Con đường gian truân
Tôi may mắn được làm việc với Đại tá Nguyễn Xuân Trường, Giám thị trại giam Đắk Plao thuộc tổng cục VIII, bộ Công an đóng chân trên địa bàn xã Đắk Som (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) rất nhiều lần. Nhưng tôi không thể viết về ông. Bởi, mỗi tôi có ngỏ ý, ông đều xua tay nói: “Tôi có gì để viết đâu, công việc của tôi cũng như bao ngành nghề khác thôi, cũng vì yêu nghề và trách nhiệm. Nó có đặc biệt hơn một chút là giáo dục phạm nhân, những người đã lỡ bước vào con đường lầm lỗi...”.
Ông nói chuyện về công việc bằng thái độ nhẹ tênh như thế. Có vẻ như cách Đại tá Trường nghĩ về cái nghề vốn nhiều gian truân ấy là sự dốc lòng, một sự tận tụy và trách nhiệm là đương nhiên, không có gì phải than vãn. Xuất thân trong một gia đình nông dân, nhưng ngày nhỏ, ông đã mơ ước được khoác trên mình màu áo của ngành công an. Bằng giọng trầm ấm, ông chia sẻ: “Lúc nhỏ, tôi mê ngành công an lắm, cứ thấy ai mà mặc áo công an là cứ nhìn theo mãi. Cũng vì thế, tôi đã đi theo ngành đến tận bây giờ”.
Ông nói thêm, đó là “nghiệp”, có lẽ vì nghiệp vận vào thân, nên từ ngày vào ngành, đến bây giờ đã tròn 40 năm. Ông vẫn luôn có nhiệt huyết như thuở ban đầu. Cũng vì nhiệt huyết ấy, khi có quyết định được điều về làm Giám thị đầu tiên của trại giam Đắk Plao, ngày 12/9/2014, ông đã không quản ngại khó khăn, vui vẻ nhận mệnh lệnh của cấp trên để đến mảnh đất núi rừng trùng điệp nhận nhiệm vụ.
Ông không kể về khó khăn của mình cũng như tất cả các cán bộ trại giam ở đây. Nhưng ai cũng biết, chẳng dễ dàng với bất cứ ai khi nhận nhiệm vụ này. Khi được hỏi, Đại tá Trường chỉ cười nói: “Thì rõ ràng là trại giam mới thành lập nên khó khăn là đương nhiên, nhưng tất cả cán bộ nhân viên ở đây đều cố gắng. Hơn nữa lại nhờ được sự ủng hộ và giúp đỡ của cấp trên nên rất nhiều khó khăn cũng đã qua. Còn nhiều khó khăn trước mắt nữa. Nhưng vừa qua, cơ quan cũng đã được bộ Công an tặng cờ thi đua. Đó là sự ghi nhận cho mọi nỗ lực của một trại giam non trẻ nhất nước này...”.
Đọc suy nghĩ của phạm nhân để giáo dục
Theo lời Đại tá Trường, việc cải tạo giáo dục con người đã là công việc quá khó, nhưng cải tạo giáo dục những người từng lầm lỡ càng khó gấp trăm ngàn lần. Đại tá Trường chia sẻ: “Nói thật, việc dạy con cái trong nhà hay rộng ra là thầy giáo dạy học sinh là điều thực sự khó khăn. Mình thì ở trong môi trường này, nơi những con người đã phạm tội tày trời nhất cũng vào. Do đó, việc cải tạo, giáo dục là không thể nói được bằng một vài câu chuyện”.
Đại tá Trường nói, với hơn 1.000 phạm nhân đang thụ án ở đây, loại tội phạm nào cũng có, từ trộm cắp vặt đến cướp bóc, giết người... nên việc quản lý cũng không dễ dàng. Đại tá kể, có lần, ông được cán bộ trại thông báo có phạm nhân Nguyễn Văn Huấn (SN 1997, ngụ tỉnh Đắk Nông) mang tội Giết người. Đặc biệt, phạm nhân này vì tức giận mẹ nên đã mua thuốc chuột bỏ vào cháo cho mẹ ăn.
Nhưng may mắn người mẹ thấy mùi hôi nên không ăn cháo mà đổ cho chó ăn. Sau đó, bà thấy con chó nằm lăn ra chết, bà đã báo công an. Đại tá Trường chia sẻ: “Sau khi công an điều tra, phát hiện Huấn chính là hung thủ bỏ thuốc chuột vào cháo với mục đích giết mẹ, Huấn đã bị kết án 9 năm tù. Mới vào trại giam, Huấn cũng lì lợm lắm, mình nắm bắt được tâm lý, nên đã động viên Huấn viết thư xin lỗi mẹ, sau đó mình tổ chức cho Huấn với mẹ gặp nhau...”.
