“Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu”, hay chủ nghĩa hiện thực thậm phồn của Hồ Anh Thái

“Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu”, hay chủ nghĩa hiện thực thậm phồn của Hồ Anh Thái

Hoài Nam

Hoài Nam

Thứ 6, 14/07/2023 20:30

Ngay ở đoạn văn mở đầu tiểu thuyết “Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu”, nhà văn Hồ Anh Thái đã thực hiện một cú giễu nhại với bản tin thời tiết.

“Dự báo thời tiết ngày và đêm nay: Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa to, trong cơn giông có gió giật cấp sáu, đề phòng cây đổ gây thiệt hại và cản trở giao thông... Câu dự báo thời tiết ở trong đầu Phan một lúc thì hóa thành Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu. Không phải mưa to mà là mưa ngâu”.

Văn hoá - “Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu”, hay chủ nghĩa hiện thực thậm phồn của Hồ Anh Thái

Nhà văn Hồ Anh Thái.

Ngay ở đoạn văn mở đầu tiểu thuyết “Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu” (NXB Trẻ, 2023), nhà văn Hồ Anh Thái đã thực hiện một cú giễu nhại với bản tin thời tiết, bằng cách thay đổi chỉ một từ: “to” thành “ngâu”. Nếu có mưa, các bản tin thời tiết trên báo đài, với sự trung tính hóa ngôn ngữ bắt buộc, sẽ chỉ nói đến mưa to, mưa nhỏ, mưa kéo dài hay mưa từng lúc, với tổng lượng bao nhiêu bao nhiêu ml nước, chứ tuyệt đối không nói đến mưa ngâu (hay mưa đền cây, mưa rửa đền v.v...).

Bởi mưa ngâu là cách nói của dân gian, là dự báo thời tiết kiểu dân gian: nó quy chiếu đến truyền thuyết vợ chồng Ngưu Lang Chức Nữ cứ tháng bảy âm lịch hàng năm mới lại gặp nhau một lần, triền miên khóc lóc thương cảnh đôi ngả chia ly.

Nhà văn kể tiếp: “Vậy mà Phan vẫn thích biến cái câu dự báo thành Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu. Vô lý, mà vẫn thích”. Nhân vật thích, là bởi vì tác giả thích. Thích “sinh sự với chữ để mà sự sinh”, nếu muốn diễn đạt theo một quan niệm nghệ thuật của nhà thơ Lê Đạt. Và, thật ra cuốn tiểu thuyết này, từ tổng thể cho đến các chi tiết, các bối cảnh không gian, các nhân vật và hành động của họ, đều là những sinh sự của Hồ Anh Thái: sinh sự với cái đã trở thành bình thường, phổ biến; sinh sự với cái nhìn, cái nghĩ đã trở thành nếp quen trong đầu óc con người.

Chuyện về một anh bộ đội người Hà Nội, tên Phan, có thừa tiêu chuẩn, sự dũng cảm và lòng khao khát được đi chiến đấu “cho ra chiến đấu” tại chiến trường B, trực tiếp cầm súng đối mặt với quân thù. Thế nhưng run rủi thế nào mà Phan lại bị ấn định chỉ loanh quanh Hà Nội – “Cho đến hết chiến tranh anh vẫn không được đi chiến trường” (Đoạn kết) – làm một thứ lính cậu nhàm chán. Nhưng thật ra lại không nhàm chán, bởi không gian tại ngũ chủ yếu của Phan là không gian vô cùng đặc biệt. Nó hiện thực, nhưng là thứ không gian hiện thực rất ít người biết đến, đó là tầng hầm lưu giữ hồ sơ của những người lính đã hy sinh ngoài mặt trận.

