Thời gian qua, các doanh nghiệp phía Nam áp dụng phương thức hoạt động sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” hay “1 cung đường - 2 điểm đến” đánh giá có rất nhiều rủi ro.
Tại khu vực phía Nam, mật độ nhà máy, xí nghiệp, lượng công nhân rất lớn, việc tìm đủ chỗ ở cho công nhân đáp ứng “3 tại chỗ” là thách thức không hề nhỏ, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ và vừa lúc này.
Bài toán “3 tại chỗ” của các doanh nghiệp phía Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh đã không còn phù hợp để có thể áp dụng. Ổ dịch bùng lên tại một số nhà máy lớn, nguồn lây từ bên ngoài và cả bên trong khu vực sản xuất như giao nhận lương thực, thực phẩm, vật tư, nguyên liệu, thành phẩm.. F1 đã chuyển thành F0 trong khu sản xuất.
Sau “3 tại chỗ” không thành, nhiều hiệp hội, doanh nghiệp phía Nam đã đề xuất nhiều phương án thay thế, trong đó có “2 tại chỗ” hoặc “2 tại chỗ - 1 vùng xanh” - sản xuất, ăn uống tại chỗ nhưng ngủ nơi “vùng xanh”.
Đây là những mô hình thay thế mà doanh nghiệp cho rằng linh hoạt và dễ thích ứng trong khi chờ đợi vắc-xin Covid-19 đến tay doanh nghiệp và người lao động.
Linh hoạt áp dụng “2 tại chỗ”
Trao đổi với Người Đưa Tin Pháp Luật, bà Hồ Thị Thu Uyên - Chi hội trưởng chi hội Khu Công nghệ cao (SBA) cho biết, phía Chi hội đã có đề xuất thí điểm phương án "2 tại chỗ", tức đồng ý cho lao động được đi làm từ nhà trong khoảng thời gian từ ngày 16 đến ngày 30/8.
Bà Uyên cho hay, lao động sẽ được duy trì việc xét nghiệm 2 lần trong 5 ngày đầu, sau đó là 2 lần/7 ngày trong tuần tiếp theo. Đồng thời phải có cam kết từ 3 phía là doanh nghiệp, lao động và gia đình của lao động đó. Riêng những lao động ở “vùng đỏ” sẽ không được tham gia thí điểm.
“Người tham gia thí điểm sẽ phải cài ứng dụng trên điện thoại, trước khi lên, xuống xe đưa đón phải bật ứng dụng để cơ quan quản lý và doanh nghiệp kiểm soát. Ngoài ra, người nhà của người lao động cũng được đưa xe lưu động đến test nhanh Covid-19, 1 tuần/lần”, bà Uyên cho hay.
Đại diện hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam (Lefaso) cũng cho biết, mô hình sản xuất “3 tại chỗ” không phải là không tốt, nhưng vì không còn phù hợp với bối cảnh dịch bệnh phức tạp ở Tp.HCM nên doanh nghiệp phải thay đổi để thích ứng.
Việc áp dụng “2 tại chỗ” sẽ kết hợp với xét nghiệm cho người lao động nhưng tần suất xét nghiệm sẽ tăng lên. Cùng với đó, là sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để cho người lao động có thể di chuyển bằng phương tiện cá nhân giữa nơi ở của gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Xây dựng “2 tại chỗ - 1 vùng xanh”
Tiếp tục chủ động xây dựng phương án, đảm bảo hành lang an toàn cho doanh nghiệp và người lao động khi tham gia sản xuất, ngày 15/8, ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM (HBA) đã có văn bản gửi UBND TP và các đơn vị liên quan đề nghị cải tiến phương thức thực hiện “3 tại chỗ”.
Căn cứ vào tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng và Chủ tịch UBND TP.HCM về phương châm "mở rộng vùng xanh, khoanh hẹp vùng đỏ", hiệp hội đề xuất thực hiện phương án "2 tại chỗ, 1 vùng xanh".
Theo ông Bé, với phương châm này công nhân sẽ "sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ" nhưng ngủ nơi "vùng xanh" là "khu an toàn". Bên cạnh đó, ông kiến nghị giải pháp doanh nghiệp đồng hành cùng chính quyền phường, xã và khu phố xây dựng "vùng xanh".
