Theo đó, ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học (bộ Giáo dục & Đào tạo) cho biết: “Để giải quyết tình trạng thiếu đất, các trường có thể xây dựng cao tầng hơn so với bình thường”. Tuy nhiên ông cũng cho rằng, còn việc công trình đó có đảm bảo khả năng chịu lực để nâng tầng lên hay không thì sở Xây dựng địa phương sẽ kiểm soát, trường nào đủ điều kiện nâng tầng thì họ lập dự án để trình cơ quan chuyên môn thẩm định chứ không phải thích là nâng tầng được.
Cũng theo ông Hùng Anh, Bộ đã có văn bản đề nghị các địa phương tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật cơ sở vật chất và thiết bị dạy học của các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; theo đó hướng dẫn các địa phương xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học, các phòng chức năng…
Tuy nhiên, khi nâng tầng trường học việc đảm bảo an toàn, các phương án thoát hiểm khi xảy ra sự cố là điều phụ huynh băn khoăn. Về điều này, ông Phạm Hùng Anh cho rằng: "Hiện nay hầu hết các cơ sở giáo dục phổ thông tại Thủ đô đều bố trí phòng hiệu trưởng, hiệu phó, hiệu bộ, phòng họp, phòng hội đồng… ở tầng 1 hoặc rải rác ở tầng 2. Khi nâng thêm tầng nhưng việc bố trí phòng học phải bảo đảm đúng quy định như ở bậc tiểu học, học sinh chỉ học ở tầng 1, 2, còn lại tầng 3 là bố trí khu làm việc của ban giám hiệu, giáo viên văn phòng, hành chính”.
“Còn đối với trường trung học (gồm trung học cơ sở và trung học phổ thông) thì chỉ học ở tầng 1,2,3 còn lại tầng 4 là bố trí khu làm việc văn phòng, hành chính, ban giám hiệu. Như vậy có nghĩa là các phòng trước đó ở tầng 1 sẽ được cải tạo, sửa chữa thành phòng học, phòng tư vấn học sinh, phòng y tế…", ông Hùng Anh nói.
Trước đó, ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, cho biết thành phố đã giao cho sở Kế hoạch đầu tư, sở Xây dựng kiến trúc, phối hợp với sở GD&ĐT tiến hành rà soát lại toàn bộ mạng lưới trường, lớp. Qua rà soát, thành phố đã có nhiều điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu của người dân, nhất là khu vực mật độ dân số cao. Tuy nhiên, kết quả rà soát cũng cho thấy, ở khu vực nội đô, quỹ đất xây dựng trường học thiếu, nên tỷ lệ học sinh được học trường công thấp hơn khu vực khác.
Từ cơ sở đó, ông Quý nêu giải pháp và kiến nghị: “Giải pháp trước mắt là tìm quỹ đất, thứ hai là kiến nghị bộ GD&ĐT, bộ Xây dựng cho phép Hà Nội có cơ chế đặc thù nâng tầng cho các trường. Tầng nâng được sử dụng cho giáo viên, các phòng chuyên môn của trường. Chúng tôi rất mong có cơ sở pháp lý để thực hiện trong thời gian tới,” ông Quý nói.
Xem thêm video: Bên trong lớp học đông nhất Thủ đô: