Những ngày qua, công cuộc “dẹp loạn” vỉa hè, giành lại vỉa hè cho người đi bộ diễn ra tại quận 1 (TP.HCM) và quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) được dư luận quan tâm. PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư Hoàng Chương - Chủ nhiệm dự án văn hóa giao thông, xoay quanh chủ đề này.
- Thưa Giáo sư, ông đánh giá thế nào về việc “dẹp loạn” vỉa hè đang diễn ra tại quận 1 (TP.HCM) và quận Hoàn Kiếm (Hà Nội)?
Với một người làm văn hóa giao thông, tôi cho rằng việc giành lại vỉa hè đang diễn ra tại quận 1 (TP.HCM) là một cuộc “cách mạng” thực sự, không khí rất sôi nổi và quyết tâm. Tôi cũng được biết ở Hà Nội, việc giành lại vỉa hè cũng đang diễn ra tại quận Hoàn Kiếm.
Sở dĩ nói là cuộc “cách mạng” là bởi đây là điều gì đó tươi mới, tốt đẹp, đấu tranh lại thói quen xấu diễn ra nhiều năm nay mà người ta đã quá quen, nhiều khi xã hội lãng quên để rồi nhiều người cho đó là sự việc hiển nhiên. Lấn chiếm vỉa hè nhiều năm bị buông lỏng. Đặc biệt, việc giành lại vỉa hè lần này tôi thấy có sự quyết tâm của chính quyền quận 1 và được dư luận đồng tình ủng hộ.
- Là Chủ nhiệm dự án văn hóa giao thông, ông đánh giá thế nào về tình trạng lấn chiếm lòng đường vỉa hè hiện nay trên 2 thành phố lớn của đất nước là TP.HCM và Hà Nội?
Lấn chiếm vỉa hè lâu nay là tình trạng diễn ra nhức nhối ở nhiều nơi, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Tôi còn nhớ cách đây khoảng 30 năm, việc lấn chiếm vỉa hè cũng đã được dẹp nhưng sau đó tái diễn. Sự buông lỏng của cơ quan chính quyền nhiều nơi khiến lấn chiếm vỉa hè trở thành nếp quen thuộc của nhiều người và cứ thế diễn ra như một tệ nạn xã hội.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân cũng được chỉ ra là sự bùng nổ của dân số đô thị, trong khi đó, đất đai, vỉa hè không sinh ra.
Lấn chiếm vỉa hè thậm chí được nhiều người nói là văn hóa, “văn hóa lấn chiếm vỉa hè”. Điều này không chỉ gây cản trở giao thông mà còn khiến trật tự đô thị trở nên xấu xí.
- Để “dẹp loạn” vỉa hè, theo ông giải pháp là gì? Ông có bao nhiêu niềm tin chiến thắng vào cuộc “cách mạng” này như ông nói, đặc biệt là ở Hà Nội việc tái lấn chiếm vỉa hè vẫn diễn ra?
Đã là một cuộc “cách mạng” thì cần phải có sự quyết tâm, quyết liệt tới cùng và sự đồng lòng ủng hộ, có kế hoạch nghiêm chỉnh. Chúng ta phải vừa kiên quyết dùng biện pháp mạnh, vừa kết hợp với giáo dục, thuyết phục. Ai gặp khó khăn thì cần phải có chính sách hỗ trợ. Đây là vỉa hè là của nhà nước, họ chiếm thì họ phải trả.
Chúng ta đã đánh đuổi và chiến thắng biết bao kẻ thù. Vậy thì không có lý gì chúng ta không dẹp được nạn lấn chiếm vỉa hè, điều cơ bản là chúng ta có quyết tâm hay không (?). Tôi ví dụ như việc đốt pháo ngày xưa, nó cũng thành thói quen, thành nếp sống nhưng sao chúng ta vẫn dẹp được. Vậy thì lý do gì để nạn lấn chiếm vỉa hè tồn tại?
Tuy nhiên, trong việc giành lại vỉa hè lần này, tôi có niềm tin ở quận 1 – TP.HCM hơn là ở Hoàn Kiếm - Hà Nội. Đó là bởi vì họ rất quyết tâm, lãnh đạo quận đã dám thề, dám gắn trách nhiệm, dám nói sẽ từ quan (ông Đoàn Ngọc Hải - Phó chủ tịch UBND quận 1 nói: "Nếu không lấy lại được vỉa hè, tôi sẽ cởi áo về vườn" - PV). Tôi cho rằng đây không chỉ là lời thề trách nhiệm của lãnh đạo quận 1, mà đó còn là danh dự của cả địa phương.
Ở Hà Nội nhiều năm rồi người ta cũng vẫn “dẹp loạn” vỉa hè, vẫn ra quân nhưng sau tôi thấy đâu vẫn vào đó, chẳng khác nào “đánh trống bỏ dùi”. Điều này thậm chí không lấy được vỉa hè mà còn tạo cho người ta thói “nhờn luật”. Và ở cuộc “cách mạng” lần này, tôi cũng chưa thấy sự quyết tâm và trách nhiệm đến đâu.
Xin cảm ơn ông!
Ông Phạm Tuấn Long - Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, việc các lực lượng chức năng của quận xử lý mạnh lấn chiếm vỉa hè trong 2 ngày qua không nằm trong "chiến dịch ra quân" nào. Không phải thấy quận 1, TP. HCM ra quân chúng tôi mới làm hay là học theo quận 1. Việc đảm bảo trật tự đô thị, xử lý lấn chiếm vỉa hè được quận làm thường xuyên từ nhiều năm nay. Tôi cũng nhiều lần trực tiếp xuống đường cùng các lực lượng để xử lý. Cũng theo trả lời của ông Phạm Tuấn Long, để có thể lấy lại vỉa hè cho người đi bộ, giải pháp của quận là giao trách nhiệm cho từng phường. Quận Hoàn Kiếm có đặc thù diện tích nhỏ, lượng người đổ về buôn bán, du khách rất đông. Địa bàn phường nào để xảy ra mất trật tự đô thị, lãnh đạo phường đó phải chịu trách nhiệm. Về phía người dân, chúng tôi chủ yếu tập trung vào các giải pháp tuyên truyền nâng cao ý thức. |
Nhất Nam (thực hiện)