Hà Nội: HĐND Thành phố "chốt" các trường hợp áp dụng biện pháp cắt điện, nước

Hà Nội: HĐND Thành phố "chốt" các trường hợp áp dụng biện pháp cắt điện, nước

Nguyễn Hữu Thắng

Nguyễn Hữu Thắng

Thứ 3, 19/11/2024 14:34

Tại kỳ họp 19, HĐND Thành phố Hà Nội đã thông qua việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước trên địa bàn Thành phố và loạt các nội dung quan trọng khác.

Các trường hợp bị cắt điện, nước

Sáng 19/11, Kỳ họp thứ 19 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 chính thức khai mạc. Tại kỳ họp, HĐND Thành phố xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền để cụ thể hóa các quy định của Luật Thủ đô năm 2024.

Cụ thể, HĐND Thànnh phố đã thông qua Quy định việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước trên địa bàn.

Hà Nội: HĐND Thành phố "chốt" các trường hợp áp dụng biện pháp cắt điện, nước- Ảnh 1.

HĐND thông qua Quy định việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước trên địa bàn.

Quy định gồm 10 điều. Đối tượng áp dụng là chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân ký hợp đồng với cơ quan cung cấp dịch vụ điện, nước liên quan đến việc thi công, quản lý, sử dụng công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước theo quy định tại khoản 2 Điều 33 Luật Thủ đô.

Nghị quyết cũng quy định về thẩm quyền áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước; tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ điện, nước và cá nhân, tổ chức có liên quan trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Các trường hợp áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước gồm: công trình xây dựng sai quy hoạch, công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng đối với trường hợp theo quy định phải có giấy phép xây dựng đã được cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu chấm dứt thực hiện hành vi vi phạm, yêu cầu dừng thi công công trình bằng văn bản nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.

Công trình xây dựng sai với nội dung trong giấy phép xây dựng, công trình xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng đã được cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu chấm dứt thực hiện hành vi vi phạm, yêu cầu dừng thi công công trình bằng văn bản nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.

Công trình xây dựng trên đất bị lấn, chiếm theo quy định của pháp luật về đất đai đã được cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu chấm dứt thực hiện hành vi vi phạm, yêu cầu dừng thi công công trình bằng văn bản nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.

Công trình xây dựng thuộc diện phải thẩm duyệt về thiết kế phòng cháy và chữa cháy nhưng được tổ chức thi công khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, đã được cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu dừng thi công, chấm dứt hành vi vi phạm bằng văn bản nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.

Hà Nội: HĐND Thành phố "chốt" các trường hợp áp dụng biện pháp cắt điện, nước- Ảnh 2.

Các công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng sẽ bị cắt điện, nước (Ảnh: Hữu Thắng).

Công trình xây dựng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa được nghiệm thu, chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy mà đã đưa vào hoạt động đã bị đình chỉ hoạt động nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.

Cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, kinh doanh dịch vụ karaoke không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đã bị đình chỉ hoạt động nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành. Công trình thuộc trường hợp phải phá dỡ và đã có quyết định di dời khẩn cấp của cơ quan có thẩm quyền mà tổ chức, cá nhân đã được vận động, thuyết phục nhưng không thực hiện di dời.

Về trình tự thủ tục chấm dứt biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước, trong thời hạn 1 ngày kể từ khi nhận được giấy tờ quy định tại Điều 6 Nghị quyết này, người có thẩm quyền thi hành công vụ có trách nhiệm kiểm tra, lập biên bản về việc chấp hành của người vi phạm (theo mẫu biên bản số 2 ban hành kèm theo Nghị quyết này).

Loạt nội dung quan trọng được thông qua

Tại kỳ họp, HĐND đã thông qua nghị quyết về danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô. Danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô được trao kết hợp vào dịp kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10) hoặc kỷ niệm các ngày lễ lớn của Thủ đô hằng năm.

Nghị quyết quy định đối tượng áp dụng trao danh hiệu cho cá nhân là người nước ngoài được xét tặng nếu có đủ điều kiện như sau: cá nhân người nước ngoài tuân thủ Hiến pháp, luật pháp, các quy định của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; có đóng góp đặc biệt trong xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô hoặc trong việc thiết lập, mở rộng, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, quan hệ hợp tác quốc tế của Thủ đô.

Hà Nội: HĐND Thành phố "chốt" các trường hợp áp dụng biện pháp cắt điện, nước- Ảnh 3.

Toàn cảnh kỳ họp thứ 19 của HĐND Thành phố Hà Nội.

Đồng thời, nghị quyết cũng quy định các sở, ban, ngành; Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội Thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã; các cơ quan, đơn vị thuộc TP; các cơ quan, đơn vị của Trung ương; cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế ở trong nước và nước ngoài là cơ quan, đơn vị, tổ chức xét, giới thiệu, trình tặng danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô.

HĐND Thành phố Hà Nội cũng đã thông qua Nghị quyết Quy định việc nhượng quyền khai thác, quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của Thành phố Hà Nội theo điểm a, b khoản 4 Điều 41 Luật Thủ đô.

Mục đích của nghị quyết Nghị quyết Quy định việc nhượng quyền khai thác, quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của TP Hà Nội nhằm vừa triển khai thực hiện hiệu quả quy định tại Luật Thủ đô, nâng cao hiệu quả khai thác tài sản công, đặc biệt là các công trình hạ tầng văn hóa - thể thao, công trình kiến trúc có giá trị thuộc phạm vi quản lý của thành phố; vừa bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phát triển công nghiệp văn hóa, khai thác tối đa các giá trị về lịch sử, cảnh quan, văn hóa, du lịch của công trình.

Đồng thời, HĐND Thành phố cũng đã thông qua Nghị quyết Quy định Ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính của Chủ tịch UBND cấp xã cho công chức thuộc UBND cấp xã trên địa bàn Thành phố Hà Nội, cụ thể hóa quy định tại Khoản 4, Khoản 6, Điều 14, Luật Thủ đô.

Nghị quyết gồm 4 chương, 10 điều. Theo đó, quyền hạn của Chủ tịch UBND cấp xã gồm: quyết định việc ủy quyền cho công chức trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn tại Quy định này. Thời hạn ủy quyền tối đa 36 tháng; hết thời hạn ủy quyền, nếu các căn cứ không thay đổi và việc ủy quyền đánh giá có hiệu quả, tiếp tục thực hiện ủy quyền.

HĐND Thành phố xem xét, thông qua các Nghị quyết quy định liên quan đến hợp đồng lao động thuộc nhóm nghiệp vụ chuyên ngành dùng chung; thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND Thành phố...Theo đó, Hà Nội chi thêm hơn 37 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất sau bão số 3.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.