tại Ukraine sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng. Điều đó càng làm trầm trọng thêm quan ngại về lạm phát, vốn đã gia tăng do tác động của đại dịch Covid-19 .
Ông Steven Cochrane, nhà kinh tế trưởng về châu Á- Thái Bình Dương của công ty tài chính Moody's Analytics, chia sẻ: “Lạm phát giá lương thực có thể tiếp tục tăng do giá năng lượng cao hoặc do việc vận chuyển lúa mì, ngô hoặc dầu hạt bị gián đoạn”. Ông nói thêm rằng: "Ukraine là nước xuất khẩu chủ yếu các mặt hàng nông nghiệp, đặc biệt là lúa mì cũng như các mặt hàng sản xuất cơ bản như sắt, thép và nhôm".
Điểm sáng trong bức tranh lương thực giữa bối cảnh chiến sự là nguồn cung gạo toàn cầu vẫn dồi dào, trong đó xuất khẩu của Ấn Độ gia tăng. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng gạo trong niên vụ 2021-2022 sẽ tăng thêm 0,4 triệu tấn lên mức kỷ lục 510,3 triệu tấn (xay xát). Tại miền nam bang Louisiana và dọc theo bờ biển bang Texas (Mỹ) đang diễn ra vụ trồng mùa xuân, một nửa trong số đó phục vụ cho mục đích xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Ông Bian Shuyang, nhà phân tích nông sản của công ty môi giới Nanhua Futures, cho biết nguồn cung ngũ cốc, dầu và hạt có dầu có thể sẽ vẫn khan hiếm trước khi đàm phán Nga-Ukraine kết thúc. Ngoài vấn đề địa chính trị, ông Bian lưu ý rằng các vấn đề như hạn hán ở Argentina cũng đã làm dấy lên lo ngại về nguồn cung cây trồng.
Ông Jim Sutter, giám đốc điều hành Hội đồng Xuất khẩu Đậu tương Mỹ, cho biết giá đậu tương đã gia tăng do các thương nhân quan ngại tình trạng thiếu hụt dầu hướng dương từ Ukraine có thể thúc đẩy nhu cầu đối với các loại dầu thực vật khác.
Phạm Hà Thanh (theo Bloomberg, CNBC)