Chính vì cái bản tính xuề xòa, chín bỏ làm mười, không muốn sinh sự lôi thôi ấy mà ngay từ hồi nhỏ, lúc còn đi học, Tôn Hựu thường hay bị bạn bè ăn hiếp.
Thời gian thấm thoắt, Tần Tôn Hựu đã mười sáu tuổi. Tôn bà để tâm kiếm vợ cho con. Bà dò la khắp vùng, cốt ý kén một đứa con dâu thuỳ mị, nết na. Kẻ mối người mai cũng nhiều, nhưng bà vẫn chưa ưng đám nào. Cuối cùng bà cũng chọn được cho con trai mình một nàng dâu ưng ý là Trình thị, con gái Trình Mỹ. Tần bà quả có con mắt tinh đời, Trình thị rất mực đoan trang, một lòng thờ cha mẹ chồng, một dạ kính yêu chồng. Qua năm sau, Trình thị hạ sanh được một con trai được Tần ông đặt tên là Tần Tôn Nhu. Vì nó là con đầu nên ngay từ bé trong nhà thường kêu là trưởng Nhu.
Ít lâu sau, Tần ông và tần bà lần lượt cưỡi hạc quy tiên. Trình thị gánh vác việc nhà chồng, tỏ ra rất mực đảm đang và trị gia thật là nghiêm trang. Trong cách xử sự với chồng, Trình thị noi gương của tần bà, không mảy may sai lệch. Ai cũng khen họ Tần tốt số. Tôn Hựu sống trong hạnh phúc đến khi Tôn Nhu được mười tuổi thì Trình thị bỗng lâm bạo bệnh qua đời vào tết Trung thu.
Tôn Hựu thương tiếc vô cùng, khóc than khôn xiết, dốc lòng lo cho vợ được mồ yên mả đẹp. Sau cái chết của người vợ hiền, chàng vốn dĩ đã hiền lành ít nói nay bị vết thương lòng quá nặng nên lại càng ít nói hơn. Chàng lặng lẽ sống trong cảnh gà trống nuôi con chẳng màng đến chuyện đi bước nữa. Cứ mỗi độ thu về, nhìn bầy trẻ xóm giềng quây quần bên mẹ chúng nô đùa dưới ánh trăng rằm, bên mâm cỗ Trung thu, Tôn Hựu lại nhớ đến người vợ quá cố mà héo ruột héo gan.
Ảnh minh họa.
Tiết Trung thu năm ấy, Trưởng Nhu kém sức khoẻ ngồi ủ rũ trước bàn cỗ trông trăng khiến Tôn Hựu càng thêm xót xa, thương tiếc Trình thị vô cùng. Chàng đỡ con vào giường nằm rồi lén ra sau nhà tựa gốc cây khế, bưng mặt khóc nức nở hồi lâu. Đêm đã khuya sương xuống ướt cả hai vai mà Tôn Hựu vẫn ngồi thừ trên phiến đá bên bờ ao, mắt lờ đờ nhìn đàn cá say mồi đớp bóng trăng Thu tan tành. Một quả khế chín rơi bộp xuống mặt ao làm chàng giật mình trở về thực tại. Tôn Hựu uể oải đứng dậy đi về phòng ngủ. Đêm ấy, chàng mơ thấy Trình thị về. Nàng quỳ xuống bên giường vùi đầu vào ngực chồng khóc lóc hồi lâu khuyên chàng nên tìm cho mình một người phụ nữ khác. Chàng nắm vai vợ, hai hàng lệ lã chã tuôn rơi.
Sau hôm đó, Tần Hựu bắt đầu chú ý đến những cô gái được bạn bè, hàng xóm mối mai. Theo quan niệm chung của xã hội thời bấy giờ, Tần Hựu khó mà lấy được vợ trẻ và gia thế như Trình thị. Vốn tính hiền lành thật thà, lại quen được mẹ cha và lúc vợ sanh tiền giúp đỡ quyết định trong mọi công việc nên Tần Hựu rất lúng túng trong sự lựa chọn vợ kế. Sau cùng chàng nghe theo bè bạn cưới Liễu thị xuất thân trong gia đình tầm thường, mặc dầu bà cô chàng hết sức can ngăn.
