Sáng 16/7, kỳ họp thứ 17, HĐND thành phố Hồ Chí Minh khóa X bước vào ngày làm việc thứ hai, HĐND thành phố Hồ Chí Minh tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn với Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, thành phố Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng và Chủ tịch UBND quận Bình Tân Nguyễn Minh Nhựt.
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ thông tin, việc lựa chọn chủ đề chất vấn và người được chất vấn đã được lấy ý kiến của đại biểu HĐND thành phố Hồ Chí Minh.
Kết quả 88/88 đại biểu biểu quyết chọn ra các vấn đề tập trung liên quan quản lý và phát triển hạ tầng công nghệ thông tin; an ninh mạng và bảo mật thông tin; chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước.
Đồng thời, HĐND thành phố Hồ Chí Minh chất vấn về biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số; quản lý thông tin và truyền thông đại chúng; biện pháp xử lý các thông tin sai lệch, tin giả trên các phương tiện truyền thông.
Bên cạnh đó, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin; vấn đề hợp tác quốc tế và khu vực để nâng cao trình độ và phát triển công nghệ thông tin.
Vấn đề nóng của ngành thông tin và truyền thông
Tại phiên chất vấn, đại biểu Lê Minh Đức đề nghị lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông làm rõ hơn về các giải pháp chuyển đổi số, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, nhất là trong bối cảnh thành phố Hồ Chí Minh chọn chuyển đổi số là chủ đề năm 2024.
"Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tham mưu giải pháp gì để người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến thuận lợi hơn, dễ dàng hơn, đặc biệt là với những người lớn tuổi, người khuyết tật", đại biểu Lê Minh Đức hỏi.
Đại biểu Lê Thị Ngọc Thanh đặt câu hỏi về việc ứng dụng công nghệ thông tin số hóa dữ liệu trong cơ quan nhà nước thời gian qua có những thách thức gì.
Còn đại biểu Phạm Đăng Khoa chất vất về thông tin "thành phố chưa giải ngân được đồng nào trong lĩnh vực chuyển đổi số trong 6 tháng đầu năm" đến lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh.
Trả lời các câu hỏi, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện Cổng dịch vụ công thành phố Hồ Chí Minh thống nhất trên cơ sở hợp nhất khoảng 40 cổng dịch vụ công riêng lẻ trước đây.
Trong thiết kế, hệ thống cố gắng đơn giản nhất về quy trình, giao diện và đồng bộ, thống nhất với các cổng dịch vụ công khác, nhất là cổng dịch vụ công quốc gia.
"Thành phố Hồ Chí Minh đang từng bước làm giàu dữ liệu chuyên ngành, hồ sơ người dân để thực hiện mục tiêu tái sử dụng dữ liệu, người dân chỉ khai báo một lần, các thông tin khai báo ngày càng ít đi, các thông tin tự động điền ngày càng nhiều hơn", ông Thắng chia sẻ.
Để hỗ trợ người dân khi thực hiện chuyển đổi số, ông Lâm Đình Thắng nêu một số giải pháp như hệ thống dịch vụ công có trợ lý ảo, các đơn vị bố trí nhân sự hướng dẫn người dân, phát huy các tổ công nghệ số cộng đồng, nhất là người yếu thế, lớn tuổi.
Về vấn đề giải ngân đầu tư công cho chuyển đổi số, năm 2024, thành phố Hồ Chí Minh bố trí 1.290 tỷ đồng cho các dự án công nghệ. Từ tháng 6/2023, các đơn vị đã đề xuất nhu cầu đầu tư về Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh tổng hợp về UBND thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 12/2023.
Tuy nhiên, do công tác thẩm định kéo dài nên việc giải ngân chưa nhanh. Dự kiến việc giải ngân vẫn hoàn thành trong năm 2024, rơi vào quý 3 và quý 4 năm nay. Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc việc giải ngân vốn đầu tư công các dự án công nghệ - thông tin.
Tăng cường phối hợp xử lý tin giả, tin xấu độc
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Nga nhìn nhận thời gian qua các thông tin giả, tin xấu độc xuất hiện tràn lan trên mạng, tạo hiệu ứng đám đông, gây tiêu cực cho xã hội. Vì vậy, bà Nga đặt câu hỏi về giải pháp để người dân nhận biết đâu là thông tin chính thống.
Trả lời chất vấn của đại biểu HĐND thành phố Hồ Chí Minh về vấn đề tin giả, tin xấu độc tràn lan trên mạng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng cho biết, các thông tin trên mạng hiện nay đến từ 2 nguồn.
"Đầu tiên là các tổ chức, cá nhân trong nước, có nguồn gốc rõ ràng và được cấp phép. Nguồn còn lại là các trang mạng không rõ nguồn gốc, mạng xã hội xuyên biên giới", ông Thắng chỉ ra.
Đối với những đơn vị được quản lý nếu có sai phạm thì cơ quan chức năng kịp thời chấn chỉnh, xử lý. Tuy nhiên, việc xử lý tin giả trên các mạng xã hội xuyên biên giới như YouTube, Facebook, TikTok còn nhiều khó khăn.
Người đứng đầu Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh cho hay: "Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng tin giả, tin xấu độc trên mạng là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới không có đại diện pháp lý tại Việt Nam. Mặc dù, người dân đọc tin tức hàng ngày bằng tiếng Việt nhưng máy chủ của họ cũng không đặt trong nước ta".
Vì vậy, khi các cơ quan chức năng của Việt Nam yêu cầu gỡ tin giả, tin xấu, độc thì phần lớn những doanh nghiệp nước ngoài này tìm cách né tránh vì quy định nội bộ của họ. Dẫn đến tin giả, tin sai lệch vẫn còn nhiều trên mạng.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, đơn vị, địa phương trong xác định tin giả còn tốn nhiều thời gian và chưa chặt chẽ.
Thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp để xử lý nghiêm các vi phạm trên mạng, không chỉ dừng lại ở xử lý vi phạm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang để xử lý đối tượng có hành vi phát ngôn không đúng về thành phố Hồ Chí Minh.
Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh cũng phối hợp với Công an thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giám định tư pháp đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự, chuyển hồ sơ cho cơ quan công an để xử lý. Năm 2023, sở đã chuyển 24 hồ sơ và từ đầu năm 2024 đến nay là 18 hồ sơ.
Song song đó, thành phố Hồ Chí Minh đã có hệ thống lắng nghe mạng xã hội, tổng hợp thông tin dư luận, phát hiện vi phạm trên không gian mạng. Địa phương đang nghiên cứu thành lập bộ phận xử lý tin giả trên toàn địa bàn, dự kiến đặt tại Trung tâm Báo chí thành phố Hồ Chí Minh.
Thời gian tới, ông Lâm Đình Thắng cho biết, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông về giải pháp xử lý các mạng xã hội xuyên biên giới.
Từ đầu năm đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển 30 tài khoản vi phạm trên không gian mạng để xử lý.
"Cần thay đổi cách thức quản lý theo hướng tất cả tài khoản mạng xã hội phải định danh và chỉ tài khoản đã định danh mới được bình luận. Các mạng xã hội xuyên biên giới phải chấp hành yêu cầu của cơ quan chức năng trong vòng 24 giờ", ông Lâm Đình Thắng nói.
Đồng thời, cần tăng cường trách nhiệm của cơ quan chức năng ở các ngành, địa phương trong việc phát ngôn, phản bác tin giả, tin sai lệch.