“Rồng đất” từ game bước ra đời thực
Là một "con nghiện" game, đặc biệt là trò chơi nuôi “rồng đất”, Trung Dũng (Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội) hồ hởi chia sẻ về những cách chăm sóc “rồng đất” trên game My Dragon như vảy rồng kiếm được hay màu sắc rồng thay đổi mỗi khi bạn lên level hoặc thực hiện nhiệm vụ. Những biểu tượng mặt cười cũng sẽ tự động tăng lên khi bạn chơi với thú cưng của mình... Tuy nhiên những cái được của người chơi trong quá trình chăm sóc rồng vẫn mang tính ảo. Trung Dũng quyết định săn tìm bằng được “rồng đất” thật về nuôi để được tận tay chăm sóc, vuốt ve loài thú cưng độc đáo mà mình yêu thích từ lâu. Lần theo số điện thoại 0919 199 xxx của một người chuyên cung cấp “rồng đất” tên X., Trung Dũng nhanh chóng sở hữu một chú “rồng đất” màu cam rất "bắt mắt".
“Rồng đất” rất thông minh nên được huấn luyện sẽ tỏ ra gần gũi với người.
Được sự giới thiệu, PV liên hệ điện thoại với chủ mối bán rồng tên X.. Người bán này cho biết: "Tôi chuyên cung cấp rồng cảnh chứ không phải rồng dành cho các quán nhậu nên trọng lượng những chú rồng cảnh thường rất nhỏ nhắn, trên dưới 300gr. Vì là vật nuôi chơi nên giá trị của chúng nằm ở màu sắc. Với những con màu da sáng như vàng, xanh... sẽ "hút" khách hơn những con có màu da tối. Đặc biệt với những loài rồng có màu da được biến hóa liên tục để ngụy trang như tắc kè hoa được giới "dân chơi" săn lùng ráo riết. Nhiều người sẵn sàng chi tiền triệu để sở hữu được chúng.
Theo Trung Dũng, thì nếu như trong game, việc "cày cuốc" để tăng vảy rồng hay gai rồng càng nhiều, điểm tích được của người chơi càng cao thì khi "chơi" rồng thật, đẳng cấp của người nuôi còn phụ thuộc vào... gai rồng. Gai rồng nằm dọc sống lưng, kéo dài đến tận đuôi. Khi tức giận hay chuẩn bị giao chiến, “rồng đất” sẽ phùng mang mà dựng gai tua tủa để tự vệ. Một con “rồng đất” "chuẩn" thì gai nhiều, đều nhau và không bị gãy. Cũng như lớp da bên ngoài, gai rồng cũng ăn theo sự biến đổi màu sắc kỳ ảo đó nên nhiều người nuôi loài thú cưng này thấy thú vị ở chỗ bình thường thì rất hiền lành, khi "cáu giận", hình dáng bên ngoài của rồng biến đổi nhanh chóng, rất gớm ghiếc. Anh X., chủ mối cung cấp “rồng đất” online cho biết: "Bí quyết chọn rồng đẹp là nên chọc cho chúng... tức giận. Lúc đó toàn thân sẽ bung gai còn màu sắc giữ nguyên bản hay tần suất biến hóa của màu sắc sẽ chứng minh được điều đó". Anh X. còn nói vui, chính đặc điểm làm cảnh này của “rồng đất” khiến một số lượng lớn loài này thoát khỏi sự "tàn sát" của các quán nhậu. Bởi đây là loài "kỳ tôm" thuộc họ nhông, gồm rắn mối, kỳ đà, tắc kè, kỳ nhông, con dông... từ lâu được nhiều quán đặc sản săn lùng.
"Khác với các loại thú cưng khác như chó, mèo... các công đoạn chăm sóc rất phức tạp và tốn kém về tiền bạc lẫn thời gian của người nuôi. Loài “rồng đất” vốn là loài động vật hoang dã, có tính đề kháng cao nên rất "tự lập" - Trung Dũng nháy mắt tinh nghịch nói. Trái với hình dáng bên ngoài trông khá hung hãn nhưng bản tính của loài vật này rất hiền. Người nuôi chỉ cần trang bị cho chúng một chiếc lồng, đồ chơi là cát để chúng đào bới, một cành cây để leo trèo, tắm nắng, còn thức ăn chỉ là côn trùng.
“Rồng đất” có màu xanh phổ biến nhưng sẽ biến đổi màu linh hoạt khi gặp nguy hiểm hay tức giận.
"Loạn" giá “rồng đất”
Vốn là loài sống hoang dã nên “rồng đất” xuất hiện hầu hết tại các nước trên thế giới. "Nơi đâu có rừng nguyên sinh, sa mạc là nơi đó có “rồng đất”..." - anh X. cho biết. Cũng theo anh X., nguồn “rồng đất” mà anh bán được nhập từ nhiều địa chỉ khác nhau. Dân chơi đẳng cấp thường "sính" nguồn rồng từ Nam Mỹ, Úc... được nhập cảnh về theo đường Trung Quốc, Malaysia. Đặc biệt đối với loài rồng Úc, do đặc điểm môi trường sinh sống ở sa mạc nắng nóng nên khi được nuôi trong môi trường nhiều độ ẩm, khí hậu biến đổi thất thường như miền Bắc Việt Nam rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng. Nhẹ thì "hắt hơi, chảy nước mũi", nặng thì tiêu hóa trở nên trì trệ dẫn đến kém ăn rồi chết. Vì vậy, đi kèm với hệ thống lồng, chuồng nhất định, người nuôi phải có đèn chuyên dụng có tia UVA, UVB để chăm sóc rồng. Đồng thời với đặc điểm biến nhiệt nên những loại đèn chiếu nhiệt này còn trợ giúp rồng tiêu hóa thức ăn hàng ngày một cách tốt nhất.