Ở tầng hầm, Phan tiếp xúc với những hồn ma: “Họ xếp một hàng dài trong tầng hầm của Phan, chờ đến lượt trình diện và được anh vào sổ, chờ anh viết giấy báo tử đưa lên cho chỉ huy ký tên rồi đóng dấu. Hàng người cứ thế lặng lẽ nhích lên từng bước. Tầng hầm ngột ngạt. Tôi, thượng úy tiểu đoàn phó. Tôi, trung sỹ tiểu đội trưởng. Tôi, chiến sỹ thông tin. Tôi, chiến sỹ cần vụ của trung đoàn trưởng. Hầu như ai trong họ cũng nằn nì, đồng chí thông cảm, đồng chí gửi giấy báo sớm cho mẹ tôi cho vợ tôi cho ông tôi. Gia đình tôi vẫn tưởng tôi còn sống và đang chiến đấu...”.

Ở tầng hầm, bằng khả năng thông linh kỳ lạ, Phan nghe được tiếng nói vang lên rành rọt từ một tờ giấy báo tử. Một tờ giấy báo tử thì nội dung chỉ là báo tử thôi, rất chung chung, nhưng Phan lại nghe được từ đó cả một câu chuyện trong muôn câu chuyện đau thương thời chiến. Chuyện kể về một người đàn ông, trăn trở dằn vặt vì kết hôn với vợ chiến sỹ, đã xung phong đi công binh ngoài chiến trường, đã ủi đường lấp hang đá bị bom Mỹ đánh sập, biến cái hang thành nấm mồ chung của chín cô thanh niên xung phong, trong đó có cô người yêu của anh, xong việc thì đến lượt chiếc xe ủi của anh lại làm mồi cho tên lửa của máy bay địch. “Cùng lúc một chớp lửa bùng lên. Tan tành cả vách núi ngay bên cạnh. Chiếc máy húc bốc lửa cháy ngùn ngụt”, những câu này không mô tả trực tiếp sự việc xảy ra ngoài chiến trường, mà nó là hình ảnh lóe lên trong ảo giác thông linh của Phan, một thứ hình ảnh nằm ngoài năng lực trải nghiệm hiện thực của con người bình thường.

Chỉ một chi tiết ấy thôi, xảy ra ở không gian tầng hầm, đã thấy Hồ Anh Thái là nhà văn không biết bằng lòng với hiện thực mắt thấy tai nghe. Ngẫm lại, những tiểu thuyết thời mới vào nghề văn của ông: “Trong sương hồng hiện ra”, “Người và xe chạy dưới ánh trăng” v.v... đã thế, các tiểu thuyết về sau: “Cõi người rung chuông tận thế”, “SBC là săn bắt chuột”, “Những đứa con rải rác trên đường”, “Tranh Van Gogh mua để đốt” v.v... và “Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu” lại càng thế. Hiện thực với ông không chỉ là cái tồn tại ở bề mặt lộ thiên, mà nó còn nằm ở những góc khuất, những bề sâu, những chân trời tưởng tượng, thậm chí nằm cả ở những khoảnh khắc vụt sáng linh diệu trong tâm trí con người.

Thực tại và huyễn ảo, với Hồ Anh Thái, thật ra đều là thực cả, chỉ là ở những bình diện khác nhau mà thôi. Ông phối trộn chúng để gia tăng sự đa dạng các chiều kích của tác phẩm, và hơn thế, để tạo đà cho sự đi tới đầy phong nhiêu của mạch truyện kể. Tôi tạm gọi đó là chủ nghĩa hiện thực thậm phồn của/ kiểu Hồ Anh Thái: người ta được sống với rất nhiều câu chuyện, ngồn ngộn, chồng lên, gối lên nhau, lồng vào nhau, chỉ trong một truyện kể. Lấy ngay chi tiết vừa dẫn trên: từ việc nghe được tiếng nói của người công binh Đỗ Văn Thiện đã chết vang lên từ tờ giấy báo tử, Phan đã tìm gặp vợ của anh, Vũ Thị Ngọc Thu, một nữ nghệ sỹ xiếc thú, chuyên thuần hóa và biểu diễn cùng bốn con hổ. Vậy là hiện thực đã được nới rộng thêm ra trong không gian của Hà Nội những ngày tháng quyết liệt chống trả các cuộc tập kích ném bom liên tục của không lực Hoa Kỳ: hiện thực của những người nuôi dạy thú dữ trong rạp xiếc, cái nghề đòi hỏi sự dũng cảm, khéo léo, sức mạnh tinh thần trấn áp và nhất là tính cẩn trọng, bởi chỉ một khoảnh khắc lơ là sơ sẩy thôi, bản năng hoang dã của những con thú sẽ bất ngờ trỗi dậy và lấy đi mạng sống của người quản chúng.

