Grab không phải gắn mào "taxi điện tử" nhưng cần đưa vào một tổ chức để quản lý

Grab không phải gắn mào "taxi điện tử" nhưng cần đưa vào một tổ chức để quản lý

Nguyễn Thị Thúy

Nguyễn Thị Thúy

Thứ 4, 08/08/2018 19:01

Liên quan đến việc bộ GTVT đề xuất Grab không phải gắn mào như taxi, luật sư cho rằng việc quy định như vậy là phù hợp với tình hình phát triển của xã hội và công nghệ hiện nay.

Bộ GTVT vừa có tờ trình Chính phủ Dự thảo nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Nội dung dự thảo mới nhất này đã "gỡ" được nhiều vấn đề dư luận đang quan tâm.

Góc nhìn luật gia - Grab không phải gắn mào 'taxi điện tử' nhưng cần đưa vào một tổ chức để quản lý

Bộ GTVT bất ngờ đề xuất Grab không phải gắn mào như taxi.

Cụ thể, nếu như ở dự thảo lần 4 Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô được bộ GTVT đưa ra vừa qua có nội dung "xe hợp đồng điện tử” phải có phù hiệu "Xe Taxi" gắn trên kính xe, niêm yết đầy đủ các thông tin theo quy định, có hộp đèn với chữ "Taxi Điện tử" gắn cố định trên nóc xe" thì ở dự thảo mới nhất được bộ GTVT trình lên Chính phủ ngày 31/7 vừa qua không nêu quy định này.

Theo đó, tại Điều 7 của dự thảo mới nhất trình Chính phủ, ôtô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có phù hiệu "Xe hợp đồng"; phải niêm yết chữ "Xe hợp đồng" hoặc "Xe hợp đồng điện tử"; niêm yết các thông tin trên xe theo quy định.

Trường hợp ôtô kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng sử dụng cả hợp đồng bằng văn bản giấy và hợp đồng vận tải điện tử thì niêm yết chữ "Xe hợp đồng điện tử". Đối với kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi, xe taxi tính tiền thông qua phần mềm có hộp đèn với chữ "Taxi điện tử" gắn cố định trên nóc xe theo quy định.

Phần mềm tính tiền đảm bảo cung cấp cho hành khách các nội dung tối thiểu gồm: thông tin về doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải (tên, địa chỉ, điện thoại, mã số thuế); thông tin về lái xe (họ và tên, hạng giấy phép lái xe, số giấy phép lái xe, số điện thoại); thông tin về xe (biển kiểm soát xe, nhãn hiệu và sức chứa của xe, năm sản xuất); điểm bắt đầu và điểm kết thúc chuyến đi; thời gian bắt đầu và kết thúc chuyến đi; hành trình; cự ly chuyến đi (km); thông tin về giá cước và số tiền hành khách phải trả. Trường hợp xe taxi sử dụng cả phương thức tính tiền thông qua đồng hồ và thông qua phần mềm, phải gắn hộp đèn với chữ "Taxi" cố định trên nóc xe.

Góc nhìn luật gia - Grab không phải gắn mào 'taxi điện tử' nhưng cần đưa vào một tổ chức để quản lý (Hình 2).

Luật sư Diệp Năng Bình (đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh).

Theo quan điểm của luật sư Diệp Năng Bình (đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh) thì việc quy định theo dự thảo mới là phù hợp với tình hình phát triển của xã hội và công nghệ hiện nay, tạo điều kiện cho người tiêu dùng lựa chọn nhiều hình thức sử dụng, phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng, sử dụng nguồn xe nhàn rỗi…

Vậy việc không quy định các các xe điện tử phải gắn mào có phù hợp với quy định của pháp luật không? Về vấn đề này, luật sư Bình cho rằng: Hiện nay tại Việt Nam có các hình thức kinh doanh hành khách bằng xe ô tô gồm:

a) Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có xác định bến đi, bến đến với lịch trình, hành trình nhất định;

b) Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định có các điểm dừng đón, trả khách và xe chạy theo biểu đồ vận hành với cự ly, phạm vi hoạt động nhất định;

c) Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có lịch trình và hành trình theo yêu cầu của hành khách; cước tính theo đồng hồ tính tiền;

d) Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định được thực hiện theo hợp đồng vận tải;