Cuộc gặp gỡ đó không những làm rơi nước mắt của hai mẹ con Huấn, mà còn làm cho bao người khóc theo trước sự ăn năn hối hận thực sự của Huấn. Đại tá Trường nói: “Sau khi động viên, phân tích đúng sai, mình bố trí cho Huấn gặp lại mẹ. Huấn vừa nhìn thấy mẹ đã quỳ xuống ôm chân mẹ xin lỗi. Lúc đó, trong sâu thẳm tâm hồn, Huấn mới ngộ ra sai lầm của mình. Mình phải giáo dục các phạm nhân sao cho họ thực sự nhận ra sai lầm của mình chứ không phải nói cho có. Họ gật đầu rồi đâu lại vào đấy là không hiệu quả”.
Cũng sau lần gặp mặt, mẹ của Huấn vui mừng vì thấy từ khi vào trại, được sự giáo dục động viên của cán bộ, Huấn đã thực tâm hối hận và nhận ra lỗi lầm của mình. Cô Loan, mẹ Huấn từng nói: “Thực ra lúc công an cho biết người muốn giết tôi chính là con trai mình, tôi đã tức giận vô cùng. Nhưng sau đó, khi Huấn bị kết án, tôi lại thương. Tôi thương con vì nó nông nổi mà phải vào tù. Rồi sợ vào tù, nó lại nghĩ quẩn, hư hơn. Nhưng sau mấy tháng tôi được gặp lại con trai mình, tôi nhận ra con trai tôi thay đổi rất nhiều. Biết thương mẹ, biết việc làm của mình là sai trái, biết xin lỗi mẹ... điều mà trước đây nó chưa từng làm. Được như vậy là tôi cảm ơn các cán bộ trại giam rất nhiều, đặc biệt là cảm ơn Đại tá Trường đã giáo dục con tôi nên người”.
Cũng theo Đại tá Trường, có những phạm nhân vào đây với “thành tích” đã từng có 10 tiền án. Đại tá Trường chia sẻ: “Rất nhiều phạm nhân có tiền án tiền sự. Những phạm nhân này đa số là buôn ma túy hoặc trộm cướp. Với tâm lý đi tù như cơm bữa nên thái độ cũng rất bất cần. Mình phải tìm hiểu kỹ lý lịch từng phạm nhân, có khi còn tìm hiểu cả tính cách như thế nào để giáo dục cho hiệu quả”.
Những người có nhiều tiền án tiền sự sẽ “nhờn” với trại giam và luôn tỏ ra bất cần. Vì vậy, cán bộ trại giam phải nắm bắt được tâm lý, để vừa giáo dục vừa động viên. Đại tá Trường kể: “Có phạm nhân vào trại vì tội buôn bán ma túy, sau đó nghe tin vợ ở nhà có bồ nên tâm lý bất an lắm. Đi làm không muốn làm, ở trong phòng cũng không muốn ở. Nắm bắt được tâm lý này, mình phải gọi điện thoại về người thân, nói họ hợp tác động viên an ủi và tìm cách làm sao để cho phạm nhân an lòng về gia đình. Sau đó phạm nhân này đã vui vẻ đi làm trở lại”.
Có lần có phạm nhân còn giả vờ đau bụng để được đi cấp cứu với ý định trốn trại. Đại tá Trường đã nắm bắt được ý định này, nên ngăn chặn từ đầu. Đại tá Trường kể lại: “Phạm nhân giả vờ đau bụng đó là phạm nhân thụ án lâu năm, lại không được gia đình quan tâm nên cứ hay nghĩ ra đủ trò để có ý định trốn. Mình nắm bắt tâm lý đó, nên vẫn cho đi khám khi phạm nhân kêu đau. Bác sĩ nói không có bệnh thì mình đưa về, nhưng canh phòng rất cẩn mật. Sau đó mình gặp riêng trò chuyện, nắm bắt được tâm lý nên đã động viên và phân tích đúng sai. Sau đó phạm nhân này cắt đứt các “trò” giả vờ đau ốm lại”. Còn rất nhiều “chiêu trò” mà phạm nhân “hành” cán bộ, nhưng bằng sự tận tụy, trải nghiệm của người 40 năm trong nghề, Đại tá Trường đã khéo léo giải quyết một cách êm đẹp nhất.
Theo Đại tá Nguyễn Xuân Trường, trong đời làm cán bộ trại giam, ngày lễ Tết, ông lại càng bận bịu. Đại tá Trường chia sẻ: “Thực ra không chỉ riêng tôi, mà cả toàn cán bộ ngành công an nói chung và cán bộ trại giam nói riêng, việc được đón Giao thừa cùng gia đình là điều cực kỳ khó khăn. Các ngày Tết, ngày lễ, chúng tôi đều phải tăng cường trực, nên nhiều khi cũng làm vợ con buồn. Nhưng cũng đành chịu vì mình trót chọn cái nghiệp này rồi”.