Hà Nội tiếp tục đứng trong top 3 thành phố ô nhiễm nhất thế giới khi chỉ số AQI là 187 vào sáng nay 14/11. Bầu trời thủ đô mù mịt, tầm nhìn giảm thấp khiến tình trạng ô nhiễm bụi mịn vượt xa tiêu chuẩn an toàn với sức khỏe.
Theo Cổng Thông tin quan trắc môi trường của UBND TP Hà Nội, hàng loạt điểm đo có mức cảnh báo ô nhiễm không khí màu đỏ hoặc màu cam như An Khánh 152, Thanh Xuân 120, Cầu Giấy 105, Cung thiếu nhi Hà Nội 118, phố Hàng Mã 113, Bắc Từ Liêm 147, Thanh Xuân 120, Văn Điển 125…
Cổng Thông tin quan trắc môi trường đưa ra cảnh báo, nhóm nhạy cảm có thể bị ảnh hưởng tới sức khỏe, hạn chế hoạt động ngoài trời. Những người thấy có triệu chứng đau mắt, ho hoặc đau họng… nên cân nhắc giảm các hoạt động ngoài trời. Đối với học sinh, có thể hoạt động bên ngoài, nhưng nên giảm bớt việc tập thể dục kéo dài.
Nhóm người nhạy cảm nên giảm các hoạt động mạnh và giảm thời gian hoạt động ngoài trời. Những người mắc bệnh hen suyễn có thể cần sử dụng thuốc thường xuyên hơn.
Đến hôm nay là gần 1 tuần tình trạng ô nhiễm không khí xảy ra tại Hà Nội. Tham khảo số liệu đo chỉ số chất lượng không khí AQI của mạng lưới Pamair, nhiều điểm trong nội thành Hà Nội như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm trong các ngày gần đây đều có AQI ở mức màu đỏ và màu tím. Với mức này, trẻ em hay những người mắc bệnh về đường hô hấp sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nhiều yếu tố thời tiết bất lợi khiến tình trạng ô nhiễm không khí xảy ra trong thời gian này ở Hà Nội: thứ nhất là sương mù vào buổi sáng; thứ hai là tình trạng nghịch nhiệt, tức là độ chênh lệch giữa ngày và đêm lớn. Trong quá trình diễn ra nghịch nhiệt, bụi mịn không thoát lên cao được mà lơ lửng ở tầng thấp, tạo thành một lớp mờ đục. Thêm vào đó, trong những ngày trời hanh khô, độ ẩm ở Hà Nội chỉ từ 35% đến dưới 50%, càng khiến bụi bẩn lưu lại trong không khí.
Theo dự báo, từ nay đến cuối tuần, thời tiết chưa có sự biến đổi, nên tình trạng ô nhiễm không khí sẽ vẫn duy trì.
Trong bối cảnh ô nhiễm không khí bao trùm Hà Nội cũng như các thành phố lớn khác như TPHCM, chiều nay 14/11, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội và UBND TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị "Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam".
Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra các nhóm nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí tại các thành phố lớn. Trong đó, nguồn ô nhiễm lớn nhất là từ hoạt động giao thông vận tải. Sau đó là các nguồn từ hoạt động sản xuất công nghiệp, xây dựng, hoạt động đốt, sử dụng bếp than tổ ong. Ngoài ra yếu tố thời tiết, khí hậu cũng tác động không nhỏ đến chất lượng không khí, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố phía Bắc.
Theo ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch, ô nhiễm không khí đã nghiêm trọng đến mức người dân dùng từ "mùa ô nhiễm" thay cho mùa đông, nhất là ở miền Bắc. Ông Tùng cho rằng, trong bối cảnh phát triển kinh tế như hiện nay sẽ còn xuất hiện thêm nhiều nguồn thải mới, chất ô nhiễm mới như khí thải từ lò đốt rác phát điện.
PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó Hiệu trưởng Trường Hoá và Khoa học sự sống, Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho rằng cần coi ô nhiễm không khí là vấn đề cấp bách, cần thành lập Uỷ ban trực thuộc Chính phủ với sự tham gia của bộ ngành, địa phương, chuyên gia, xây dựng lộ trình ưu tiên thực hiện trong 3-5 năm tới với các mục tiêu và giải pháp ưu tiên.
Minh Đức (Theo Sức khỏe & Đời sống, Tiền Phong)