đ) Kinh doanh vận tải khách du lịch theo tuyến, chương trình và địa điểm du lịch”

Và điều kiện để kinh doanh vận tải, đối chiếu với luật Giao thông đường bộ, cụ thể tại Điều 67 quy định điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô như sau:

“1. Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của pháp luật;

b) Bảo đảm số lượng, chất lượng và niên hạn sử dụng của phương tiện phù hợp với hình thức kinh doanh; phương tiện kinh doanh vận tải phải gắn thiết bị giám sát hành trình của xe theo quy định của Chính phủ;

c) Bảo đảm số lượng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phù hợp với phương án kinh doanh và phải có hợp đồng lao động bằng văn bản; nhân viên phục vụ trên xe phải được tập huấn nghiệp vụ kinh doanh vận tải, an toàn giao thông; không được sử dụng người lái xe đang trong thời kỳ bị cấm hành nghề theo quy định của pháp luật;

d) Người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải của doanh nghiệp, hợp tác xã phải có trình độ chuyên môn về vận tải;

đ) Có nơi đỗ xe phù hợp với quy mô của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, bảo đảm yêu cầu về trật tự, an toàn, phòng, chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.

2. Chỉ các doanh nghiệp, hợp tác xã mới được kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, bằng xe taxi và phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Có bộ phận quản lý các điều kiện về an toàn giao thông;

c) Đăng ký tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải hành khách với cơ quan có thẩm quyền và phải niêm yết công khai.

3. Chỉ các doanh nghiệp, hợp tác xã mới được kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ và phải có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1, điểm b khoản 2 Điều này.

4. Chính phủ quy định cụ thể điều kiện và việc cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô”.

“Như vậy đối chiếu với các quy định của pháp luật về việc điều kiện kinh doanh thì chúng ta có thể thấy việc bộ GTVT không yêu cầu gắn mào trong lần sửa đổi này là hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật”, luật sư Bình nêu quan điểm.

Góc nhìn luật gia - Grab không phải gắn mào 'taxi điện tử' nhưng cần đưa vào một tổ chức để quản lý (Hình 3).

Luật sư Phạm Hồng Kiên - Giám đốc công ty Luật Cán Cân Việt.

Cũng liên quan đến nội dung này, luật sư Phạm Hồng Kiên - Giám đốc Công ty Luật Cán Cân Việt cho rằng: Pháp luật Việt Nam chỉ quy định các loại hình vận chuyển hành khách qua việc đăng kí hộ kinh doanh, HTX vận tải hoặc công ty vận tải. Taxi là một trong những loại hình đó.

Pháp luật hiện hành cũng quy định cụ thể về việc kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi. Theo đó, việc kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có hành trình và lịch trình theo yêu cầu của hành khách; cước tính theo đồng hồ tính tiền căn cứ vào ki lô mét xe lăn bánh, thời gian chờ đợi. Xe có hộp đèn với chữ "TAXI" gắn cố định trên nóc xe… Mục đích để dễ phân biệt giữa các hãng taxi với nhau, giúp khách hàng dễ nhận biết cũng như giúp thuận tiện trong việc quản lý của cơ quan chức năng.

Grab là loại hình mới, mô hình kinh doanh đặc thù, các xe tham gia chạy grab thuộc xe đăng kí kinh doanh hộ gia đình, tương tự như các loại xe khác từ 4 chỗ trở lên. Trong khi đó, văn bản pháp luật hiện hành chưa có quy định, hay nói cách khác là chưa kịp điều chỉnh, sửa đổi để phù hợp với loại hình mới này.

“Chỉ khi nào pháp luật sửa đổi, bổ sung khái niệm buộc các hình thức kinh doanh vận tải tương tự taxi vào cùng khái niệm, thì khi đó Grab mới phải gắn mào, và phải có bến đỗ, điểm đón trả khách....”, luật sư Kiên nêu quan điểm.

Cuối cùng, với tư cách là chuyên gia pháp lý giàu kinh nghiệm, luật sư Kiên đề xuất, để quản lý hoạt động của Grab, tuy không cần phải dán mào như taxi truyền thống, nhưng cũng không để loại hình này đăng ký tự do mà cần phải đưa vào sự quản lý của một tổ chức nào đó.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.