Thông tin phụ huynh có con học tại trường tiểu học Đặng Cường (TP. Hải Phòng) phải nộp hơn 10 triệu đồng vào đầu năm học chưa lắng xuống thì mới đây, PV báo Người Đưa Tin lại được phản ánh về việc lạm thu của trường THCS Cao Bá Quát, tại khu đô thị Đặng Xá (huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội). Trường mới được thành lập và bắt đầu hoạt động từ năm học 2017–2018.
Niềm vui về ngôi trường mới còn lâng lâng thì phụ huynh đã vấp phải những khoản thu mập mờ. Chị P.T.T., có con học lớp 6 tại trường cho biết: “Con trai tôi mang về một tờ thông báo các khoản thu đầu năm học, tổng số tiền là 6.595.500 đồng, cho dù trước đó, tại buổi họp phụ huynh đầu năm, một số khoản thu chưa được sự thống nhất cao từ phía phụ huynh”.
Theo chị T., ngày 27/8, nhà trường tổ chức họp phụ huynh các lớp để chuẩn bị cho năm học mới 2017-2018. Tại cuộc họp, cô giáo chủ nhiệm đọc các khoản thu năm học mới, trong đó có một số khoản bị phụ huynh phản ứng như: Tiếng Anh có yếu tố nước ngoài 1.620.000 đồng/năm, xã hội hóa giáo dục 250.000đồng/năm.
“Đối với tiếng Anh có yếu tố nước ngoài, nhà trường chỉ thông báo một lựa chọn duy nhất và nói phụ huynh đăng ký. Nhiều ý kiến phản đối vì cho rằng việc này phải được lựa chọn, nhà trường làm như vậy là áp đặt vì đây không phải môn học bắt buộc”, chị T. nói.
Anh H.M.L., một phụ huynh có con đang học lớp 9 cho hay: “Trường thông báo về khoản xã hội hóa để trồng cây, mua rèm cửa, mua ô cho học sinh, nhưng con tôi đã học lớp 9 mà phải đóng như vậy thì không hợp lý”.
Để giải đáp những thắc mắc của phụ huynh, PV đã liên hệ với bà Vũ Thị Lan Anh, Hiệu trưởng nhà trường. Bà Lan Anh cho biết: “Đối với tiếng Anh có yếu tố nước ngoài (tức có người nước ngoài dạy) là chủ trương của sở GD&ĐT TP.Hà Nội phát triển tiếng Anh trong giai đoạn 2008–2020. Nhà trường được sự cho phép của phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm và sở GD&ĐT TP.Hà Nội để tăng thêm khả năng nghe nói cho học sinh. Giáo viên toàn bộ là người từ các nước nói tiếng Anh. Chúng tôi triển khai theo dạng liên kết hợp tác, trung tâm tiếng Anh Washington mượn cơ sở của trường để giảng dạy, sau đó sẽ trích lại tiền để bảo trì cơ sở vật chất, các tiết học cũng trích lại tiền để trả tiền trợ giảng cho giáo viên”.
Nói về quy trình để xin liên kết giảng dạy, bà Lan Anh cho hay: “Ngay từ khi chưa thành lập trường, các trung tâm đã làm việc với chúng tôi để làm đề án trình sở GD&ĐT xin cấp phép cho các nhà trường, (trước đó, bà Lan Anh công tác tại trường THCS Kim Sơn, huyện Gia Lâm-PV). Sau khi xem tài liệu, cũng như kinh nghiệm ở trường cũ, tôi lựa chọn trung tâm Washington. Sau đó, đề án được Sở duyệt và đi vào hoạt động từ đầu năm học, một tuần các cháu sẽ được học ít nhất một tiết”.
Khi được hỏi về việc trung tâm này được sở GD&ĐT cấp phép trước khi họp phụ huynh, bà Lan Anh nói: “Vì thời gian gấp nên chúng tôi đã xin chủ trương trước, sau đó sẽ về triển khai ở nhà trường nếu như phụ huynh đồng ý. Trường đã họp phụ huynh vào ngày 27/8, về cơ bản, phụ huynh đồng ý việc này. Sau đó, chúng tôi mới chính thức triển khai”.
Liên quan đến vấn đề xã hội hóa do phụ huynh phản ánh, bà Lan Anh giải thích: “Do trường mới xây dựng, chưa có nhiều cây xanh, khi phụ huynh tới nhập học cho con thấy vậy đã bàn bạc trồng thêm cây, mua ô, rèm cửa, thống nhất với khoản tiền là 250.000 đồng. Các khoản thu chúng tôi thực hiện theo hướng dẫn và đã được cấp trên (phòng GD&ĐT, UBND huyện Gia Lâm cho phép)”.
Trao đổi với PV, ông Hoàng Việt Cường, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm thông tin: “Hiện, tôi đã nắm bắt được thông tin báo phản ánh. Phòng GD&ĐT sẽ cho kiểm tra lại, nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm. Vào đầu năm học, Phòng mới có văn bản hướng dẫn nhà trường các khoản thu đầu năm. Nhà trường sẽ tiến hành họp phụ huynh, sau đó gửi văn bản dự kiến thu cho phòng GD&ĐT để chúng tôi xem xét mới chính thức thu. Hiện nay, nhà trường chỉ thông báo dự kiến thu chứ chưa thu chính thức. Sau khi kiểm tra, nếu phát hiện khoản nào thu sai, nhà trường phải trả lại”.