Giáo dục nghề nghiệp khó khăn

Giáo dục nghề nghiệp khó khăn

Nguyễn Xuân Sang

Nguyễn Xuân Sang

Thứ 4, 15/09/2021 10:07

Sau 2 năm dịch bệnh kéo dài, hệ thống giáo dục nghệ nghiệp nói chung đã bị thiệt hại rất nặng nề.

Sau 4 năm Bộ LĐTB&XH tiếp quản các trường Cao đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp từ Bộ GD&ĐT chuyển sang kết hợp với mảng đào tạo nghề cũ để hình thành lên mảng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) như hiện với 3 cấp bậc đào tạo: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng, GDNN đã chiếm một vị trí quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Với gần 2.000 cơ sở, mỗi năm hệ thống GDNN tuyển sinh và đào tạo trên 2 triệu người học thuộc các hệ khác nhau. Như năm 2020, tuyển sinh được trên 2,2 triệu người.

Tuy nhiên đến năm 2021, con số này đang bị “đe doạ” nghiêm trọng. Theo số liệu của Tổng cục GDNN tại một hội nghị về công tác tuyển sinh, kết quả tuyển sinh tính đến ngày 15/8/2021 qua tổng hợp trên phần mềm quản lý số liệu tuyển sinh, có 215/400 trường cao đẳng và 262/463 trường trung cấp và chỉ có 308 trên gần 2000 trung tâm có số liệu báo cáo (khoảng hơn 1/2 trong tổng số trường và 1/6 số trung tâm có báo cáo), với kết quả tuyển sinh trình độ TC, CĐ được hơn 75.000 người, đạt khoảng 13% kế hoạch năm 2021, bằng khoảng 83% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuyển sinh, đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên cho khoảng 800.000 người (đạt 44 % kế hoạch năm). Số người được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng 60.000 người. So với năm 2020, số người được hỗ trợ học nghề giảm mạnh do nguồn ngân sách hỗ trợ không được cấp.

Nhìn vào số liệu tuyển sinh 7 tháng đầu năm 2021 và từ thực tế của hệ thống GDNN nói chung cho thấy, sau 2 năm dịch bệnh kéo dài, hệ thống GDNN đã bị ảnh hưởng rất nặng nề. Số lượng học sinh sinh viên (HSSV) tuyển sinh mới có xu hướng bị sụt giảm nghiêm trọng. Tỷ lệ HSSV bỏ học cao, do nhiều nguyên nhân trong đó những nguyên nhân chính là yếu tố khó khăn về kinh tế, triển vọng công việc, việc học tập online khó khăn… ảnh hưởng trực tiếp tới sự tồn tại và phát triển của các trường đào tạo.

Trong tổng số 1907 cơ sở GDNN có 680 cơ sở GDNN ngoài công lập (chiếm khoảng 35,6% số cơ sở GDNN trên cả nước). Phần lớn các cơ sở GDNN ngoài công lập đã bước vào giai đoạn khó khăn, kiệt quệ khi các chi phí để duy trì Nhà trường như trả lương bộ máy, cơ sở vật chất, tuyển sinh và đào tạo không dừng được, có trường đứng trên bờ vực phá sản. Công tác đào tạo gặp nhiều vướng mắc do phần lớn ngành nghề đào tạo của GDNN có tỷ lệ thực hành lớn trong chương trình đào tạo.

Nếu chỉ dạy lý thuyết thì sinh viên không làm việc được nên bắt buộc phải thực hành nhiều. Dạy thực hành thì nhiều nơi giãn cách nên sinh viên không đến trường được. Việc gắn kết giữa Nhà trường với doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đã dừng hoạt động. Số trường đủ điều kiện để có thể đào tạo 3 tại chỗ không đáng kể. HSSV học online phải chi phí thêm tiền mua máy tính, điện thoại thông minh, lắp đặt thiết bị mạng…trong khi HSSV một phần lớn đều ở nông thôn, điều kiện kinh tế còn khó khăn. Chưa kể nếu không mua bản quyền phần mềm giảng dạy thì nhiều phần mềm dùng miễn phí hay bị gián đoạn khi giảng dạy và học tập.

Hơn nữa, nhiều cơ sở GDNN hiện nay cũng gặp khó với câu chuyện: đơn đặt hàng. Các trường đang phải vất vả với hàng loạt hồ sơ, thủ tục. Theo tôi, đối với các đơn đặt hàng đào tạo dài hạn của tổ chức, doanh nghiệp hay chính quyền địa phương thì không yêu cầu trường được đặt hàng phải làm thủ tục đăng ký địa điểm đào tạo mà chỉ phải báo cáo tổng cục GDNN trước khi đào tạo.

Cần khuyến khích đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh ngay tại trường đào tạo để gắn kết giữa đào tạo với thực hành và cả tăng thu cho trường tái đầu tư cho đào tạo.

