Sau thời gian lấy ý kiến góp ý công khai, vừa qua Bộ GD&ĐT chính thức ban hành Thông tư Thông tư số 29 quy định về dạy thêm, học thêm.
Thông tư mới được kỳ vọng sẽ khắc phục được những hạn chế, bất cập của hoạt động học thêm trong thời gian qua. Tuy nhiên, để những quy định đi vào khuôn khổ là điều không đơn giản bởi đây vốn là hoạt động đa dạng, phức tạp, xuất phát từ nhu cầu thiết thực của người học.
Trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Đặng Minh Tuấn – Giảng viên Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN khẳng định những Thông tư mới về dạy thêm, thêm là văn minh, phù hợp, được đề cập đầy đủ nhất xung quanh vấn đề này. Tuy nhiên, theo thầy giáo cần phải có thêm những chế tài quản lý tiếp theo để thực thi quy định này việc này, không phải để Thông tư chỉ nằm trên giấy.
Ông Đặng Minh Tuấn cho rằng, để quản lý dạy thêm, học thêm được hiệu quả phải có sự đồng thuận, sự hỗ trợ của cả phụ huynh, học sinh và toàn xã hội. Cần nhìn việc dạy thêm, học thêm một cách đúng đắn.
"Trong Thông tư đã nêu rất rõ, với những đối tượng nào thì cần bổ trợ, bồi dưỡng, và nhà trường không được thu học phí. Những nhóm nào khi thực hiện dạy thêm, học thêm thì phải thực hiện quản lý như một doanh nghiệp. Hay như việc quy định giáo viên trường công khi dạy thêm phải xin ý kiến hiệu trưởng, không dạy học sinh của mình là hoàn toàn đúng đắn", ông Đặng Minh Tuấn bày tỏ.
Theo thầy giáo, để đảm bảo hiệu quả thực thi, vai trò quản lý của lãnh đạo nhà trường, cụ thể là hiệu trưởng các trường công lập là vô cùng quan trọng.
Ông Đặng Minh Tuấn cho hay: "Hiệu trưởng là người quản lý toàn bộ các giáo viên trong trường, nên phải chịu trách nhiệm với đội ngũ của mình. Khi có vi phạm trong hoạt động dạy thêm, hiệu trưởng phải là người chịu mức xử lý cao nhất, như vậy chắn chắn sẽ quản lý được hoạt động này".
Trước quan điểm, quy định mới có "chặn đường" giáo viên kiếm thêm thu nhập, ông Tuấn cho rằng đấy là suy nghĩ sai lầm.
"Hiện nay, đội ngũ giáo viên đã được hưởng nhiều chính sách ưu đãi và ngày càng cần được cải thiện quan đến lương, thưởng, phụ cấp. Thêm vào đó, các thầy cô vẫn hoàn toàn có thể dạy thêm các học sinh tại các cơ sở giáo dục khác.
Nếu giáo viên lo lắng về quy định mới, tức là họ đang tự thừa nhận thực hiện dạy thêm chính học sinh của mình. Hiệu trưởng các cơ sở đào tạo liên tục đào tạo nâng cấp chất lượng chuyên môn trong dạy học của đội ngũ giáo viên, và tạo điệu kiện tối đa cho đội ngũ giáo viên giỏi có mong muốn dạy thêm ở bên ngoài nhà trường. Khi người thầy có năng lực, chuyên môn, tâm huyết với nghề chắc chắn nhiều học sinh vẫn tìm đến để học tập", ông Đặng Minh Tuấn chia sẻ.
Về trách nhiệm của Hiệu trưởng quy định tại Thông tư 29, ông Đào Chí Mạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B (Tp.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) nhìn nhận người đứng đầu của nhà trường phải là người hỗ trợ, đồng hành, chia sẻ để việc dạy thêm, học thêm được đi đúng hướng và thể hiện tính nhân văn, trách nhiệm của người thầy.
"Việc giáo viên tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải thực hiện báo cáo về môn học, địa điểm, thời gian tham gia dạy thêm và cam kết với Hiệu trưởng hoàn thành nhiệm vụ được giao là phù hợp. Bởi chính thầy cô hiệu trưởng sẽ là người nắm rõ và có trách nhiệm kiểm soát việc người dạy có những biểu hiện lệch chuẩn, vi phạm quy định hay không. Ngoài ra, điều này cũng thể hiện sư minh bạch, công khai của hoạt động dạy thêm", ông Mạnh bày tỏ.
Phải đảm bảo công bằng cho những giáo viên giỏi
Đồng quan điểm, Ths.Nguyễn Văn Quý - Giáo viên dạy Toán tại Hà Nội cho hay Thông tư mới áp dụng quá gấp gáp gây khó khăn trong việc tuân thủ.
"Thông tư 29 được ban hành vào ngày 30/12/2024 và sẽ có hiệu lực từ ngày 14/02/2025. Áp dụng quá gấp gáp, thời gian quá ngắn từ khi ban hành đến áp dụng gây khó khăn lớn cho giáo viên, trung tâm và cơ quan quản lý trong việc chuẩn bị các thủ tục và cơ sở vật chất theo yêu cầu.
Nhiều lớp học và trung tâm không kịp điều chỉnh hoặc đăng ký hợp pháp hóa, dễ rơi vào tình trạng vi phạm quy định khi Thông tư bắt đầu áp dụng", ông Nguyễn Văn Quý đưa ra quan điểm.
Ông Quý cũng lo ngại cơ quan quản lý giáo dục thiếu nhân lực và công cụ để kiểm tra thường xuyên, đặc biệt khi số lượng giáo viên tự do và trung tâm tăng cao. Thêm vào đó, các lớp học dạy thêm nhỏ lẻ lại tập trung tại các khu vực đông dân cư, tại các thành phố lớn lại càng khó kiểm soát.
Ngoài ra, nguy cơ có một số lớp dạy thêm không công khai, lách luật bằng cách thu phí dưới dạng "hỗ trợ" hoặc "quà tặng".
"Một số giáo viên tự do, dù có năng lực giỏi và đạo đức nghề nghiệp tốt, có thể gặp khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu pháp lý hoặc chi phí khi đăng ký giấy phép hoặc kinh doanh. Quy định chặt chẽ sẽ khiến làm giảm số lượng lớp học thêm ngoài nhà trường. Lớp học hợp pháp sẽ có học phí tăng cao, phụ huynh khó chi trả, việc tiếp cận học tập của các học sinh yếu sẽ bị hạn chế", ông Nguyễn Văn Quý đánh giá.
Bộ GD&ĐT cho biết, Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm được xây dựng lần này với mục đích cụ thể hóa quy định của Luật Giáo dục 2019, phù hợp với tình hình thực tiễn tại các địa phương trong công tác quản lí hoạt động dạy thêm, học thêm; bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định của Chương trình giáo dục phổ thông, Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông mới và các quy định của pháp luật có liên quan.