Hạ độc bằng thủ đoạn kỳ bí?
Để đến với Hương Nê, chúng tôi phải vượt qua con đèo Giàng, trên cung đường độc đạo hiểm trở. Khi hỏi đường vào Hương Nê vùng đất chứa những lời đồn, người dân nơi đây thắc mắc các anh vào Hương Nê làm gì? Không sợ bị độc à? Trong đó người ta bỏ ngải đấy. Thậm chí nhiều người còn tỏ ra hiểu biết khi chỉ đích xác bản hạ độc như Khuổi Ổn, bản Cáu và khuyên can không nên bước chân vào đó.
Tin đồn rằng vùng đất này từ xa xưa đã có truyền thống hàng năm họ (thầy tào) phải hạ độc một người để đổi lại bình yên cho gia đình dòng họ. Nếu không làm như vậy, rủi ro tai ương trong năm đó sẽ ập đến.
Trong những đám cưới, đám ma hay ngày lễ nào đó trong năm, những nơi ăn uống đông người đều là cơ hội tốt cho những người rắp tâm bỏ chất độc, ngải độc vào món ăn, chén rượu. Cách thức hạ độc đều được đồn đoán bằng những thủ đoạn vô cùng kỳ quái và bí hiểm. Có nhà trồng cây độc gia truyền, để hạ độc họ sẽ để móng tay dài, sau đó dùng móng tay bấm vào thân cây, khi đó thân cây sẽ tiết ra một loại mủ nhựa kịch độc, những người hạ độc sẽ bí mật tiếp xúc với thức ăn của nạn nhân mà họ không hề hay biết. Loại mủ của thân cây này đặc biệt tới mức không màu, không mùi, không vị. Khi nạn nhân ăn phải thức ăn nhiễm độc đều không có bất kỳ một cảm giác nào, mọi thứ đều rất bình thường. Độc dược này sẽ không tác dụng ngay, mà nạn nhân có thể chết trong 1 ngày, 3 ngày hoặc vài tuần, những cái chết này đều không rõ nguyên nhân.
Cây thuốc dùng để hạ độc giống như bí kíp gia truyền mà người ngoài không thể nhìn thấy vì họ trồng trên gác bếp. Đặc biệt loại cây này không cần phải tưới nước, chỉ ăn bồ hóng (khói và bụi bám vào) nhưng cây vẫn sống tươi tốt. Đây cũng là mối e ngại cho rất nhiều người trong vùng cũng như những người nơi khác tới làm ăn.
Những câu chuyện kỳ bí như vậy cứ thế được lan truyền từ đời này sang đời khác khiến hàng xóm cũng phải dè chừng nhau. Người nơi khác ai cũng ái ngại khi nhắc đến Hương Nê.
Đường vào Khuổi Ổn.
Khốn khổ vì tin đồn
Hoàn toàn không có thật Thiếu tá Đinh Quang Nhã, đội trưởng đội cảnh sát điều tra phòng chống tội phạm, công an huyện Ngân Sơn cho biết: “Nhiều năm công tác và theo dõi cụm Nà Phặc, Lãng Ngâm, Hương Nê, chúng tôi cũng có nghe về tin đồn này. Tuy nhiên, Hương Nê là một địa bàn ổn định về tình hình trật tự xã hội. Nhiều năm không có những vụ nổi cộm. Đặc biệt tin đồn về hạ độc tại Hương Nê hoàn toàn không có thật”. |
Nhiều câu chuyện bi hài khi tin đồn cứ thế tam sao thất bản đi khắp mọi nơi. Thậm chí, nếu con em Hương Nê, làm dâu, làm rể bên ngoài khi ông bà nội ngoại đến thăm cháu đều bắt gặp những ánh mắt xét nét từ phía nhà thông gia. Có người còn khẳng định sẵn sàng đánh cả bố vợ là người Hương Nê nếu ông cụ có biểu hiện lạ trên bàn thờ nhà mình. Con em trong xã khi ra ngoài đều gặp những ánh mắt nghi ngại của người ngoài.
Trao đổi với chúng tôi, chị Hứa Thị Thà, hiệu trưởng trường Tiểu học Hương Nê cho biết, bản thân chị cũng là một nạn nhân của tin đồn trên nên khi về làm dâu Hương Nê, các cụ cũng đã khuyên can không nên về nơi này. Tuy nhiên, từ khi về làm dâu, lập nghiệp tại vùng quê này, chị chưa hề chứng kiến một vụ hạ độc nào mà chỉ thấy người dân nơi đây sống hiền hậu, chan hòa tình cảm. Chúng tôi hỏi về những tin đồn, chị khẳng định ở đây hoàn toàn không có chuyện thất đức như vậy.