Quả nhiên, về nhà chồng ít bữa, thấy chồng hiền lành chân thật. Liễu thị liền giở ngay thói độc dữ, ẩu hỗn, chẳng kính nể gì chồng cả. Tần Hựu bị đánh phủ đầu, nhưng vẫn chịu nhịn, thét rồi sinh ra sợ vợ.
Đối với con chồng, Liễu thị mới đầu tuy có săn sóc đôi chút nhưng tỏ vẻ không ưa ra mặt. Động một chút là Trưởng Nhu bị mẹ ghẻ la rầy, mắng chửi. Thoáng thấy cha con đến gần nhau là Liễu thị kiếm cớ đuổi Trưởng Nhu xuống nhà dưới và không quên cằn nhằn với chồng.
Trưởng Nhu năm nay tuy đã mười lăm nhưng vì là người chí hiếu nên chỉ cúi đầu ứa lệ đi về thư phòng ngồi rỏ lệ khóc thầm. Từ khi Liễu thị có thai, bà ta ngày càng tác yêu tác quái, coi Trưởng Nhu như cái gai trong mắt. Một bữa Liễu thị vắng nhà, Trưởng Nhu mon men lên nhà trên tìm cha kể nỗi đau khổ cho cha nghe. Hai cha con ôm nhau khóc lóc hồi lâu. Khi Liễu thị về nhà, Tần Hựu đem chuyện Trưởng Nhu ra nói, và ngỏ ý khuyên vợ nên đối xử với con chồng cho phải đạo. Chẳng dè thị vật mình la khóc ầm ĩ và lớn tiếng trách cha con Tần Hựu là những đồ vô ơn bạc nghĩa, vu oan giá hoạ.
Vốn người ăn nói nhỏ nhẹ, đa sầu đa cảm, lại thêm đây là lần đầu tiên trong đời bị một vố kinh hoàng như vậy nên Tần Hựu sợ hãi nín khe, mặt xanh như tàu lá. Liễu thị biết thóp lại càng làm dữ tợn đến nỗi Tần Hựu phần thì ngỡ mình quá nghe con nghi oan cho vợ, phần thì quá sợ ồn ào tai tiếng nên vội xuống nước năn nỉ Liễu thị bỏ qua cho.
Sau trận đại thắng ấy, Liễu thị mặc sức làm mưa làm gió trong nhà họ Tần. Bọn gia nhân đầy tớ vì thế cũng sợ Liễu thị một phép. Trưởng Nhu hoàn toàn bị cô lập. Ít bữa sau, Liễu thị hạ sinh một đứa con trai được Tần Hựu đặt tên là Thứ Nhu. Từ đó trở đi, Liễu thị thẳng tay hành hạ con chồng. Trưởng Nhu không được đi học nữa mà phải ở nhà làm việc đồng áng cùng bọn tá điền. Đi làm đồng về, Trưởng Nhu lại bị mẹ ghẻ bắt dọn dẹp trong nhà, giặt tã lót cho em cùng quần áo cho mẹ ghẻ. Bà ta thường xuyên theo dõi công việc của Trưởng Nhu, chỉ cần thấy con chồng có chút sơ hở là mắng chửi, đánh đập không thương tiếc. Bị mẹ ghẻ hành hạ như vậy nhưng Trưởng Nhu chỉ âm thầm chịu đựng, không dám kêu ca nửa lời.
Liễu thị một mặt ra sức hành hạ con chồng, một mặt tìm những lúc đêm khuya thanh vắng đưa lời đường mật đòi chồng truất quyền thừa hưởng gia tài của Trưởng Nhu. Tuy sợ vợ, Tần Hữu cũng không đành tâm làm hại đứa con của người vợ trước. Liễu thị bực mình lắm nhưng không dám áp đảo chồng. Thị bèn nghĩ độc kế loại trừ Trưởng Nhu và chờ cơ hội thuận tiện để thi hành.
