Dũng cảm là phải…liều mạng
Văn bản “Bạn của Nai Nhỏ” (trang 22, 23) trong sách Tiếng Việt 2 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có nội dung như sau:
- Nai Nhỏ xin phép cha được đi chơi xa cùng bạn. Cha Nai Nhỏ nói:
- Cha không ngăn cản con. Nhưng con hãy kể cho cha nghe về người bạn của con.
- - Vâng! - Nai Nhỏ đáp - Có lần, chúng con gặp một hòn đá to chặn lối. Bạn con chỉ hích vai, hòn đá đã lăn sang một bên.
Cha Nai Nhỏ hài lòng nói:
- Bạn con thật khỏe. Nhưng cha vẫn lo cho con.
- Một lần khác, chúng con đang đi dọc bờ sông tìm nước uống thì thấy lão Hổ hung dữ đang rình sau bụi cây. Bạn con đã nhanh trí kéo con chạy như bay.
- Bạn con thật thông minh và nhanh nhẹn. Nhưng cha vẫn còn lo.
- Nai nhỏ nói tiếp:
- Lần khác nữa, chúng con đang nghỉ trên một bãi cỏ xanh thì thấy gã Sói hung ác đang đuổi bắt cậu Dê non. Sói sắp tóm được Dê non thì bạn con đã kịp lao tới, dùng đôi gạc chắc khỏe húc Sói ngã ngửa.
Nghe tới đây, cha Nai Nhỏ mừng rỡ nói:
- Đó chính là điều tốt nhất. Con trai bé bỏng của ta, con có một người bạn như thế thì cha không phải lo lắng một chút nào nữa.
(Theo Văn lớp 3, Trung tâm Công nghệ giáo dục)
Mục đích văn bản hướng tới người học là, ca ngợi sự dũng cảm và sẵn sàng giúp đỡ người khác của bạn Nai Nhỏ. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề không thể chấp nhận ở nội dung văn bản này.
Thứ nhất, khi gặp một hòn đá to chặn lối, vì sao người cha không dạy con tìm một lối đi khác mà phải dùng vai hích hòn đá lăn sang một bên?
Việc dùng vai để hích hòn đá to đến người lớn còn có thể bị thương tích huống gì sức trẻ non yếu? Chưa kể, trẻ nhỏ thì làm sao có thể hích hòn đá to lăn nổi mà người cha lại khen thật khỏe?
Thứ hai, khi gặp lão hổ hung dữ đang rình sau bụi cây, hai đứa trẻ kéo nhau chạy như bay cũng không phải là cách tránh thú dữ thông minh.
Nhiều tài liệu đáng tin cậy dạy rằng, khi bị hổ tấn công, chúng ta đừng cố gắng bỏ chạy vì tốc độ của ta sẽ không nhanh bằng chúng, mà thay vào đó hãy đứng yên tại chỗ. Tuyệt đối không quay đầu chạy vì ta sẽ bị nó tấn công.
Tiếp đến hãy xoay về thế song song với hổ và vỗ tay, gào thét để ta trông to hơn, nguy hiểm hơn. Nhìn trực tiếp vào hổ với ánh mắt thật dữ dằn, từ từ lùi bước.
Cuối cùng, không lùi bước về hướng rừng rậm mà hãy tiến về phía đất trống. Luôn trong tư thế chuẩn bị vì khi thấy ta lùi bước, sợ hãi hổ có thể tấn công.
Vừa chuyển động vừa cố gắng hò hét thật to, dữ tợn. Nếu thấy hổ bỏ đi hãy dừng mọi hoạt động và như thế là ta đã thoát được nó. [1]
Thứ ba, tại sao người cha lại đồng tình với cách liều mình cứu người “lao vào Sói, dùng gạc húc Sói ngã ngửa để cứu Dê Non”? Sự liều mình không phải là dũng cảm một cách mù quáng.