Loài rồng Úc nếu được nuôi trong môi trường phù hợp thường khỏe hơn các loài rồng được sinh trưởng ở nơi khác. Lớp da bên ngoài cũng vì thế mà dày dặn, xù xì hơn, khả năng biến hóa màu sắc cũng "nhạy" hơn rất nhiều. Anh X. cũng cho biết, riêng nguồn hàng nhập ngoại này chỉ khi có khách yêu cầu và đặt tiền trước, anh mới dám nhập về. Bởi ngoài giá trị thực tế của con rồng thì chi phí vận chuyển bằng đường hàng không đã "ngốn" của người bán một số tiền không nhỏ. Mỗi con rồng Úc, Nam Mỹ... "xịn" có giá không dưới 15 triệu đồng nên chỉ có dân chơi đẳng cấp mới dám mua. Loài rồng này phần lớn màu xanh biếc, đặc biệt rất thông minh, chỉ cần người nuôi chịu khó huấn luyện trong một thời gian là có thể "đáp lễ" lại chủ nhân bằng những hành động đơn giản như vội chạy đến khi chủ ra hiệu vẫy tay. "Loại này, tại Việt Nam chưa lai tạo được, nếu lai tạo được giống thì sẽ sinh ra nhiều con rồng có màu sắc đột biến rất đẹp và hiếm" - anh X. cho biết thêm.
Vì nhiều lý do khác nhau nên nguồn rồng từ những nước trên không thể nhập cảnh thẳng về Việt Nam mà phải qua trạm trung chuyển như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia... nên việc trà trộn hàng nhái là điều không tránh khỏi. Anh Phi Long, một dân chơi “rồng đất” có kinh nghiệm ở Hà thành bật mí: Về cơ bản loài rồng được sinh trưởng ở Úc, Mỹ... nhưng được đưa về Trung Quốc nuôi dưỡng theo kiểu "gà công nghiệp" từ lúc còn non. Do không có thời gian thích nghi khí hậu khắc nghiệt cũng như môi trường hoang dã nên sức đề kháng cũng kém hơn. Hơn nữa sự tinh, nhạy của nó cũng không bằng loài rồng có nguồn gốc tự nhiên nên kể cả khi bị chọc giận thì tính tự vệ bộc lộ cũng kém phần dữ dội. Loài “rồng đất” này có thể tìm mua ở các cửa hàng bán sinh vật cảnh trên đường Hoàng Hoa Thám hay dọc tuyến phố Kim Mã (Hà Nội) với giá từ 5 triệu - 10 triệu đồng/con. Cũng theo anh Long, loài rồng nhái này về cơ bản không khác rồng "xịn" là mấy. Người mua có thể phân biệt dựa trên đặc điểm tự nhiên của chúng. Ví dụ như đối với loài rồng chuyên sống ở sa mạc, quen với ánh nắng mặt trời khi được cho tiếp xúc trực tiếp sẽ bộc lộ sự hưng phấn hơn so với những loài được thuần dưỡng theo kiểu nuôi công nghiệp.
Tuy nhiên giới trẻ Hà thành hiện nay, phần lớn chỉ dám "chơi" loại “rồng đất” Việt Nam, có nguồn gốc xuất xứ từ việc săn bắt trong những khu rừng nguyên sinh. Nguồn hàng này chủ yếu được nhập từ miền Nam về nên giá thành vì thế cũng "mềm" hơn rất nhiều. Giá khoảng từ 250.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/con, tùy vào độ "độc" của chúng. Anh X. cho biết, đối với những loại rồng có kích cỡ lớn là mồi nhậu của các cửa hàng đặc sản thì những con rồng mini có kích thước từ 50 - 70cm (tính cả đuôi) được nhiều người hỏi mua. Đặc biệt, sự đổi màu linh hoạt tới cỡ nào cũng là một tiêu chí để thể hiện đẳng cấp của người "chơi" rồng.
"Thường thì tuổi thọ trung bình của những con rồng là 15 năm và những người "chơi" thứ thiệt luôn muốn nuôi chúng để đạt đến một kích cỡ tối đa và coi đó như một tiêu chí của thú chơi này", anh X. cho biết thêm. Cũng giống như trào lưu nuôi chuột hamster, cá cảnh... trào lưu này cũng sẽ qua đi, khi đó ít người đủ kiên nhẫn để theo đuổi thú vui tới cùng nhưng một khi đã say mê thì chúng chả khác gì một thành viên trong gia đình. Trường hợp chàng trai trẻ Trung Dũng là một ví dụ. Dũng hồ hởi cho biết: “Khi đã "chơi" rồng thật, tôi đã tự cai được sở thích "nghiện" game của mình. Bởi, tôi không còn hứng thú khi nhận ra một điều, chăm sóc một con vật nuôi thật, thú vị hơn nuôi ảo rất nhiều".
Tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh Theo bác sỹ thú y V.V. Hải cảnh báo, thì, nuôi “rồng đất”, nguy hiểm nhất là virus dại tiềm ẩn trong móng, răng... của loài thú nuôi này. Vì thế, người nuôi nó cần thận trọng khi nuôi thú cảnh không rõ nguồn gốc và cách chăm sóc, chỉ nên nuôi các loại thú cảnh đã được thuần dưỡng như vẹt, chim, cá cảnh... |
Linh Nhi