Chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Trong bối cảnh nền kinh tế rộng mở, việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng cấp thiết.
Với quy mô dân số hơn 100 triệu người và cơ cấu dân số trẻ, Việt Nam đang có nhiều lợi thế để phát triển mảng giáo dục, đặc biệt là khối giáo dục ngoài công lập. Các nhà đầu tư trong nước cũng đang tích cực đầu tư vào giáo dục tư nhân, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cung cấp trang thiết bị hiện đại đạt chuẩn quốc tế, đổi mới phương pháp đào tạo gắn liền với nhu cầu xã hội…
Quy mô ngành đào tạo mở rộng
Trong số đó, Trường Đại học Phenikaa được chú ý với bước chuyển mình từ trường đại học tư thục 5 ngành đào tạo lên 55 ngành/chương trình đào tạo sau 17 năm kể từ ngày thành lập.
Cụ thể, Trường Đại học Phenikaa được thành lập năm 2007 với tiền thân là Trường Đại học Thành Tây với diện tích 14,2 ha tại 2 xã Yên Nghĩa và Dương Nội (nay là 2 phường Yên Nghĩa và Dương Nội thuộc quận Hà Đông, Hà Nội). Thời mới thành lập, Đại học Thành Tây có 5 ngành đào tạo chính là Quản trị kinh doanh, Sinh học, Lâm nghiệp, Khoa học máy tính và Tiếng Anh.
Đến năm 2017, Đại học Thành Tây được Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa) của đại gia Hồ Xuân Năng đầu tư. Sau khi được rót vốn đầu tư, Đại học Thành Tây đã được đổi tên thành Trường Đại học Phenikaa, mở ra nhiều khoa đào tạo mới.
Năm 2018, Phenikaa chính thức thành lập 2 viện nghiên cứu mới là Viện nghiên cứu tiên tiến Phenikaa và Viện nghiên cứu Nano. Tháng 11/2019, Tập đoàn Phenikaa chính thức ra mắt trường Đại học Phenikaa và Quỹ Đổi mới Sáng tạo Phenikaa với quy mô 1.000 tỷ đồng.
Hiện chương trình đào tạo của Trường Đại học Phenikaa bao gồm 3 viện nghiên cứu, 5 khối với 25 chuyên khoa, đáp ứng nhu cầu tuyển sinh hơn 10.000 chỉ tiêu mỗi năm.
Về cơ duyên với ngành giáo dục, người ta thường nói, đây là giấc mơ ấp ủ của ông chủ Phenikaa Hồ Xuân Năng. Bởi ông Năng có xuất thân là tiến sĩ nghiên cứu khoa học tại Đại học Bách khoa Hà Nội vào năm 1991. Có lẽ bởi vậy, Chủ tịch Tập đoàn Phenikaa vẫn luôn trăn trở với ước mơ làm khoa học và giáo dục đào tạo.
Chính vì vậy, sau khi đầu tư vào Trường Đại học Phenikaa - ngôi trường vận hành theo hướng dạy nghề - đã được định hướng lại, phát triển với mục tiêu trở thành một đại học nghiên cứu đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Theo đó, Trường Đại học Phenikaa hướng tới trở thành một trường đại học đa ngành, xuất sắc trong đào tạo, nghiên cứu và hướng nghiệp với mục tiêu vào Top 100 trường đại học tốt nhất châu Á trong vòng 20 năm.
Nói về tầm nhìn dài hạn của Phenikaa, chia sẻ với báo chí, ông Hồ Xuân Năng khẳng định, khi đầu tư vào đại học, điều quan trọng là phải xác định mình muốn cái gì trong tương lai. Theo ông Năng, tạo ra một trường đại học có tầm vóc là một chuyện khác, đòi hỏi nguồn lực rất lớn.
Doanh thu trăm tỷ vẫn nợ tiền BHXH
Là một trong những trường đại học tư thục có hệ thống ngành đào tạo đa dạng tại miền Bắc, tổng thu năm học 2022-2023 của Phenikaa đạt 187,6 tỷ đồng, tăng 71% so với năm học trước. Trong đó thu từ học phí là 177,4 tỷ đồng, thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ 1,6 tỷ đồng và hơn 8,5 tỷ đồng thu từ nguồn hợp pháp khác.
Thông tin trên website của trường, ông Hồ Xuân Năng - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Phenikaa khẳng định, Phenikaa là trường học không vì lợi nhuận. Tập đoàn Phenikaa là đơn vị bảo trợ toàn diện về mọi mặt cho quá trình tái cấu trúc, bao gồm việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị nghiên cứu, đào tạo, thực hành... cho đến khi trường có thể tự chủ toàn diện và có một hội đồng tín thác đủ mạnh để chỉ đạo vận hành trường hiệu quả. Mọi nguồn thu từ lợi nhuận hoạt động và tài trợ sẽ được tái sử dụng để đầu tư và phát triển trường.
Tháng 3/2024, Trường Đại học Phenikaa nằm trong danh sách nợ BHXH với số tiền chậm đóng đến hết tháng 2/2024 gần 3 tỷ đồng.
Nhắc đến Trường Đại học Phenikaa, không thể không nhắc đến Tập đoàn Phenikaa - tập đoàn đa ngành với hơn 30 đơn vị thành viên. Hệ sinh thái dưới tay ông Hồ Xuân Năng hoạt động chính trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ, y tế, giáo dục. Trong đó, nổi bật hơn cả là Công ty Cổ phần Vicostone (HNX: VCS) - chủ sở hữu thương hiệu đá thạch anh Vicostone.
Hệ sinh thái doanh nghiệp liên quan doanh nhân Hồ Xuân Năng sẽ được Người Đưa Tin tiếp tục đề cập trong bài viết sau.