Ngày 23/8, thông tin với Người Đưa Tin, ThS.BSCKII Nguyễn Tiến Thành, thành viên Hội Da liễu Việt Nam cho biết mới tiếp nhận một bệnh nhân tiêm tan mỡ gặp tình trạng nổi nhiều nốt đỏ, sưng, cứng...
Theo lời của P.T.L, cô gái trẻ ở Hà Nội thấy quảng cáo trên facebook về tiêm tan mỡ của một spa có địa chỉ tại Hoàng Mai (Hà Nội), L. đã quyết định đến cơ sở spa này để tiêm tan mỡ vì những lời quảng cáo "có cánh".
Chia sẻ thêm với bác sĩ, L. nói thấy quảng cáo dáng chuẩn ngay tức thì chỉ sau một liệu trình siêu hủy mỡ nên cô đã liên hệ và tìm đến. Tại đây, cô gái trẻ được nhân viên tư vấn liệu trình tiêm tan mỡ thực hiện nhanh chỉ trong vòng 45 phút, không đau.
"Sau khi được bôi tê, L. nằm yên để nhân viên tiêm tinh chất hủy mỡ. Chi phí cho liệu trình này khoảng hơn 30 triệu đồng. Sau 5-7 ngày mỡ sẽ được đào thải qua hệ bài tiết, sẽ lấy lại được vóc dáng thon gọn”, L. kể với bác sĩ về những lời quảng cáo của spa này.
Khác xa với những lời quảng cáo, sự thật lại phũ phàng đối với P.T.L, sau tiêm một tuần, vùng bụng, đùi của cô nổi nhiều nốt đỏ, sưng, cứng, tình trạng ngày càng nghiêm trọng hơn, sau vài ngày các ổ mủ xuất hiện dày đặc hơn, gây đau nhức... Bệnh nhân sau đó quay lại cơ sở spa nhưng cơ sở này đã đóng cửa, không liên lạc được.
Sau khi kiểm tra, thăm khám bệnh nhân được chẩn đoán bị áp xe sau tiêm tan mỡ và được điều trị bằng các thuốc kháng sinh, kháng viêm liều cao, chích rạch và dẫn lưu áp xe….
Sau hơn một tuần các vết loét khô, các nốt viêm giảm sưng. Tuy nhiên, điều trị tai biến tiêm tan mỡ là điều trị khó, bệnh nhân được theo dõi lâu dài và điều trị tích cực.
BS.Tiến Thành cho biết, có 3 nguyên nhân có thể gây xuất hiện các nốt viêm sau tiêm tan mỡ:
Thứ nhất là thuốc tiêm tan mỡ không rõ nguồn gốc. Hiện nay, không có loại thuốc tiêm tan mỡ nào được Bộ Y tế cấp phép sử dụng. Vì vậy, thuốc mà cơ sở thẩm mỹ tiêm cho bệnh nhân là hàng trôi nổi, không an toàn.
Thêm nữa là kỹ thuật tiêm sai. Hiện nay, theo một số nước như Mỹ, cho phép sử dụng thuốc tiêm tan mỡ, họ cũng nhấn mạnh rằng kỹ thuật tiêm vô cùng quan trọng.
“Trong tất cả các vị trí, độ sâu của kim phải giữ ổn định, vì sự thay đổi hoàn toàn có thể gây ra hoại tử các mô xung quanh như thần kinh, mạch máu, da”, BS. Tiến Thành phân tích.
Cuối cùng là không đảm bảo vô trùng trong kỹ thuật tiêm. Tại các cơ sở spa, các nhân viên không được đào tạo y tế nên kỹ thuật thực hiện thường không đảm bảo vô khuẩn.
Theo BS. Thành, đa phần các bệnh nhân “dính bẫy” bởi tâm lý thích làm đẹp nhanh, rẻ, người thực hiện kỹ thuật là những “tay ngang”- không phải bác sĩ chuyên khoa, đào tạo không bài bản và cơ sở thực hiện là những nơi không được cấp phép, không đủ điều kiện thực hiện thủ thuật.
Để tránh tiền mất, tật mang, vị bác sĩ khuyến cáo chị em cần lựa chọn các địa chỉ uy tín, các thủ thuật phải được bác sĩ chuyên khoa thực hiện và cơ sở phải được cấp phép khi thực hiện bất cứ thủ thuật làm đẹp nào.
Đặc biệt, với các thủ thuật làm đẹp xâm lấn lại càng phải cẩn trọng hơn vì có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng.
Trước đó, năm 2019, thông tin trên báo chí, Bệnh viện Da liễu Trung ương đã tiếp nhận các trường hợp vào viện sau khi giảm béo bằng tiêm thuốc làm tan mỡ. Bệnh nhân đến viện trong tình trạng mỡ bị phân hủy nhưng không tan, vây quanh mạch máu, thần kinh tạo thành ổ đọng dịch, hoại tử.
TS.BS.Phạm Cao Kiêm - Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, loại thuốc tiêm làm tan mỡ vốn có tác dụng điều trị chống đông tắc mạch, nhưng một số cơ sở spa lại dùng để tiêm tan mỡ. Tiêm vào tất cả chỗ nào khách hàng muốn giảm mỡ như bọng mỡ mắt, mỡ cằm, mỡ bụng... Việc tùy ý sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ trên mạng, hay tiêm thuốc tại các spa khi chưa được cấp phép sử dụng rất nguy hiểm. Hiệu quả tốt đến đâu thì chưa thể khẳng định, nhưng nguy cơ lại hiện hữu.