Sáng 14/12, tại TP.Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu), UBND TP.HCM và UBND tỉnh Bạc Liệu đã tổ chức hội nghị Lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về liên kết hợp tác phát triển du lịch lần II năm 2019 nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối phát triển du lịch liên vùng.
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng, mặc dù có tiềm năng rất phong phú, nhưng nhìn chung du lịch toàn vùng ĐBSCL vẫn chưa thực sự phát triển.
Theo đó, quy hoạch đang thiếu các trung tâm và điểm đến du lịch có tính đặc trưng cao, đẳng cấp chất lượng quốc tế.
Để phát triển du lịch một cách bền vững, các địa phương cần tăng cường đầu tư trong chương trình liên kết, nhất là khuyến khích các doanh nghiệp lớn trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh đầu tư vào du lịch vùng ĐBSCL.
Tham gia hội nghị, nhiều đại biểu cũng đề xuất những giải pháp để đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch TP.Hồ Chí Minh và 13 tỉnh thành ĐBSCL.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc công ty Vietravel cho rằng, để du lịch ĐBSCL thật sự “cất cánh”, tạo ấn tượng mạnh mẽ với du khách các tỉnh TP.HCM và 13 tỉnh thành cần xây dựng một thương hiệu du lịch mạnh có tên là “Mekong Delta”.
Trong đó, cần phải kêu gọi người dân, nhất là các doanh nghiệp cùng tham gia liên kết, phát triển, tạo nên các sản phẩm ấn tượng. Đối với du lịch nội địa có thể dùng tên chung là “Hương sắc Nam bộ” để nối về nổi bật vùng ĐBSCL.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết, liên kết du lịch một địa phương không thể làm được mà cần có sự tham gia của các tỉnh.
“Trong đó, có thể khai thác các tiềm năng lẫn nhau như: sản phẩm du lịch chủ yếu của TP.Hồ Chí Minh là du lịch Mice (du lịch hội nghị, hội thảo, mua sắm) .
Còn thế mạnh du lịch của ĐBSCL là miệt vườn, biển đảo, văn hóa đặc trưng vì vậy cần liên kết hai sản phẩm du lịch này trong kế hoạch xây dựng chương trình du lịch cụ thể”, ông Nhân nhấn mạnh.
Quan trọng nhất, mục tiêu đặt ra từ việc liên kết là tăng chi tiêu bình quân của du khách tại các tỉnh, kéo dài thời gian lưu trú của du khách khi tới các tỉnh.
Cũng cần tạo dựng một thương hiệu chung về du lịch của TP.HCM và vùng ĐBSCL để giới thiệu dễ dàng, ấn tượng đến du khách thay vì những thương hiệu riêng lẻ lại trùng lắp.
Các tỉnh - thành cũng phải có cơ chế đồng hành, thúc đẩy các doanh nghiệp lữ hành khai thác các sản phẩm du lịch đặc thù đó. Đặc biệt là cần lưu ý kêu gọi những tập đoàn du lịch lớn tham gia, để tạo sự phát triển mạnh mẽ hơn.