Công tác tuyển sinh của GDNN gặp sự cạnh tranh gay gắt giữa GDNN và các trường THPT(trong tuyển đầu vào sau lớp 9) và đại học(sau tốt nghiệp THPT) mà phần đuối nghiêng về GDNN bởi tâm lý phụ huynh và học sinh vẫn thích có bằng cấp 3 và học đại học. Thực tế cho thấy, đang có một lát cắt rời trong tính liên thông, liên kết vốn dĩ phải là rất chặt chẽ của hệ thống giáo dục quốc gia. Việc phân luồng vẫn chỉ là chủ trương mang tính hành chính còn thực tế chưa thực hiện được bao nhiêu. Chỉ tiêu các trường đại học vẫn mở rộng kèm theo tính ưu việt trong đào tạo từ xa, đào tạo online là lợi thế của bậc đại học.

Đồng thời tiếp tục mở rộng chính sách khuyến khích học nghề như đã hỗ trợ học phí cho học sinh học nghề từ đầu vào lớp 9 học trung cấp được hỗ trợ tiếp 1 phần khi học lên cao đẳng.

Câu chuyện tranh luận mấy năm nay về việc đào tạo hệ THPT theo chương trình giáo dục thường xuyên do Bộ GD&ĐT quản lý và các trường nghề vẫn chưa có hồi kết. Bộ GD&ĐT vẫn giữ quan điểm giao cho các trung tâm GDNN-GDTX giảng dạy, các trường nghề phải liên kết với các trung tâm này chứ không được tự dạy dù có đủ cơ sở vật chất hay đội ngũ. Nhiều Trung tâm GDTX cấp huyện yếu cả về cơ sở vật chất và đội ngũ nên xảy ra thực tế là trường nghề mạnh lại phải đi liên kết và phụ thuộc vào trung tâm yếu để giảng dạy văn hóa THPT.

Tại nhiều tỉnh đã thử đi tìm con đường gỡ bằng cách đề nghị sáp nhập trung tâm GDNN-GDTX vào trường cao đẳng hoặc đề nghị thành lập Trung tâm GDTX tại trường cao đẳng để trực tiếp giảng dạy luôn nhưng cho tới nay mới có duy nhất một trường tại Lào Cai là được thí điểm mô hình sáp nhập với trung tâm GDNN-GDTX. Sau khi sáp nhập và được dạy văn hóa, công tác tuyển sinh của Nhà trường đã có bước phát triển mạnh bởi các điều kiện thuận lợi. Việc xin thành lập Trung tâm GDTX tại trường cao đẳng cũng không khả quan do không được chấp thuận bởi nhiều vướng mắc.

Điều này đặt ra vấn đề: nếu giả sử được sáp nhập các trung tâm GDNN-GDTX vào trường cao đẳng thì chỉ áp dụng được với hệ thống trường công lập chứ không áp dụng được với trường ngoài công lập. Chưa kể, nếu trên địa bàn nhiều trường cao đẳng thì sẽ xử lý ra sao khi có trường được sáp nhập, trường không có trung tâm GDNN-GDTX để sáp nhập?

Việc tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ đối với người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 cũng gặp nhiều vướng mắc.

Các cơ sở GDNN tư thục là loại hình có yếu tố doanh nghiệp nhưng là doanh nghiệp đặc thù. Do công tác đào tạo không gián đoạn nên việc cắt giảm cán bộ giảng viên là điều hầu như các đơn vị đào tạo hạn chế tối đa. Trong khi đó việc hỗ trợ cho người sử dụng lao động được vay vốn trả lương ngừng việc lại yêu cầu người lao động phải ngừng việc kèm theo không có nợ xấu tại ngân hàng, mức cho vay cũng chỉ tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng và tối đa được vay là 3 tháng.

Do vậy, số cán bộ giảng viên được vay chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Với gói vay để cho người sử dụng lao động trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất, kinh doanh cũng gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận vay. Theo quy định các cơ sở GDNN ngoài công lập phải có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, không có quy định rõ là phương án đó lập có phải thẩm định, phê duyệt không, ai là người thẩm định, phê duyệt phương án đó?...nên phía ngân hàng còn rất thận trọng trong cho vay. Thời gian vay vốn dưới 12 tháng là ngắn cần phải kéo dài hơn.

Mức vay được tính theo công thức: số lao động x mức lương tối thiểu vùng x 3 tháng nên số tiền cho vay so với nhu cầu của các trường cao đẳng còn bị hạn chế. Với việc vay để phục hồi sản xuất, Nhà nước cần có hạn mức vay lớn hơn, thời gian vay dài hơn dành cho các trường ngoài công lập mới có thể hỗ trợ được các trường vượt qua khó khăn.

Trong tình hình dịch còn phức tạp, hàng trăm trường tư thục vẫn đang tự xoay sở, khắc phục khó khăn chồng chất để duy trì nhà trường với hy vọng dịch bệnh sớm kết thúc để có thể tồn tại và phát triển. Hệ thống GDNN và nhất là các trường ngoài công lập rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước và các cơ quan có liên quan trong tháo gỡ chính sách, tạo điều kiện nâng cao tính tự chủ của các trường, tính liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân, tiếp cận được các nguồn lực để duy trì và phát triển.

TS. Nguyễn Xuân Sang Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.