Văn hoá - “Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu”, hay chủ nghĩa hiện thực thậm phồn của Hồ Anh Thái (Hình 2).

Tuy nhiên đáng kể nhất trong tiểu thuyết “Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu” phải là không gian mặt đất, nơi con người ta chiến đấu, lao động, đi lại, nói năng, ăn uống, yêu thương và/ hoặc ghét bỏ nhau. Hà Nội một thời đạn bom được nhà văn tái hiện, và cả kiến tạo nữa, với toàn bộ sinh lực mạnh mẽ và sinh sắc phong phú của một thủ đô mà cho dẫu có đánh nhau bắn nhau khốc liệt tơi bời đến đâu chăng nữa thì con người vẫn phải sống, vẫn cứ sống, bằng tất cả hỉ nộ ái ố nhân sinh.

Quán bia hơi ở vườn hoa Cổ Tân, nhìn chếch sang Nhà hát lớn Hà Nội, là một tiểu không gian mặt đất như thế. Mỗi người chỉ được phát phiếu mua hai cốc bia, và phải mua kèm với lạc rang hoặc một bát canh rau cải. A-nếch-đốt (giai thoại) về bia hơi Hà Nội một thời, từng được nhắc đến trong các hồi ký, tự truyện hoặc tản văn của Tô Hoài, Vũ Bão, Đỗ Phấn, Mai Lâm, Nguyễn Việt Hà. Nhưng ngoài cái a-nếch-đốt ấy, quán bia hơi Cổ Tân chính là không gian để Hồ Anh Thái cho nhân vật của mình được gặp gỡ, trò chuyện với nhiều nhân vật khác, và từ đó bật lên những cảnh đời, những mặt người của một Hà Nội đời thường-trong-thời chiến.

Ở đây, qua anh bộ đội Phan, người đọc được gặp một cựu binh người nam Trung bộ tập kết ra Bắc, từng được cử đi học Liên Xô, rốt cuộc lại trở về, giải ngũ, làm ông phó chủ nhiệm hợp tác xã xe bò kéo. Ông sếp xe bò kéo đãi bạn cũ người Nga một cuốc xe bò chạy giữa cánh đồng lúa chín: “Vung roi cứ như hoàng đế vung cây quyền trượng giữa triều đình. Lại còn đưa roi cho ông bạn và dạy cách điều khiển xe. Oai như một ông tướng. Tướng Nga”. Ở đây, qua anh bộ đội Phan, người đọc được gặp những chàng lính trẻ đang hăm hở chuẩn bị vào Nam chiến đấu, những tình cảm quân dân thân ái dù mới chỉ lần đầu gặp mặt.

Cái chi tiết về chiếc phong bì đựng tấm ảnh chụp ba chiến sỹ trẻ với cô đong bia được thả xuống đường kèm mấy lời nhờ người chuyển giúp, là một trong những motif đậm màu lãng mạn của văn chương thời chiến mà Hồ Anh Thái đã sử dụng lại một cách đắc địa. Nhưng cũng ở đây, qua anh bộ đội Phan, người đọc còn được gặp những anh “bê quay”, tức lính đào ngũ khỏi chiến trường B. Đào ngũ vì quá khiếp sợ cảnh đạn bom chết chóc trên chiến trường.