Trao đổi với phóng viên, anh Hoàng Văn Hiện - Trưởng công an xã Hương Nê chia sẻ: “Mình là người quê gốc ở đây và cũng hết sức ngỡ ngàng và cảm thấy tự ti khi người ta nói về quê hương mình như vậy. Có lần xuống Hà Nội thăm người nhà ốm nằm viện, đang ngồi uống nước ở bến xe Mỹ Đình, cô hàng nước hỏi quê, mình bảo quê mình ở Bắc Kạn, ngay lập tức họ hỏi luôn thế anh có biết cái vùng mà ở đó họ trồng cái cây gì đó rất độc mà mỗi năm họ phải bỏ độc chết một người nếu không họ phản lại chủ không? Tôi thực sự bất ngờ vì tin đồn ác ý lan xa như vậy. Khi về quê, tôi hỏi các cụ cao niên trong vùng nhưng không ai biết về phong tục đó. Mọi người cũng không biết tin đồn đó có từ bao giờ”.
Về tình hình trật tự trong vùng, anh Hiện cho biết: Trên địa bàn Hương Nê chưa thấy có cái chết nào liên quan đến hạ độc, hay chết không rõ nguyên nhân, an ninh trật tự luôn được đảm bảo. Còn bác Vi Văn Chấn, nguyên chủ tịch xã Hương Nê chia sẻ một câu chuyện bi hài về tin đồn. Khi còn làm chủ tịch xã, bác có tiếp một đoàn đại biểu của huyện về làm việc tại Hương Nê. Mặc dù đã đặt cơm tại nhà hàng để mời khách nhưng chẳng biết nghe đồn đoán thế nào, trong bữa cơm, mỗi người thủ sẵn một quả ớt. Khách để ớt trong bát, thậm chí trong rượu, khổ nỗi một số người không ăn được ớt nhưng vẫn cố gắng ăn cho kỳ được vì sợ bị bỏ độc. Độc thì chẳng thấy đâu nhưng các đại biểu đều mặt đỏ tía tai, nước mắt giàn giụa chỉ vì cay. Khi trà dư tửu hậu họ mới thổ lộ, nghe nói Hương Nê có tập tục phải hạ độc hàng năm, nhưng nếu ăn ớt chất độc sẽ tác dụng ngay tức khắc nên những người bỏ độc không dám hành động.
Đi tìm nguồn gốc tin đồn
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Hương Nê, ông Hoàng Văn Tuất cho biết: “Không biết tự bao giờ đã xuất hiện những tin đồn kinh hoàng về vùng đất chúng tôi. Tuy nhiên, các cụ cao niên cho biết, họ cũng có nghe về tin đồn này nhưng chưa thấy và chưa hề biết đến cây độc cũng như cách thức hạ độc, ngay cả nạn nhân chết như thế nào họ cũng không biết.
Trong quá trình tìm hiểu về nguồn gốc tin đồn, chúng tôi đã tìm đến ông tào Bọc (vì một số lý do ông không cho tên cụ thể-PV). Đây là một thầy nổi tiếng khắp vùng Ngân Sơn, là thế hệ thứ 5 của người làm tào. Ông cho biết, tin đồn này thực ra đã có rất lâu đời, theo các cụ kể lại từ thời phong kiến xa xưa, trong thung lũng Hương Nê chỉ có đồng bào Nùng sinh sống. Có lẽ do thời kỳ đói kém, việc ghen ăn tức ở vẫn thường xảy ra, các thầy tào được xem là những người có bùa phép gây hại người khác. Sau này, dân trí ngày càng cao, tin đồn thất thiệt kia cũng dần dần bớt đi phần ghê rợn.
Cũng theo thày tào Bọc, “người ngoài họ cứ đồn vậy gây tiếng ác cho người Hương Nê, trong các văn tự cổ của người Nùng tại Hương Nê, không có phần nào nhắc đến việc hạ độc hay cách thức hạ độc cả”.
Để tìm hiểu kỹ hơn về bản hạ độc, chúng tôi tìm đến với Khuổi Ôn một trong những trung tâm của tin đồn, bác trưởng thôn Triệu Sinh Kinh chia sẻ: “Tin đồn này bác cũng nghe nói nhưng thực tế rất nhiều đời nay tại bản Khuổi Ổn này chưa có ai nghe nói và biết đến cây độc hay cách gây độc”.
Chia tay Hương Nê, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với cách tiếp đón khách của người dân nơi đây, nồng ấm và thân thiện, không hề có ý hạ độc hay bỏ bùa ngải với ai. Trái lại với những lời thẩm vấn và tin đồn đầy chết chóc, Hương Nê vẫn bình yên trong thung.
Tr. P