Mướp đắng
Mướp đắng (dân gian gọi là khổ qua) là loại quả có hàm lượng vitamin A đứng đầu trong số các loại thực phẩm. Mướp đắng có công dụng phòng bệnh sốt xuất huyết, bảo vệ màng tế bào, phòng xơ vữa động mạch, kháng ung thư, nâng cao sức đề kháng, phòng cảm mạo, bảo vệ tim.
Ngoài ra, chất glycoside của mướp đắng còn có tác dụng giảm đường trong máu nên có tác dụng trị liệu bổ trợ đối với bệnh đái tháo đường.
Theo Đông y, mướp đắng có vị đắng, tính hàn, tác dụng thanh nhiệt, sáng mắt, giải độc, thích hợp với các chứng nhiệt sinh ra nóng, làm sáng mắt, mát tim, nhuận tràng, bổ thận tráng dương...
Cách làm: Khổ qua cắt khúc, bỏ ruột, thịt nạc băm nhuyễn, thêm gia vị sau đó nhồi vào mướp đắng. Có thể dùng nước hầm xương để nấu cho ngọt, còn không có thể dùng nước lọc bình thường. Đun sôi, nêm gia vị vừa ăn, mướp đắng nên ăn chín tới, kỹ quá dễ bị chua. Món canh này ngoài tác dụng bổ gan còn có thể thanh nhiệt chống say nắng, giải độc, sáng mắt...
Cải bó xôi (rau chân vịt)
Cải bó xôi một loại rau có giá trị dinh dưỡng cao mang nguồn gốc từ các nước Châu Âu. Hiện nay rau chân vịt rất phổ biến trong các bữa ăn hàng ngày của người Việt ta.
Thành phần dinh dưỡng của rau cải bó xôi khá đa dạng. Nhờ vitamin và khoáng chất trong rau và ăn thường xuyên sẽ giúp da sáng màu căng khỏe. Đồng thời tóc cũng được chắc khỏe từ gốc hạn chế gãy rụng. Ngoài ra, tác dụng ấn tượng nhất của cải bó xôi đó là bổ máu. Bởi chúng chứa nhiều chất sắt, nhưng thực tế là chúng giúp hấp thụ sắt tốt hơn. Tuy nhiên, cải bó xôi còn có tác dụng hiệu quả khác là dưỡng gan. Bởi vậy, đối với những người muốn chăm sóc gan, cần chú ý bổ sung rau chân vịt vào chế độ ăn của mình. Cải bó xôi chứa nhiều axit oxalic, nên tốt nhất nấu ăn chín để đảm bảo hấp thụ được dinh dưỡng.
Cách làm salad cải bó xôi tốt cho sức khỏe: Đầu tiên, nhặt rau, rửa sạch. Đun sôi nước, chần rau trong khoảng 45 giây. Vớt rau ra nhúng vào bát nước lạnh, vắt kiệt nước. Cắt rau thành các đoạn dài vừa ăn. Cho vào bát, thêm nước sốt mè, mè rang giã nhỏ. Trộn đều và thưởng thức.
Giá đỗ
Thành phần giá đỗ rất phong phú, bao gồm protein, glucid, chất xơ; các vitamin A, vitamin B (B1, B2, B3, B5, B6, B9), vitamin C, kali, magie, calci, sắt... và không có cholesterol.
Chất xơ trong giá đỗ giúp nhuận tràng, góp phần đẩy các chất cặn bã hoặc chất độc trong đường tiêu hóa ra ngoài, đồng thời ức chế tái hấp thu acid mật gắn cholesterol ở đại tràng nên hỗ trợ giảm LDL cholesterol máu.
Từ xa xưa giá đỗ là một loại rau mầm khá phổ biến ở Việt Nam với cách trồng đơn giản, thời gian sinh trưởng nhanh chóng. Phần lớn mọi người chỉ biết giá đỗ có tác dụng thanh nhiệt, giải độc mà chúng còn có thể dưỡng gan rất hiệu quả. Ăn giá đỗ thường xuyên không chỉ dưỡng gan, hoạt huyết mà còn giải tỏa căng thẳng. Ngoài ra, giá đỗ còn có thể thúc đẩy quá trình tiêu hóa, làm giảm các triệu chứng khó chịu về đường tiêu hóa.
Cách làm giá đỗ trộn đơn giản và nhanh chóng: Đầu tiên, bạn nhặt hết rễ giá, rửa sạch, chần trong nước nóng khoảng 30 giây. Vớt ra để vào bát. Trong một bát nhỏ cho dầu mè, muối, tỏi nghiền nhỏ trộn đều. Cho hỗn hợp vào bát giá đỗ. Đảo đều và để ngăn mát tủ lạnh khoảng 1 giờ để ăn thêm giòn và mát.
Trúc Chi (t/h)