VOV thông tin, bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có báo cáo gửi thủ tướng về tình hình nguồn cung thịt lợn. Theo đó, bộ NN&PTNT nhìn nhận, nếu hạch toán chi tiết người chăn nuôi đi mua con giống thì giá thành khoảng 71.000 đồng/kg lợn hơi, nếu nuôi khép kín từ khâu giống đến nuôi thịt thì giá thành khoảng 50.000 đồng/kg lợn hơi.
Thời gian gần đây, giá lợn hơi trên cả nước có chiều hướng giảm, có nơi xuống dưới mức 80.000 đồng/kg. Mức giá này khiến nhiều hộ chăn nuôi không có lãi nếu giá con giống mua vào ở thời điểm giá lên cao. Song, nếu các hộ nuôi lợn nái và chăm sóc từ lúc lợn bé tới lúc xuất chuồng thì mức giá lợn hơi và giá thành chăn nuôi như hiện tại, vẫn có thể có lãi.
Hiện nay, giá lợn hơi ở các địa phương đang dao động quanh mức 75.000-85.000 đồng/kg.
Trả lời báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết, giá lợn liên tục giảm có nhiều nguyên nhân. Trước hết, vào tháng 7 âm lịch hàng năm, giá lợn hơi luôn giảm xuống do nhiều người dân ăn chay khiến cho nhu cầu thịt lợn giảm đi so với các tháng khác.
Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng tới công ăn việc làm, thu nhập của không ít người lao động, khiến họ phải giảm sử dụng thịt lợn do loại thịt này hiện đang vào hàng đắt đỏ. Cũng do Covid-19, nhiều doanh nghiệp phải giảm quy mô sản xuất, giảm giờ làm việc, giảm công nhân…, qua đó làm giảm đáng kể lượng thịt lợn sử dụng trong các bếp ăn tập thể.
Thịt lợn từ nguồn nhập khẩu trong thời gian qua cũng đã có tác động nhất định tới việc làm giảm giá lợn hơi, nhất là khi lợn Thái Lan được đưa về các chợ đầu mối, vào các bếp ăn công nghiệp.
Một thương lái chuyên mua lợn hơi về giết mổ dự báo giá lợn hơi sẽ tiếp tục giảm do tiêu thụ đang rất chậm.
"Hiện một số trang trại bên ngoài cần bán gấp đã phải chào giá 74.000 – 76.000 đồng/kg, thấp hơn lúc cao điểm khoảng 25.000 đồng/kg. Theo quy luật, khi đến tháng 7 âm lịch, lượng tiêu thụ thịt lợn giảm từ 25%-30% nên các công ty không giảm giá sẽ phải ôm hàng" – một thương lái dự báo.
Bá Di (T/h)