Mù mờ xuất xứ
Trong tháng 10 và 11/2013, lực lượng chức năng TP. Hà Nội đã kiểm tra và phát hiện hàng loạt vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, tịch thu 13 loại thuốc bảo vệ thực vật không đủ tiêu chuẩn và 1 bao thuốc thúc chín hoa quả (xuất xứ Trung Quốc) với số lượng 1.500 ống ở thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì; phát hiện 80.000 tuýp kích thích cây tăng trưởng nguồn gốc Trung Quốc tại ga Yên Viên. Tại Quảng Bình cũng đã phát hiện hai cơ sở sản xuất giá đỗ ở huyện Lệ Thủy sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc để kích thích giá phát triển. Tại TP. Hồ Chí Minh, phát hiện một số cơ sở sản xuất giá đỗ sử dụng các loại thuốc, hóa chất tăng trưởng không rõ nguồn gốc.
Mới đây nhất, khoảng 13h ngày 22/11, tổ công tác đội Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã tiến hành kiểm tra xe tải loại 1,25 tấn đang bốc hàng trong khuôn viên bến xe Lương Yên có dấu hiệu nghi vấn. Qua kiểm tra phát hiện 55 thùng carton đã được xếp lên chiếc xe mang BKS: 29C-009.10. Trong mỗi thùng có hàng chục chai dung dịch đựng chất lỏng.
Người điều khiển xe ô tô là Lê Xuân Phúc (24 tuổi, quê Thanh Hóa) đã khai nhận được thuê chở số hàng trên. Điểm đến sẽ là đường Lê Văn Lương kéo dài. Lực lượng công an xác định có 3 loại sản phẩm trên xe là mù tạt, gia vị nước lẩu và gia vị phở gà. Tất cả đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, nhãn mác hàng hóa thể hiện do Trung Quốc sản xuất.
Lô hàng bị bắt giữ ngày 22/11
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Thanh, đội phó Đội QLTT số 5 đơn vị phối hợp với công an quận Hai Bà Trưng thu giữ số hàng trên cho biết, do không xuất trình được hóa đơn, chứng từ xuất nhập khẩu nên hiện tại số hàng trên đang được đội QLTT thu giữ và sẽ tiến hành tiêu hủy trong thời gian sớm nhất.
Đồ ăn, thức uống hàng ngày nguồn gốc Trung Quốc khó kiểm định được chất lượng khiến người dân hoang mang khi quyết định mua, ăn những thứ bên ngoài. Chị Hoàng Hương ở Gia Lâm, Hà Nội cho biết, do nhà có con nhỏ nên mỗi ngày chị đều phải đi mua thực phẩm tươi sống về nấu cho cháu. Trứng thì chị Hương không dám mua ở chợ mà nhờ người về tận quê mua, rau củ thì đành nhắm mắt mà ăn. Do thỉnh thoảng vẫn phải mua phở ở ngoài hàng về cho con và mẹ già ở nhà, đọc thông tin về gia vị làm phở bị phát hiện kể trên, chị Hương rất hoang mang. Cùng tâm lý lo lắng như chị Hương, nhiều người trở nên e ngại khi quyết định ăn ngoài.
Dạo quanh các tuyến phố lớn trên phố cổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội), đường Chùa Hà (Cầu Giấy) đường Đỗ Đức Dục (Từ Liêm), hàng loạt những quán phở được mở liên tiếp nhau. Số lượng khách vào đây mỗi ngày ước tính lên tới hàng trăm lượt. Lượng nước xương dùng làm nước phở sẽ tương ứng bao nhiêu nồi và đun hết trong bao lâu? Bao nhiêu cửa hàng sẽ sử dụng nước ninh xương thật, bao nhiêu cửa hàng dùng phụ gia? Câu hỏi này cứ lơ lửng trước mắt nhiều người.
