Mới đây, UBND TP. Hà Nội có văn bản gửi bộ GTVT về đề xuất phương án cải tạo, mở rộng nút giao thông cửa ngõ đi vào Thủ đô tại nút giao Pháp Vân để giảm ùn tắc tại khu vực này.
Trước đó, để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại cửa ngõ phía Nam, đường đi vào trung tâm TP. Hà Nội, tổng cục Đường bộ VN (TCĐB) đã có văn bản báo cáo bộ GTVT đề xuất phương án cải tạo khu vực nút giao Pháp Vân (Hà Nội). Tổng kinh phí các hạng mục khoảng hơn 2.700 tỉ đồng.
Theo đó, UBND TP. Hà Nội đề nghị bộ GTVT chỉ đạo đầu tư, cải tạo nâng cấp và tổ chức quản lý, vận hành khai thác nút giao thông Pháp Vân - Vành đai 3 để đồng bộ và phát huy hiệu quả Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ theo hình thức hợp đồng BOT hiện đang triển khai thực hiện.
Trong văn bản nêu rõ, UBND TP. Hà Nội thống nhất với đề xuất của tổng cục Đường bộ VN về 2 nhóm giải pháp để giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông khu vực nút giao Pháp Vân gồm cải tạo nút giao. Trong đó. có việc bổ sung nhánh rẽ từ hướng cầu Thanh Trì ra QL1, bổ sung nhánh quay đầu dưới gầm cầu cạn, bổ sung làn rẽ phải vào đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ…
Tổng cục Đường bộ VN đề nghị 2 nhóm giải pháp chính: Thứ nhất là cải tạo nút giao, dự kiến kinh phí 423,1 tỉ đồng (trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 255,5 tỉ đồng), gồm bổ sung nhánh rẽ từ đường nhánh của nút giao kết nối với nhánh nối từ hướng cầu Thanh Trì - QL1. Để đi thấp ra QL1 (giao đường Giải Phóng), đường nhánh quay đầu dưới gầm cầu cạn để giảm luồng phương tiện rẽ trái trực tiếp về trung tâm TP, cải tạo vị trí điểm kết nối từ đường Vành đai 3 đi thấp vào QL1, sửa chữa đường đầu cầu bị lún, hư hỏng mặt đường... Thứ hai là giải pháp phân luồng từ xa với 3 hạng mục đầu tư, trong đó, TCĐB nghiêng về bổ sung đường kết nối từ nút giao Vành đai 3 đi thấp ra đường Tân Mai (Vành đai 2.5), đầu tư xây dựng tuyến đường LK49 dài 1,7 km, kinh phí dự kiến 1.954,7 tỉ đồng (giải phóng mặt bằng khoảng 1.073,9 tỉ đồng). |
|
Thế Anh