Đào ngũ vì hèn nhát, người ta vẫn nói như thế, nhưng điều lạ là, khi bị tóm cổ: “Mấy chú này được sung vào một đơn vị pháo phòng không bên Đông Anh. Nghe ra thì khi máy bay Mỹ đến, các chú đánh cũng hăng, cách đánh cũng sáng tạo”. Tuy nhiên: “Họ tự cảm thấy rằng mình không còn được coi là bộ đội nữa. Chán chường rã rời. Không còn là người. Chiến đấu hăng thế chứ hăng nữa cũng không gột rửa được cái vết nhơ đào ngũ”. Những nghịch lý và cái bi kịch con người thời chiến ấy, trên thực tế, không phải nhà văn nào viết về chiến tranh cũng nhận ra và nói được như Hồ Anh Thái.

Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Chọn viết về Hà Nội trong thời điểm khốc liệt nhất của chiến tranh chống Mỹ, Hồ Anh Thái đã không bỏ qua những ngày Hà Nội bị máy bay B-52 Mỹ ném bom rải thảm. Có điều, ông không chủ ý mô tả một “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” như cụ Nguyễn Tuân – chương viết về cuộc chiến đấu trên không của nhân vật phi công Kỷ, anh trai Phan, chỉ vỏn vẹn chưa đầy ba trang sách – mà ông nhấn mạnh vào những hậu quả khủng khiếp của cuộc rải bom và những cái nghịch dị tiếp theo của nó.

B-52 Mỹ rải thảm, tất nhiên người ta sẽ tưởng tượng ra mặt đất rung chuyển, nhà cửa sập nát vỡ vụn, và người chết, nhưng Hồ Anh Thái lại khoan vào cái im lặng: “Không kêu khóc không gọi nhau hỗn loạn không xao xác í ới. Nỗi hoảng sợ đã thành tê tái không còn kêu lên hét lên được nữa. Câm. Câm lặng. Câm hoàn toàn. Câm triệt để tuyệt đối. Cứ thế mà chạy khỏi bãi bom càng xa càng tốt... Một nỗi sợ dị đoan kìm nén tất cả những gì thoát ra thành âm thanh”.

Ấy là cảnh đoàn người từ khu phố bị bom chạy thoát ra đến hồ Thiền Quang, trong đêm. Tiếp đến là cảnh bệnh viện Bạch Mai đã thành đống gạch vụn và Phan tham gia công việc tìm kiếm cứu người. Không phải là cứ thế đào bới và đưa người còn sống thoát ra, mà trong tiểu thuyết này, nhân vật của Hồ Anh Thái phải bò vào trong đống gạch đá bê-tông ấy, như bò vào hang, cùng bác sỹ giải phẫu tháo khớp toàn thân những người chết nằm phía ngoài, từng khúc một, đặng đưa người còn sống bên trong ra. Đó là sự khủng khiếp. Và còn nữa: nghịch dị.

Bởi vì chỉ sau ít trang thôi, nhà văn đã dựng lên cảnh nữ nghệ sỹ xiếc thú đưa bốn con hổ, trên hai chiếc xe bò kéo, đi sơ tán khỏi thành phố vừa bị đánh bom. Cũi thú dữ và người trên đường chen sát nhau, lặng lẽ, không hỗn loạn. Chỉ có một con bò kiệt sức vì quá sợ mùi hổ nồng nặc: “Nó đứng lại ngay giữa đường, đầu chúi xuống, rên rỉ yếu ớt... Bọt mép xùi ra trắng như bọt xà phòng”. Cảnh này có xảy ra trong thực tế hay không không quan trọng. Nhưng trong thế giới nghệ thuật của tiểu thuyết “Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu” thì nó là một “xen” thêm vào, khiến cho hình ảnh tổng thể về một Hà Nội thời chiến càng trở nên ngồn ngộn, ngổn ngang, đa tạp. Một chủ nghĩa hiện thực thậm phồn.