Không phải cửa hàng nào cũng sử dụng các loại phụ gia để làm giả nước phở, tuy nhiên, vì lợi ích kinh tế, loại phụ gia này ngày càng được sử dụng nhiều hơn. Theo tiết lộ của một chủ quán phở ở Thanh Xuân, Hà Nội thì giá một gói gia vị làm giả nước phở thường khá "bèo". Trong khi đó, người bán giảm được nhiều công đoạn ninh hầm. Cửa hàng của tôi dùng phụ gia này một thời gian rồi mà có ai phàn nàn gì đâu, tụi trẻ con lại còn có vẻ thích nữa, chị H., chủ cửa hàng cho biết.
Không chỉ các quán phở mà các cửa hàng, nhiều quán lẩu được mở ra ở khắp nơi cũng đang sử dụng các loại gia vị tạo nước lẩu có vị khá ngọt và màu bắt mắt. Các loại nước lẩu này đều không phải trải qua giai đoạn ninh, nấu nhiều loại thịt, xương khác nhau mà vẫn có được vị hải sản, vị thịt bò, thịt lợn, như thật. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, những loại gia vị, phụ gia này có thể chứa các hóa chất độc hại như NO2, HCHO... Khi cho các loại hóa chất vào nồi lẩu thì nhanh nhừ, màu sắc hấp dẫn hơn, nước lẩu có mùi thơm phức, vị cay cay. Khi đưa vào cơ thể sẽ tác động vào máu, chiếm oxy và ảnh hưởng đến các chức năng của cơ thể. NO2 tuy không có phản ứng ngay nhưng tích tụ dần, gây hại cho các chức năng khác. Nhiều nước đã khuyến cáo không dùng chất NO2 trong rau, thịt và các thực phẩm khác.
Tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Khải
Độc hại lâu dài
Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, người được mệnh danh là ông già ozon ở Việt Nam thì với tất cả những hàng hóa không rõ nguồn gốc, lai lịch xuất xứ thì được xác định là hàng lậu. Những mặt hàng này khá trôi nổi trên thị trường, không có cơ quan nào kiểm định được mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm nên nguy cơ gây hại khá cao, cần phải được xử lý một cách nghiêm khắc, triệt để. Đặc biệt với những nhãn hàng thực phẩm công nghiệp nhập khẩu từ nước ngoài mà không qua hải quan thì chất lượng càng "trời ơi", gây hậu quả lâu dài cho người dùng. Riêng với lô hàng nước chế biến nước phở, nước lẩu vừa bắt giữ ngày 22/11 vừa qua thì có thể nhận định tác dụng nhằm tạo màu bắt mắt, tạo độ ngọt, làm mềm thịt, bún phở. Do chưa kiểm nghiệm rõ nên cũng chưa kết luận được những thứ mù tạt, gia vị nước lẩu, gia vị phở gà này thực chất được sản xuất bằng hỗn hợp gì, tác dụng phụ ra sao. Nếu không có điều kiện kiểm định, cách tốt nhất là đem thiêu hủy, cấm lưu hành.
Đối với những mặt hàng phụ gia, phụ phẩm trong chế biến thực phẩm, không chỉ riêng hàng có nguồn gốc nhập ngoại mà cả hàng sản xuất tại Việt Nam cũng phải đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm rồi mới được lưu hành. Ông già ozon cũng phỏng đoán, việc lô hàng trên nhập lậu cũng có thể nhằm mục đích về giảm thiểu giá cả, tránh các thủ tục hải quan hoặc lậu về chất lượng. Nếu như trường hợp thứ hai thì thực sự là rất nguy hiểm.
Theo ước đoán, hiện nay ngành công nghiệp thực phẩm thế giới được phép sử dụng hơn 3.000 loại chất phụ gia trong chế biến thực phẩm. Các loại phụ gia này bao gồm chất bảo quản, chất tạo vị và điều vị, chất tạo màu, chất tạo cấu trúc và nhóm các phụ gia khác. Tại Việt Nam có hơn 300 loại phụ gia thực phẩm được đưa vào danh mục được phép sử dụng, đủ tiêu chuẩn không gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.
Nếu vi phạm có thể bị phạt tối đa 200 triệu đồng Theo quy định 178/2013 NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm thì việc sử dụng các loại phụ gia, phụ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, khả năng gây độc hại cao thì có thể bị phạt tối đa 100 triệu đồng với cá nhân và 200 triệu đồng với tổ chức. |
Đỗ Huệ- Nguyễn Bắc