Mâu thuẫn kéo dài trong trường học
Sáng 15/9, TAND quận 12, TP.HCM đưa ra xét xử sơ thẩm vụ kiện giữa ông Phạm Quốc Đạt, giáo viên bị đình chỉ dạy học vì cho học sinh diễn cảnh “nhạy cảm” trong hoạt động ngoại khóa và trường THPT Võ Trường Toản.
Trong hồ sơ vụ án, ông Phạm Quốc Đạt là giáo viên dạy Ngữ Văn tại trường THPT Võ Trường Toản. Trong quá trình giảng dạy, ông Đạt bị trường kỷ luật với lý do mắc sai phạm trong hoạt động chuyên môn, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Sau đó, ông Đạt bị trường đình chỉ dạy, chuyển sang làm công tác thư viện.
Lãnh đạo trường THPT Võ Trường Toàn bảo lưu quan điểm, một trong những sai phạm của ông Đạt là hành vi cho học sinh diễn cảnh “nhạy cảm” khi tổ chức hoạt động sân khấu hóa các tác phẩm văn học Quan âm thị kính, Bỉ vỏ, Số đỏ. Điều này đã gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội, khiến nhà trường bị phụ huynh khiếu kiện, nội bộ cơ quan mất đoàn kết và bị ảnh hưởng uy tín.
Theo đơn khởi kiện, ông Phạm Quốc Đạt yêu cầu hủy các quyết định kỷ luật của trường THPT Võ Trường Toản; đề nghị nhà trường giao công tác chủ nhiệm, giảng dạy đúng chuyên môn của ông.
Đồng thời, giáo viên Ngữ văn này cũng yêu cầu trường THPT Võ Trường Toản xin lỗi công khai trước toàn thể giáo viên, học sinh nhà trường và đăng bài trên 3 số báo liên tiếp; Bồi thường cho ông 136 triệu đồng thiệt hại tinh thần và tiền lương, chi phí thuê luật sư...
Ngược lại, đại diện theo ủy quyền của trường THPT Võ Trường Toản cho biết: “Khi thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, giáo viên phải báo cáo kế hoạch cho tổ chuyên môn, ban giám hiệu nhà trường để tiến hành phê duyệt. Với hành vi tổ chức hoạt động sân khấu hóa tác phẩm văn học, ông Đạt đã không làm đúng quy trình thủ tục, không xin phép cấp trên. Hậu quả là để xảy ra sự việc không đúng chuẩn mực môi trường sư phạm”,
Thậm chí, khi bị phê bình, ông Đạt vẫn không ý thức được tính chất của hành vi không đúng quy định. Đồng thời, vị Hiệu trưởng cũng cho biết ông Đạt đã có những lời nói, hành động xúc phạm danh dự, nhân phẩm đối với đồng nghiệp, lãnh đạo nhà trường.
Vì thế, việc nhà trường họp hội đồng kỷ luật và đưa ra quyết định kỷ luật đối với ông Đạt là xử lý đúng theo hướng dẫn của ngành giáo dục. Còn quyết định điều chuyển giáo viên Phạm Quốc Đạt từ giảng dạy sang thư viện cũng nằm trong thẩm quyền của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
Trước đó, vào ngày 13/7, HĐXX đã quyết định tạm dừng phiên tòa để làm rõ một số tình tiết liên quan đến vụ kiện. Đồng thời, tòa án đã gửi văn bản đến sở GD&ĐT TP.HCM để xin ý kiến về hoạt động sân khấu hóa các tác phẩm như Quan âm thị kính, Bỉ vỏ có phù hợp với mục đích giảng dạy ở bậc THPT hay không?
Ngày 10/8, phía sở GD&ĐT đã có văn bản trả lời, cho rằng tác phẩm văn học Quan âm Thị Kính thuộc bài đọc thêm trong chương trình Ngữ văn lớp 7. Còn tác phẩm Bỉ vỏ không nằm trong chương trình giảng dạy ở bậc THPT.
Theo điều 12 Thông tư 12/2011 của bộ GD&ĐT, các hoạt động sân khấu hóa này có thể thuộc hoạt động ngoại khóa trong nhà trường. Vì vậy, cần phải xem xét kế hoạch tổ chức, nội dung, mục đích cụ thể của hoạt động này mà tổ bộ môn, nhà trường đã xây dựng và Hiệu trưởng nhà trường phê duyệt thì mới có đủ căn cứ trả lời có phù hợp với mục đích giảng dạy ở bậc THPT hay không.
Luật là luật, dù có là đồng nghiệp
Trong phần xét hỏi cũng như tranh luận, hai bên đưa ra quan điểm trái ngược về quyết định kỷ luật, điều chuyển công tác của nhà trường đối với giáo viên Phạm Quốc Đạt.
Bảo vệ cho bị đơn, luật sư Nguyễn Thanh Dũng liên tục lặp lại quan điểm, căn cứ theo Nghị định 27/2012/NĐ-CP về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức, ban giám hiệu trường THPT Võ Trường Toản đã làm đúng quy trình, thủ tục.
Đối đáp lại, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích của nguyên đơn cho rằng, văn bản trả lời của sở GD&ĐT TP.HCM không có câu chữ nào khẳng định giáo viên Phạm Quốc Đạt đã sai phạm về chuyên môn, nghiệp vụ hay đạo đức nghề nghiệp như cáo buộc của phía nhà trường.
Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như lập luận: “Muốn xử lý kỷ luật thì phải chứng minh được ông Đạt đã không tuân thủ quy trình chuyên môn nghiệp vụ và gây hậu quả nghiêm trọng. Và quan trọng là có hay không có hành vi vi phạm?
Sở GD&ĐT TP.HCM đã trả lời theo kiểu "bỏ ngỏ". Trong khi đó hậu quả nghiêm trọng phải được chứng minh bằng giám định thực tế chứ không phải là nhận định chủ quan của đại diện trường THPT Võ Trường Toản”.
Quan trọng hơn, luật sư Quỳnh Như chỉ ra những sai sót trong trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật ông Đạt. Luật quy định rõ, sau khi hội đồng kỷ luật có tờ trình đề nghị hình thức xử lý kỷ luật, người có thẩm quyền phải ra quyết định có hoặc không có kỷ luật viên chức, thời hạn là 5 ngày.
Nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Ngày 2/1/2019, hội đồng kỷ luật có tờ trình đối với ông Phạm Quốc Đạt. Đến ngày 21/1/2019, trường THPT Võ Trường Toản mới ra quyết định công bố việc kỷ luật đối với viên chức.
“Đó là kéo dài thời gian, trái với quy định pháp luật. Sau đó, quá trình giải quyết khiếu nại của ông Đạt đối với quyết định kỷ luật cũng bị kéo dài”, luật sư bảo vệ cho nguyên đơn nhận định.
Trả lời về thời gian xử lý kỷ luật, phía nhà trường cho rằng tính chất vụ việc phức tạp nên đã ra quyết định kéo dài. Nữ luật sư phản bác: “Mặc dù tôn trọng yếu tố tình cảm đồng nghiệp nhưng luật là luật”.
Hội đồng kỷ luật có 2 tháng, trường hợp kéo dài cũng không quá 4 tháng để xem xét toàn diện dựa trên bản tường trình, chứng cứ thông tin, phân tích phản biện. Nhưng khi đã tổ chức cuộc họp kỷ luật, quyết định phải ban hành trong 5 ngày. Thậm chí, khi xuất hiện chứng cứ mới, quy trình sẽ quay lại từ đầu, nhưng chắn chắn thời hạn 5 ngày thì phải tuân thủ tuyệt đối.
Còn về quyết định điều chuyển ông Đạt từ giáo viên sang làm nhân viên thư viện, luật sư Quỳnh Như đề nghị HĐXX phân biệt rõ khái niệm công việc và vị trí làm việc.
“Công việc là chuyên môn của mỗi người. Còn vị trí làm việc là vị trí trong mỗi cơ cấu tổ chức. Chúng ta có thể giải thích theo điều 26 luật Viên chức là nội dung hình thức của hợp đồng làm việc.
Trong đó có quy định nội dung hình thức của hợp đồng làm việc phải nói rõ công việc, nhiệm vụ. Sau đó mới đến vị trí làm việc, địa điểm làm việc. Vì thế, không thể đánh đồng 2 khái niệm này”, nữ luật sư khẳng định.
Và theo quyết định bổ nhiệm viên chức vào tháng 12/2009, ông Phạm Quốc Đạt thuộc ngạch giáo viên trung học, không liên quan gì đến thư viện.
Quyền phân xử thuộc về cơ quan khác
Sau khi nghị án, HĐXX nhận định, vụ kiện không phải tranh chấp về quan hệ lao động vì ông Phạm Quốc Đạt được tuyển dụng theo dạng viên chức, phải theo quy định của luật Viên chức.
“Quyết định kỷ luật số 02 ngày 21/1/2019 với nội dung thi hành kỷ luật đối với ông Phạm Quốc Đạt bằng hình thức cảnh cáo không phải là quyết định kỷ luật buộc thôi việc, không phải là tranh chấp lao động nên không thuộc thẩm quyền của tòa án”, HĐXX kết luận.
Đồng thời, trường THPT Võ Trường Toản đã giải quyết khiếu nại lần đầu là đúng quy định. Do vậy, viên chức có quyền khiếu nại lên cấp trên để giải quyết, cụ thể ở đây là sở GD&ĐT TP.HCM.
Các yêu cầu bồi thường thiệt hại phát sinh từ các quyết định kỷ luật cũng không phát sinh, nên không có căn cứ chấp nhận. Cuối cùng, HĐXX tuyên đình chỉ việc giải quyết vụ án.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật về phán quyết này, luật sư Đinh Thị Quỳnh Như cảm thấy “không ngạc nhiên vì mọi chuyện đã dự đoán trước”.
“Ban đầu, chúng tôi cũng suy nghĩ rất nhiều khi nộp đơn lên tòa án. Tâm lý chung của người bị xâm phạm về quyền lợi là mất niềm tin sau thời gian dài, ông Phạm Quốc Đạt cũng như vậy. Thậm chí, ông Đạt có chút băn khoăn về tính khách quan nếu như vụ việc được thụ lý bởi sở GD&ĐT TP.HCM”, luật sư Quỳnh Như bộc bạch.
Video: Đình chỉ vụ án thầy giáo cho học sinh diễn hoạt cảnh "nhạy cảm"