Một điểm dễ thấy, nếu xét về nghệ thuật tự sự ở tiểu thuyết “Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu”, là sự duy trì liên tục, với mật độ dày đặc, của kiểu “lời nửa trực tiếp”. Đó là lời của nhân vật, nội dung và phong cách thuộc về nhân vật, phản ánh sự hiện diện của ý thức nhân vật, nhưng nó lại mang vẻ bề ngoài là lời của người kể chuyện, thể hiện ở sự liền mạch trong văn bản, ngay cả các đối thoại cũng không gạch đầu dòng, hoặc không đưa vào ngoặc kép như lệ thường. Sử dụng tối đa kiểu “lời nửa trực tiếp”, Hồ Anh Thái cũng tối đa hóa việc làm nhòe lời của nhân vật với lời của người kể chuyện – trong trường hợp này lời của người kể chuyện chính là lời của tác giả – để kiến tạo những tình huống truyện rất đa dạng về sắc thái thẩm mỹ: khi trào tiếu hài hước, lúc lại lãng mạn thương cảm.

Ví như khi Phan, bằng năng lực nhìn xuyên tường, thấy và tường thuật lại cảnh viên sỹ quan quân báo gãi chim, thì: “Viên sỹ quan bật cười ha hả. Cậu đúng là ma xó, biết hết nhìn thấy hết mọi thứ trong nhà người ta. Cả làng tớ đàn ông đều có thói gãi chim. Giữa thanh thiên bạch nhật giữa chốn việc làng mà từ ông cụ đến thằng nhãi ranh đều có thể gãi chim. Chẳng ngứa ngáy gì cũng gãi. Gãi như một thói quen. Gãi như một cái thú. Gãi như một dấu hiệu chứng tỏ giới tính. Gãi như một niềm hãnh diện của đàn ông”.

Đó là trào tiếu hài hước. Còn lãng mạn thương cảm, có lẽ đậm nhất ở những trang viết về nhân vật “anh nhạc vàng”. Ở đây, chính ca từ của những bài hát “ủy mị”, “rên rỉ”, “sầu thương”, làm yếu lòng người, tóm lại những bài hát bị cấm phổ biến ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa một thời, lại giữ vai trò của kiểu “lời nửa trực tiếp”.

Nó như sự đồng cảm của nhà văn. Và nó phát lộ một sự thật về tâm hồn con người nói chung và tâm hồn người Hà Nội nói riêng, bất kể những cấm đoán khắc nghiệt của thời cuộc: đó là nhu cầu được lãng mạn thương cảm, nhu cầu được chìm vào đắm vào nỗi sầu muộn hoài nhớ đầy day dứt, trong những khoảng thời gian nào đó của một ngày, hay của một đời.

Nhân vật “anh nhạc vàng” và số phận bên lề đáng thương của anh – không được chấp nhận nhập ngũ, bị đi cải tạo bảy năm vì tội hát nhạc vàng – có thể được quy chiếu trực tiếp vào những người thật việc thật của Hà Nội một thuở, nhưng trong tiểu thuyết thì đó vẫn là một nhân vật của tiểu thuyết. Một nhân vật khiến cho hiện thực thời chiến trong “Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu” càng thêm đa tạp và bề bộn.

Lần đầu tiên nhà văn Hồ Anh Thái gọi đích danh cái nơi chốn mà ông viết/ kiến tạo trong tác phẩm hư cấu của mình: Hà Nội. Nhưng cũng là lần thứ n Hồ Anh Thái làm cho cái thế giới hiện thực bị xới tung lên, vỡ ra thành nhiều mảnh, phản chiếu những sắc màu đa dạng phong phú của tưởng tượng, một tưởng tượng đủ năng lực để biến một “Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa to” thành một “Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu”.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.