Dũng cảm là dám đối mặt với thử thách, dám chịu trách nhiệm về hành động của chính mình, dám thừa nhận sai lầm của bản thân chứ không phải là biết nó nguy hiểm mà vẫn lao đầu vào.
Đó là hành động, thiếu suy nghĩ, thiếu sáng suốt và chắc chắn bản thân có thể nhận lấy hậu quả khôn lường.
Biết dằn vặt lương tâm thì mới… hiếu thảo
Tiếp đến văn bản “Nỗi dằn vặt của An-đrây-ca” (trang 55) trong sách Tiếng Việt 4 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có nội dung như sau:
An-đrây-ca lên 9, sống với mẹ và ông. Ông em 96 tuổi rồi nên rất yếu.
Một buổi chiều, ông nói với mẹ An-đrây-ca: “Bố khó thở lắm !…”. Mẹ liền bảo An-đrây-ca đi mua thuốc. Cậu bé nhanh nhẹn đi ngay, nhưng dọc đường lại gặp đứa bạn đang chơi đá bóng rủ nhập cuộc.
Chơi một lúc mới nhớ lời mẹ dặn, em vội chạy một mạch đến cửa hàng mua thuốc rồi mang vào nhà.
Bước vào phòng ông nằm, em hoảng hốt thấy mẹ đang khóc nấc lên. Thì ra ông đã qua đời. “Chỉ vì mình chơi bóng, mua thuốc về chậm mà ông chết.” – An-đrây-ca oà khóc và kể hết mọi chuyện mẹ nghe. Mẹ an ủi em:
– Không, con không có lỗi. Chẳng thuốc nào cứu nổi ông đâu. Ông đã mất từ lúc con ra khỏi nhà.
Nhưng An-đrây-ca không nghĩ như vậy. Cả đêm đó, em ngồi khóc nức nở dưới gốc cây táo do tay ông vun trồng. Mãi sau này, khi đã lớn, em vẫn luôn tự dằn vặt: “Giá mình mua thuốc về kịp thì ông còn sống thêm được một ít năm nữa!”
(Theo, Xu-khôm-lin-xki, Trần Mạnh Hưởng dịch)
Người biên soạn đưa nội dung câu chuyện này vào sách giáo khoa nhằm giáo dục tình cảm yêu thương và ý thức trách nhiệm với người thân, lòng trung thực, sự nghiêm khắc với lỗi lầm của bản thân mình.
Thế nhưng, nội dung của văn bản thiếu tính nhân văn, mang tính áp đặt, khiên cưỡng, chủ quan của tác giả.
Thứ nhất, ông nội của An-đrây-ca đã 96 tuổi, lại mắc bệnh khó thở, nghĩa là đã “gần đất xa trời”.
Lẽ ra, gia đình em phải nhanh chóng đưa ông đến bệnh viện cấp cứu nhưng đằng này mẹ em lại làm một việc phó mặc, vô trách nhiệm khi sai con đi mua thuốc.
Người mẹ không phải là bác sĩ để có thể kê đơn, còn đứa trẻ 9 tuổi thì biết gì mà mua thuốc?
Thứ hai, để dạy cho học sinh tiểu học về sự hối hận, dằn vặt, tác giả sách sẵn sàng đưa vào câu chuyện ông nội chết là do An-đrây-ca gây ra để cậu bé phải “mãi sau này, khi đã lớn, em vẫn luôn tự dằn vặt”.
Từ điển tiếng Việt định nghĩa “dằn vặt”: “Làm cho phải đau đớn, khổ tâm một cách dai dẳng”. Tại sao An-đrây-ca phải nhận lấy bài học dã man, phi nhân tính đến thế?
Thiết nghĩ, hãy dạy con em chúng ta về lòng hiếu thảo, sự biết ơn, lối sống bao dung, khả năng sinh tồn khi gặp nguy hiểm… từ những câu chuyện thực tế mang tính giáo dục thì mới mang lại hiệu quả thiết thực nhất.
Thạc sĩ Phan Hoài