Ngày nọ, Tần Hựu phải đi thăm người bà con gần đau nặng ở tỉnh xa. Biết Tần Hựu đi chuyến này phải cả tuần lễ mới về, Liễu thị liền sắp đặt kế hoạch sát hại con chồng. Buổi chiều, thị bày vẽ vô số việc cốt ý cho gia nhân đầy tớ bận tối mắt ở dưới nhà hết để mình rảnh tay hành động. Đoạn thị kêu Trưởng Nhu vào buồng kín, sai dọn dẹp loanh quanh.
Chờ lúc con chồng vừa cúi xuống, Liễu thị vung cây gậy đã thủ sẵn, đập mạnh vào gáy Trưởng Nhu. Trưởng Nhu ngã gục xuống đất. Liễu thị nhào tới, nhằm bụng con chồng đá liên hồi. Khi ác phụ ngừng chân thì Trưởng Nhu chỉ còn là cái xác không hồn. Liễu thị lấy vải bọc xác Trưởng Nhu vác về buồng riêng của nó và đặt xuống chân giường. Đoạn thị lén trở về phòng, giả vờ hô hoán bảo gia nhân vác con chồng lên giường chạy chữa nhưng đã quá muộn. Trưởng Nhu được chôn cất qua quít ngay tại thửa ruộng của cha, sát bên lề đường.
Sau ngày ấy, Tần Hựu về nhà, Liễu thị vờ khóc lóc thảm thiết bảo Trưởng Nhu ở nhà bị trúng gió độc chết. Tần Hựu bàng hoàng đến bên bàn thờ con đốt nến thắp nhang khấn khứa hồi lâu. Người cha đau khổ quay ra, mắt đỏ ngầu, đẫm lệ, bảo gia nhân đưa ra đồng thăm mộ con. Tần Hựu thấy lũ gia nhân cũng nói là Trưởng Nhu chết vì gió độc nên không nghi ngờ chi cả.
Thấy chồng không tỏ vẻ thắc mắc về cái chết đột ngột của Trưởng Nhu. Liễu thị cũng mở cờ trong bụng. Thế là từ nay, con thị sẽ được hưởng toàn bộ cái gia tài của cha nó. Thị tự khen thầm mình đã khéo bầy ra mưu thần chước quỷ để loại trừ con ghẻ một cách êm thấm như vậy.
Luật nay: Liễu thị đã phạm tội giết người
Tâm địa của Liễu thị thật là độc ác. Thương thay Trưởng Nhu thân cô phải bỏ mạng oan uổng. Nếu xảy ra vào thời nay thì chiếu theo quy định tại Điều 93 BLHS Liễu thị đã phạm vào tội giết người. Nếu bị khởi tố, truy tố và xét xử, Liễu thị sẽ phải đối mặt với mức án cao nhất của khung hình phạt tù 12 - 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Điều đáng nói ở đây là đối tượng bị sát hại mới chỉ 16 tuổi, chưa đủ tuổi trưởng thành cho nên tính chất, mức độ phạm tội của Liễu thị vô cùng nghiêm trọng, thị rắp tâm giết chết Trưởng Nhu với động cơ là chiếm đoạt tài sản của chồng cho con trai mình. Đây là một tình tiết tăng nặng định khung. Do vậy, Liễu thị khó tránh khỏi mức án cao nhất.
Ngoài ra, trước khi sát hại Trưởng Nhu một cách dã man, Liễu thị còn nhiều lần hành hạ, đánh đập, bóc lột sức lao động của con chồng. Theo quy định tại Điều 110 BLHS, hành vi của Liễu thị đã phạm vào tội hành hạ người khác. Điều luật này quy định: Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật sẽ bị phạt tù từ 1 - 3 năm.
Dương Dung