Ông Andrew Bailey đã cảnh báo sẽ có những "ổ gà" trên con đường phía trước, nhưng sau khi lạm phát tăng mạnh hơn dự kiến lên 3% vào tháng 1, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh có thể sẽ phải đối mặt với hành trình gập ghềnh hơn những gì ông hình dung.
Đối với Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves, con đường phía trước cũng không hề dễ dàng. Bà từng hứa sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế "có thể cảm nhận được trong túi tiền của người dân", nhưng hiện tại đang phải đối mặt với những lời chỉ trích rằng chính quyền Công đảng khiến túi tiền của người dân vơi đi, chứ không phải đầy thêm.
Vài năm trước, ông Bailey và các đồng nghiệp tại Mỹ, khu vực đồng euro đã phải trả giá vì dự đoán sai rằng giai đoạn lạm phát cao sau đại dịch Covid-19 chỉ là "tạm thời". Thực tế, chi phí sinh hoạt vẫn tiếp tục tăng trong bối cảnh hàng loạt cú sốc kinh tế liên tiếp xảy ra.
Đó là một bài học và lần này, tình huống có thể lại có những nét tương đồng đáng lo ngại. Trong khi Ngân hàng Trung ương Anh cảnh báo rằng lạm phát có thể đạt đỉnh mới ở mức 3,7% vào cuối năm nay, họ vẫn cho rằng điều đó chỉ là tạm thời và vẫn để ngỏ khả năng cắt giảm thêm lãi suất.

Ngân hàng Anh có thể phải đối mặt với chặng đường gập ghềnh hơn dự kiến sau khi lạm phát của Anh tăng lên 3% vào tháng 1. (Ảnh: Martin Godwin/The Guardian)
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư ở khu vực tài chính London cho rằng đó là suy nghĩ viển vông. Bất chấp những lời cảnh báo, bao gồm cả từ Ngân hàng Trung ương, nền kinh tế vẫn tăng trưởng trong quý cuối cùng của năm ngoái, tăng trưởng tiền lương được đẩy nhanh và tỉ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp. Dù tăng trưởng chậm chạp, áp lực lạm phát vẫn đang âm ỉ dưới bề mặt.
Với những sai lầm dự đoán gần đây của Ngân hàng Trung ương, việc cắt giảm lãi suất trong bối cảnh lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% sẽ là một động thái táo bạo đến bất thường.
Tuy nhiên, vẫn có lý do để tin rằng đợt tăng giá gần đây có thể không kéo dài. Các nhà giao dịch tài chính dường như cũng đồng tình với quan điểm này, khi thị trường vẫn định giá khả năng Ngân hàng Trung ương sẽ thực hiện thêm hai đợt cắt giảm lãi suất, mỗi lần 0,25 điểm phần trăm, trong năm nay.
Những cú sốc mà nền kinh tế Anh đang đối mặt hiện nay nhỏ hơn đáng kể so với năm 2022, khi xung đột Nga – Ukraine bắt đầu buộc Ngân hàng Trung ương phải xóa bỏ dự báo lạm phát tạm thời trước đó. Cuộc xung đột diễn ra trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị tắc nghẽn, thiếu hụt lao động và nhu cầu tiêu dùng tăng nóng. Nhưng lần này, nền kinh tế đã suy yếu hơn nhiều - dù điều kiện vẫn tốt hơn so với những lo ngại trước đó.
Sẽ có nhiều bài phân tích về việc chính sách áp thuế VAT đối với học phí trường tư thục mà Công đảng đưa ra khiến lạm phát tăng. Tuy nhiên, điều này đã được dự báo từ trước và chỉ góp phần làm tăng 0,08% vào mức thay đổi của lạm phát trong giai đoạn từ tháng 12 đến tháng 1. Nguyên nhân bất ngờ khiến lạm phát vượt qua dự báo 2,8% của giới tài chính là do giá vé máy bay tăng trở lại sau khi giảm bất thường vào tháng 12, đóng góp vào mức tăng gấp bốn lần so với tác động của học phí trường tư.
Trong những tháng tới, lạm phát được dự đoán sẽ còn tăng thêm, do mùa đông lạnh hơn dự kiến ở châu Âu sẽ khiến hóa đơn năng lượng tăng cao. Giá thực phẩm cũng đang tăng trở lại, tiếp tục gây sức ép lên các hộ gia đình.
Bà Rachel Reeves cũng sẽ gặp nhiều sóng gió khi nhận được bản dự báo kinh tế và tài chính công lần thứ hai từ Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR) vào thứ Tư.

Bộ trưởng Tài chính Anh Rachel Reeves. Ảnh: CNBC
Các lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng việc tăng thêm 25 tỷ bảng Anh từ khoản đóng góp bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động và tăng lương tối thiểu thêm 6,7% (dự kiến có hiệu lực từ tháng 4) sẽ buộc họ phải chuyển phần chi phí lao động cao hơn này sang người tiêu dùng bằng cách tăng giá bán.
Chiến tranh thương mại của Tổng thống Donald Trump càng làm tình hình phức tạp hơn: lạm phát ở Anh có thể tăng lên nếu đồng bảng Anh mất giá, hoặc nếu chính phủ đáp trả bằng thuế quan; ngược lại, giá cả có thể giảm nếu hàng hóa Trung Quốc, lẽ ra xuất sang Mỹ, đổ vào thị trường Anh.
Dù vẫn có nguy cơ nước Anh sẽ thấy "ổ gà lạm phát" biến thành "hố sâu khổng lồ" nhưng điều đó vẫn chưa hoàn toàn chắc chắn ở thời điểm này.
Thế Hải (Theo Theguardian)