"Nơi ở của công nhân có thể là nhà riêng, nhà trọ, khu nhà trọ, khách sạn... nhưng trước hết phải nằm trong “vùng xanh”đã được doanh nghiệp khảo sát lựa chọn nhằm đảm bảo thuận lợi đi lại bằng xe đưa đón tập trung", ông Bé cho hay.
Với phương án này, doanh nghiệp sẽ phối hợp với khu phố, khu nhà trọ, chính quyền địa phương nhằm hỗ trợ, phối hợp, củng cố xây dựng “vùng xanh”, có công nhân cư trú như một "khu an toàn" ngày càng bền vững. Ông cũng đánh giá, chi phí hỗ trợ sẽ ít tốn kém hơn nhiều so với các phương án khác nhưng công nhân lại có thể sinh hoạt thoải mái hơn.
Ngoài ra, vị Chủ tịch hiệp hội này còn kiến nghị Ban quản lý các Khu chế xuất - khu công nghiệp Tp.HCM (HEPZA) và Ban quản lý các khu công nghệ cao Tp.HCM (SHTP) và công ty đầu tư hạ tầng các khu hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp phối hợp chính quyền xây dựng "vùng xanh" nơi có công nhân ở.
Doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ, cài đặt và sử dụng Bluezone cho công nhân để theo dõi. Có thể thực hiện theo đề xuất của Chi hội Khu công nghệ cao cài ứng dụng cho công nhân khi họ được về vùng xanh, nhất là khi quy định giãn cách cho phép họ sử dụng xe cá nhân để ra vào nơi làm việc. Đặc biệt, công nhân “vùng xanh” sẽ được doanh nghiệp xét nghiệm 5 ngày 2 lần.
Những kiến nghị nói trên được đưa ra trong bối cảnh tại Tp.HCM hiện có hơn 800 nhà máy trong 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao với hơn 60.000 lao động thực hiện mô hình "3 tại chỗ", nhưng hơn một tháng thực hiện "3 tại chỗ", công nhân không muốn ở mãi trong nhà máy hoặc khách sạn. Mặt khác chi phí "3 tại chỗ" của doanh nghiệp là quá lớn, không thể kéo dài.
Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo (Đại học Kinh tế Tp.HCM), việc giãn cách xã hội lan rộng sẽ tiếp tục giáng đòn chí mạng vào tiêu dùng và đầu tư trong những tháng tới và độ trễ kinh tế có thể sẽ còn kéo dài đến hết năm.
Đáng nói, hơn 60% GDP của Tp.HCM được đóng góp bởi khu vực dịch vụ, lĩnh vực hiện nay được xem gần như đã tê liệt vì thời gian giãn cách kéo dài và ngày càng siết chặt như hiện nay.
“Hầu như không có giải pháp vĩ mô nào rõ rệt để đảm bảo các hoạt động kinh tế được duy trì, hầu như lúc này tất cả chỉ trông chờ vào vắc-xin phòng Covid-19”, ông nhìn nhận và cho rằng sức chống chịu của doanh nghiệp đã bị bào mòn.
Sáng nay (16/8), Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện gửi 10 Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Công Thương; Tài nguyên và Môi trường; Xây dựng; Giao thông vận tải; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tin và Truyền thông; Tư pháp; Nội vụ về việc rà soát pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo cho biết, việc sửa đổi các vướng mắc về Luật để tiếp sức cho doanh nghiệp để củng cố trụ cột quan trọng của nền kinh tế là hết sức cần thiết, đảm bảo một cách tối đa các hoạt động kinh tế được vận hành thông suốt để duy trì các động cơ tăng trưởng mặc dù đang chậm lại.
Mới đây, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng bộ Công Thương nhìn nhận, mô hình sản xuất “3 tại chỗ” trong sản xuất công nghiệp vẫn là mô hình tốt trong bối cảnh dịch bệnh. Nhưng việc áp dụng phương án này tại các doanh nghiệp phía Nam, nhất là tại Tp.HCM và các tỉnh, thành đang giãn cách xã hội đã lộ rõ nhiều bất cập.
Ông Hải cho hay, bộ Công Thương đã có đề xuất Bộ Y tế điều chỉnh mô hình sản xuất này và hai cơ quan sớm thống nhất điều chỉnh, đưa ra tiêu chí mới thay thế “3 tại chỗ” đảm bảo chống dịch, sản xuất an toàn.