Tắc đường, giao thông đi lại khó khăn ở các thành phố lớn như Hà Nội là nỗi ám ảnh với bao người. Đã có rất nhiều đề xuất giải pháp cho vấn đề ùn tắc này nhưng cũng không ít giải pháp thất bại.
Mới đây, tại một hội thảo, có ý kiến cho rằng, đã hạn chế thì phải hạn chế cả ô tô và xe máy. Cụ thể, xét ở chỉ số tăng trưởng, hiện xe máy chỉ tăng 7,6% và đang trên đà giảm, nhưng ô tô lại đang tăng trưởng mạnh với trên 16%/năm. Do vậy, nếu cấm phương tiện cá nhân không tính đến cấm ô tô sẽ là thảm họa về sau này.
PV báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với chuyên gia giao thông - TS. Nguyễn Xuân Thủy, người đã có hàng chục năm nghiên cứu về giao thông đô thị để làm rõ hơn vấn đề này.
Có nhiều sáng kiến đề xuất giải pháp giảm phương tiện giao thông ở Hà Nội. Một số ý kiến cho rằng, không chỉ giảm xe máy mà còn giảm ô tô. Là một chuyên gia giao thông, theo ông, giải pháp nào là tối ưu?
Các đề xuất đều hướng đến mục tiêu giảm phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc. Điều này là rất đáng hoan nghênh. Nhưng, những giải pháp phải mang tính thực tiễn, khả thi và có thể áp dụng được. Còn những giải pháp nêu ra mà không làm được thì cũng không có ý nghĩa gì.
Tôi cho rằng, có một số điều kiện để hạn chế phương tiện cá nhân. Yếu tố quan trọng nhất là giao thông công cộng phải đảm bảo từ 30-40% mới có thể hạn chế được phương tiện cá nhân. Hiện nay, tỉ lệ phần trăm của giao thông công cộng chỉ vào khoảng 8%. Với tốc độ xây dựng chậm như hiện nay, nếu đến năm 2020 mà chỉ 15-20% thì cũng không có ý nghĩa gì.
Nếu chúng ta chỉ đảm bảo được 20% và 80% người dân không thể di chuyển bằng phương tiện công cộng thì không thể hạn chế được, kể cả xe máy hay ô tô.
Có người cho rằng, ở nước ngoài, nhiều cơ quan Nhà nước cấm cán bộ không đi xe riêng là một giải pháp hạn chế được ô tô. Theo ông, điều này có khả thi ở Việt Nam?
Tôi nghĩ, ở Việt Nam sẽ rất khó thực hiện được điều này. Bởi, với một cán bộ Nhà nước đến cơ quan muộn 1-2 tiếng là không được. Ở Việt Nam, phương tiện công cộng chưa đảm bảo về thời gian, ví dụ như xe buýt đi quá chậm, đường thì tắc.
Ở Nhật Bản hay một số nước khác, lãnh đạo đi làm cũng đi bằng phương tiện công cộng. Nhưng phương tiện công cộng ở họ rất thuận lợi. Tôi từng nghiên cứu ở Tiệp Khắc những năm 70-80, phương tiện công cộng của họ chỉ sai cộng trừ 3 phút thôi, như thế là quá tuyệt vời.
Ở nước ta, cộng trừ đến hàng nửa tiếng, thế thì công chức bình thường hay người dân cũng không dám lựa chọn phương tiện công cộng chứ không nói gì đến quan chức. Muộn giờ quá nhiều sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất lao động.
Do vậy, điều kiện cần bây giờ là đường phải rộng, hè phải thoáng. Nếu đường quá hẹp như hiện nay thì không có cách nào giải quyết được, kể cả áp dụng thành phố thông minh cũng không thể làm được. Nếu đường tắc thì thành phố thông minh cũng không triển khai được.
Giao thông công cộng quá kém như hiện nay, tuyến metro Sài Gòn sau nhiều năm vẫn dang dở, đường sắt Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) chậm tiến độ, đội vốn… Như vậy làm sao đảm đương được việc thay thế phương tiện cá nhân.
Chúng ta đã và đang bàn rất nhiều về các giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân nhưng dường như vẫn khá loay hoay, thưa ông?
Các phương tiện cá nhân hiện nay đều là miếng cơm, manh áo của người dân, nhất là xe máy. Đó là những vật thiết thân của mỗi người, mỗi gia đình. Tôi nghĩ, không thể có giải pháp nào gọi là cấm phương tiện cá nhân trong một trận đồ bát quái như hiện nay.
Nếu như các nước, họ cấm xe ngay từ đầu thì không sao, chúng ta để xe máy tồn tại lưu thông hàng mấy chục năm nay rồi, bây giờ phương tiện công cộng kém lại cấm xe máy thì người dân sống bằng cách nào?
Chúng ta có chính quyền, chúng ta có cơ chế, chúng ta có thể cấm được nhưng hậu cấm sẽ như thế nào? Người dân sẽ sống ra sao? Quyền đi lại không được, phương tiện công cộng yếu kém thì người dân đi lại bằng cách nào. Đây là điều khó khăn.
Do vậy, ý kiến thì nhiều nhưng ý kiến có xác đáng hay không thì phải nhìn nhận vào thực tế. Quá trình hình thành phương tiện giao thông, chúng ta đã đi xe đạp gần một thế kỷ, xe máy văn minh hơn thì loại dần xe đạp. Vậy muốn loại xe máy thì phương tiện công cộng phải văn minh lên chứ không nên cấm. Khi phương tiện công cộng tốt, người dân sẽ tự nguyện lựa chọn và sẽ hạn chế dần phương tiện cá nhân, không nên ngăn cấm.
Có những ý kiến cho rằng, đánh thuế phí thật nặng, nhất là với ô tô vào nội thành. Ông nghĩ sao?
Tôi nghĩ điều đó cũng không khả thi. Thành phố đã yếu về phương tiện công cộng, lại yếu kém về gara gửi xe, nếu dồn tất cả những nỗi khổ đó cho người dân là không được. Do đó, yếu tố quan trọng nhất là cải thiện phương tiện công cộng và cơ sở hạ tầng. Ở các nước khác, họ đi đường 2 tầng, 3 tầng, tàu điện ngầm vận chuyện khá lớn nên mặt đường hè phố rất thông thoáng.
Chúng ta chưa có được những điều đó mà tính chuyện cấm phương tiện cá nhân là không được.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Dương Thu (thực hiện)