Hà Nội: Đảm bảo nguồn rau xanh phục vụ Tết

Hà Nội: Đảm bảo nguồn rau xanh phục vụ Tết

Ngạc Kim Giang

Ngạc Kim Giang

Thứ 5, 08/02/2024 08:00

Theo dự báo, dịp Tết năm nay, nhu cầu tiêu thụ rau trên địa bàn Hà Nội khoảng 100.000 tấn rau xanh, tăng 15% so với tháng bình thường.

Mặc dù thời tiết những ngày cuối năm đôi lúc diễn biến thất thường nhưng nhìn chung, tình hình sản xuất rau màu khá thuận lợi. Nông dân đang tập trung thu hoạch rau, củ, quả... phục vụ tiêu dùng dịp Tết kết hợp trồng gối vụ, gieo lứa rau mới cho thị trường sau Tết.

Theo dự báo, trong các tháng Tết, nhu cầu tiêu thụ rau trên địa bàn Hà Nội khoảng 100.000 tấn rau xanh, tăng 15% so với tháng bình thường. Trong khi đó, Hà Nội chủ động được 65% sản phẩm rau, còn lại từ các tỉnh, thành phố lân cận mang về tiêu thụ tại Thủ đô.

Theo Đại Đoàn Kết, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, vụ đông năm 2023 - 2024, Hà Nội gieo trồng hơn 28.512ha rau, đậu tương, ngô, lạc, khoai lang, khoai tây và nhiều loại cây trồng khác. Nhìn chung, đến thời điểm này, toàn thành phố gieo trồng đúng kế hoạch, rau sinh trưởng, phát triển tốt.

Theo đại diện Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm), thời điểm này, các thành viên của HTX đang tập trung thu hoạch rau xanh, song song với đó là gieo trồng các loại rau ngắn ngày gối vụ để cung cấp rau xanh cho thị trường thành phố dịp Tết. Với diện tích 250ha, mỗi ngày, HTX cung cấp cho thị trường khoảng 100 tấn rau các loại. Ngoài ra, vào những ngày cận Tết, HTX còn liên kết sản xuất với vùng rau lân cận để tăng sản lượng gấp 2 - 3 lần so với ngày thường.

Tương tự, những ngày này, trên cánh đồng rau xanh của HTX rau Tiền Lệ, xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức), nông dân hối hả chăm sóc, thu hoạch vụ rau lớn nhất năm.

Với diện tích 33ha sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX đã ký hợp đồng cung ứng rau cho chuỗi siêu thị Vinmart, Big C và các cửa hàng rau sạch. Trung bình một ngày, HTX thu hoạch, tiêu thụ khoảng 15 - 20 tấn rau với giá bán 10 - 15 nghìn đồng/kg. Theo chia sẻ của HTX rau Tiền Lệ, vào những ngày trong và sau Tết Nguyên đán, lượng rau an toàn có thể tiêu thụ tăng 10% so với ngày thường. Cơ bản, năm nay thời tiết thuận lợi cho cây rau phát triển, giá cả tăng nhẹ nên nông dân rất phấn khởi.

Kinh tế - Hà Nội: Đảm bảo nguồn rau xanh phục vụ Tết

Những cánh đồng rau tại huyện Thường Tín. Ảnh: Hà Nội mới.

Tại Thường Tín (Hà Nội), Phó Chủ tịch UBND huyện Bùi Công Thản cho biết, để phục vụ người dân dịp trong và sau Tết Nguyên đán, toàn huyện gieo trồng khoảng hơn 1.000ha rau các loại (su hào, bắp cải, súp lơ, cà rốt, rau thơm...). Hiện, rau màu trên địa bàn phát triển tốt, dự kiến, dịp Tết này, Thường Tín cung cấp cho thị trường vài nghìn tấn rau xanh các loại, bảo đảm an toàn chất lượng.

Tết Nguyên đán Giáp Thìn cận kề, những ruộng rau bắp cải, súp lơ… bước vào kỳ thu hoạch, báo hiệu bội thu, giá các loại rau năm nay cao hơn so với mọi năm giúp người trồng rau thêm một cái Tết đủ đầy, sung túc. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của một số người, sau Tết, giá rau xanh có thể giảm mạnh nên nông dân cần sản xuất theo nhu cầu thị trường, tránh tình trạng cung vượt cầu.

