Các cơ sở sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm tới, mang lại lợi ích đáng kể cho các quốc gia nhập khẩu khí đốt, bao gồm các nước châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản, theo Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Lượng cung LNG toàn cầu sẽ gia tăng đáng kể từ năm 2026 và kéo dài trong ba năm tiếp theo, mang đến những tác động tích cực cho châu Âu. Ông Fatih Birol, Giám đốc IEA, đã chia sẻ điều này với hãng tin Anadolu sau các cuộc thảo luận ở Brussels, nơi ông gặp Quốc vương Bỉ Philippe, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa và Tổng thư ký NATO Mark Rutte.
Nhấn mạnh về việc một số dự án LNG được khởi động từ 6-7 năm trước tại Mỹ và Qatar đang chuẩn bị hoàn thành, ông Birol cho biết: "Một làn sóng cung LNG khổng lồ sắp tràn vào thị trường, giúp hạ giá khí đốt".
Sự thay đổi này đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia nhập khẩu khí đốt như châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ, khi thị trường chuyển từ trạng thái có lợi cho người bán sang có lợi cho người mua, qua đó củng cố vị thế đàm phán của các nước nhập khẩu.
"Đây là tin tốt cho châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản", ông Birol nhấn mạnh.
Theo số liệu của IEA, nguồn cung LNG toàn cầu vào năm ngoái chỉ tăng khoảng 2%, đánh dấu tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong bốn năm với 10 tỷ mét khối (bcm).
Tuy nhiên, sản lượng LNG dự kiến sẽ tăng 6% trong năm nay, bổ sung thêm 30 bcm nhờ sự gia nhập của một số dự án lớn ở Bắc Mỹ.
Trong khi đó, bên cạnh các dự án mở rộng của Qatar, các nhà máy hóa lỏng LNG đã đạt quyết định đầu tư hoặc đang được xây dựng dự kiến sẽ bổ sung hơn 270 bcm công suất xuất khẩu mỗi năm vào năm 2030.

Ông Fatih Birol nhận định lượng cung LNG toàn cầu sẽ gia tăng đáng kể từ năm 2026 và kéo dài trong ba năm tiếp theo.
"Giá khí đốt cao ở châu Âu đang gây ra khủng hoảng"
Ông Birol lưu ý rằng giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu vẫn ở mức cao, đặc biệt do điều kiện thời tiết lạnh, và nhấn mạnh rằng châu lục này vẫn chưa giải quyết được các thách thức về nguồn cung khí đốt.
Kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, các quốc gia EU đã nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga, dẫn đến sự gia tăng đột biến trong nhập khẩu LNG. Điều này đã đẩy giá khí đốt và LNG lên mức cao kỷ lục, đặc biệt là tại thị trường châu Âu.
"Giá năng lượng ở châu Âu cao hơn đáng kể so với các cường quốc kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ", ông Birol nói.
"Trung bình, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu cao gấp 5 lần so với Mỹ, trong khi giá điện cao gấp 4 lần so với Trung Quốc", ông cho biết thêm.
Ông Birol nhấn mạnh rằng xuất khẩu là xương sống của nền kinh tế châu Âu, và EU vẫn là nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới, vượt qua cả Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, chi phí năng lượng cao đang làm xói mòn lợi thế cạnh tranh của châu Âu trong thương mại toàn cầu. Ông cảnh báo: "Kết quả là nền kinh tế châu Âu, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp, đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng".
"Nếu không tìm ra giải pháp, nền kinh tế châu Âu có thể gặp bất ổn lớn, kéo theo những thách thức nghiêm trọng về việc làm", ông nói.
Ông nhấn mạnh rằng một trong những thách thức kinh tế lớn nhất của châu Âu hiện nay là tìm cách khôi phục ngành công nghiệp về mức trước chiến tranh mà không gây ra gián đoạn lớn.
Mở rộng điện hạt nhân lớn nhất trong ba thập kỷ
Ông Birol cũng nhấn mạnh rằng điện hạt nhân đang trở thành trọng tâm toàn cầu, bên cạnh vấn đề an ninh năng lượng và chuyển đổi sang năng lượng sạch.
"Với những lo ngại ngày càng tăng về an ninh năng lượng, chúng ta đang chứng kiến một sự hồi sinh mạnh mẽ của điện hạt nhân", ông cho biết.
"Hơn 60 nhà máy điện hạt nhân hiện đang được xây dựng trên toàn thế giới, đánh dấu đợt mở rộng lớn nhất của lĩnh vực này trong 30 năm qua", ông nói thêm.
Giám đốc IEA cho biết, sản lượng điện hạt nhân dự kiến sẽ đạt mức cao nhất từ trước đến nay trong năm nay.
Trong các cuộc thảo luận với chính phủ Bỉ, ông Birol cũng đề cập đến quan điểm thay đổi của nước này đối với năng lượng hạt nhân.
Ông chỉ ra rằng Bỉ, quốc gia từng có kế hoạch loại bỏ dần các nhà máy điện hạt nhân trước xung đột Nga-Ukraine, hiện đang xem xét xây dựng các nhà máy mới.
Ông cũng nhấn mạnh rằng các lò phản ứng hạt nhân mô-đun nhỏ (SMR) có thể trở thành một đổi mới quan trọng trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân kể từ năm 2030.
Tăng cường hợp tác năng lượng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu
Khi thảo luận về chiến lược năng lượng của Thổ Nhỹ Kỳ, ông Birol đánh giá cao những nỗ lực của nước này trong việc đa dạng hóa nguồn cung và mở rộng các dự án hạt nhân.
"Thổ Nhĩ Kỳ hiện nhập khẩu khí đốt từ nhiều nhà cung cấp khác nhau, bao gồm cả Turkmenistan, đồng thời đạt nhiều tiến bộ trong năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời", ông nói.
"Hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có những bước tiến xa hơn trong công nghệ điện hạt nhân để mở rộng danh mục năng lượng của mình", ông cho biết thêm.
Ông Birol cũng nhấn mạnh tiềm năng hợp tác năng lượng sâu rộng hơn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu, điều có thể mang lại nhiều lợi ích đáng kể.
Chỉ ra thế mạnh của Thổ Nhĩ Kỳ trong sản xuất tua-bin, ông cho biết: "Tôi thấy có nhiều tiềm năng hợp tác mạnh mẽ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu trong lĩnh vực này".
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển khí đốt từ Azerbaijan, Turkmenistan và các nhà cung cấp khác tới thị trường châu Âu, góp phần tăng cường đa dạng hóa và an ninh năng lượng của châu lục, ông kết luận.
Lê Anh (Theo AA)