Ngày 5/6, Quốc hội dành cả ngày làm việc để thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016.
Đa số ý kiến ĐBQH đánh giá sự cố gắng của đoàn giám sát và cơ bản nhất trí với báo cáo giám sát. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các ĐBQH cũng thảo luận sôi nổi và chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại như: Chế tài xử phạt về không đảm bảo vệ sinh ATTP còn nhẹ, không đủ sức răn đe, tình trạng vi phạm ATTP vẫn diễn ra khá phổ biến, kiểm soát trong lĩnh vực ATTP chưa đạt yêu cầu thực tiễn, nhiều nơi chạm tới báo động đỏ dẫn đến ngộ độc tập thể nhiều người chết, gây tâm lý hoang mang bức xúc cho nhân dân…
Phát biểu ý kiến về vấn đề này, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) đặt câu hỏi: “Tại sao với các nước cùng hoàn cảnh về kinh tế xã hội, khoa học kỹ thuật nhưng vấn đề an toàn thực phẩm ở nước ta lại đang ở báo động đỏ? Không riêng ATTP, những ngành nghề khác, cơ chế phối hợp và ban chỉ đạo liên ngành chưa phát huy được kết quả như mong muốn. Do đó, cần phân tích học tập từ các nước để có những mô hình mới phù hợp”.
“Giá như bộ NN&PTNT có được chiến lược đúng đắn cho nền sản xuất nông nghiệp, bộ Công Thương kiểm soát tốt được việc kinh doanh hóa chất thì ATTP sẽ được cải thiện từ gốc”, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan nói.
“Cần có định hướng trong tuyên truyền thông tin truyền thông, để người dân không chỉ lo sợ, tẩy chay, nói không với thực phẩm bẩn mà còn biết mua thực phẩm sạch ở đâu, dùng như thế nào. ATTP đang ở mức báo động đỏ là hậu quả của cách tổ chức chưa hợp lý, cách làm việc tắc trách, đối phó, hình thức, chạy theo phong trào tồn tại từ rất lâu. Cần quyết liệt thay đổi thì mới giải quyết được vấn đề ATTP”, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh.
Dương Thu