Chia sẻ với Hà Nội mới, bà Nguyễn Thị Thảo ở xã Kim An (huyện Thanh Oai) cho biết, để nâng cao giá trị cây rau, vụ đông năm nay, thay vì trồng bắp cải như mọi năm, gia đình chuyển 2 sào sang trồng súp lơ xanh. Việc chuyển đổi phù hợp với nhu cầu thị trường đã giúp gia đình bà Thảo thu lãi khoảng 25 triệu đồng, cao gấp 2 lần so với trồng bắp cải.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương, để nâng cao giá trị cây rau, huyện yêu cầu các hợp tác xã đẩy mạnh việc mở lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật sản xuất rau an toàn cho nông dân... Huyện cũng khuyến cáo nông dân không sản xuất ồ ạt một loại rau, củ, quả mà trồng rải vụ, sản xuất theo hợp đồng và nhu cầu thị trường nhằm hạn chế tình trạng dư thừa cục bộ. Ngoài ra, huyện phối hợp với các sở, ngành đưa sản phẩm rau, củ, quả tham gia hội chợ, sự kiện để giới thiệu sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), quảng bá thương hiệu, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.

Để giúp người dân định hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường, không xảy ra tình trạng cung vượt cầu, đặc biệt là vụ rau đông xuân sắp tới, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Mạnh Phương nhấn mạnh, Sở không ngừng nâng cao năng lực phân tích, dự báo nhu cầu tiêu dùng, từ đó định hướng phát triển cây trồng phù hợp, làm căn cứ để các địa phương triển khai thực hiện.

Theo đó, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân trồng đa dạng chủng loại rau, rải vụ đối với rau màu nhằm giảm áp lực trong tiêu thụ; mở rộng diện tích trồng rau ăn lá, rau gia vị, củ, quả… tạo thuận lợi cho khâu tiêu thụ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm rau an toàn trên thị trường.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị nông dân thực hiện tốt các hợp đồng liên kết sản xuất - bao tiêu sản phẩm; sản xuất theo nhu cầu cần thực hiện từng bước, căn cứ nhu cầu tiêu dùng thực tế, không sản xuất ồ ạt, tự phát... qua đó, tăng giá trị cây rau, góp phần mang thêm nhiều mùa xuân no ấm cho người trồng rau...

Hà Nội đảm bảo nguồn cung hàng hóa, không có hiện tượng tăng giá đột biến

Theo Sở Công Thương thành phố Hà Nội, hiện nguồn cung lương thực - thực phẩm dồi dào, giá cả không có biến động lớn. Các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh bán hàng online, triển khai thanh toán điện tử. Thời điểm hiện tại, giá bán các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết tương đối ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp trên địa bàn Tp. Hà Nội đã tích cực triển khai nhiều nhóm giải pháp kích cầu tiêu dùng nhằm tăng sức mua trên thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.


Theo đó, ngành thương mại Hà Nội sẽ có hơn 14.500 điểm bán hàng bình ổn phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Ước tính, tổng giá trị hàng hóa là gần 41.000 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm 2023. Tại các điểm bán hàng trên địa bàn Hà Nội, lượng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2024 được tăng cường từ 15 đến 50%.


“Hiện nay, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn gặp rất nhiều khó khăn, người tiêu dùng thì cũng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, tuy nhiên với sự quảng bá của các thương hiệu sản phẩm, các chương trình kích cầu tiêu dùng do Bộ Công Thương, UBND thành phố Hà Nội và các tỉnh thành phố phát động hưởng ứng đã tuyên truyền rất tốt, kích cầu của người dân mua sắm, chi tiêu trong dịp Tết", bà Phương Lan chia sẻ.


Sở Công Thương Hà Nội cũng phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đẩy mạnh Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt, đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất… để người tiêu dùng có thể tiếp cận được nguồn hàng bảo đảm chất lượng với giá cả hợp lý nhất.

Minh Hoa (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.