Theo ghi nhận của PV báo Người Đưa Tin, mặc dù còn 15 ngày nữa (15/12) tuyến buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa sẽ được vận hành thí điểm, thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, nhiều nhà chờ trên tuyến này vẫn đang trong cảnh bụi phủ dày đặc.
Tại điểm trên đường Hoàng Đạo Thúy (Lê Văn Lương), cảnh bụi phủ dày đặc trên cánh cửa, các kết cấu thép, kính cường lực. Các cánh cửa kính ra vào nhà chờ phải dùng giấy bìa chèn phía dưới.
Bên trong vẫn trống không mặc dù theo dự kiến, khi đi vào hoạt động, phía bên trong nhà chờ này sẽ trang bị máy bán vé, máy quét thẻ và soát vé tự động.
Trong khi đó, bên ngoài nhà chờ, quang cảnh hiện vẫn còn khá ngổn ngang. Một số công nhân hàng ngày vẫn tiếp tục thi công rào sắt lối dẫn vào nhà chờ.
Tương tự, tại điểm trên đường Lê Văn Lương kéo dài, nhiều nhà chờ cũng trong cảnh “đắp chiếu” và bụi phủ từ trong ra ngoài. Hệ thống cầu vượt dẫn đến các nhà chờ cũng đã hoàn thiện nhưng rất ít người qua lại khiến nhiều người dân cảm thấy lãng phí.
Được biết, dự án xe buýt nhanh Hà Nội (BRT) được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam được khởi công xây dựng từ tháng 3 năm 2014. Dự án do Ban quản lý dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội thực hiện với tổng kinh phí đầu tư khoảng 55 triệu USD, tương đương hơn 1.000 tỷ đồng.
Tuyến buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa là tuyến thí điểm đầu tiên của Hà Nội, xe chạy theo lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Lê Văn Lương kéo dài - Láng Hạ - Giảng Võ - bến xe Kim Mã có độ dài 14 km, dự kiến xe sẽ chạy hết 30 phút/1 lượt, thay vì mất hơn một giờ như xe buýt thường hiện nay.
Với tần suất 3-5 phút/chuyến, công suất vận chuyển 90 khách, có 4 cửa ra vào, tốc độ di chuyển 22 km/h, các xe đều có hệ thống GPS kết nối Trung tâm để giải quyết sự cố phát sinh. Tại nút giao thông có hệ thống tích hợp với đèn tín hiệu để ưu tiên xe buýt nhanh qua nút.
Nhất Nam