Theo lãnh đạo một số trường học trên địa bàn Hà Nội, sẽ không tránh khỏi việc xuất hiện F0 trong trường học. Ngành giáo dục đã có hướng dẫn chi tiết, trường học được tập huấn để chủ động để đảm bảo an toàn đón học sinh, không bị gián đoạn chương trình học.
Ngày 10/2, báo Tin tức – TTXVN đưa tin, theo ông Hoàng Hữu Trung, Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trước khi học sinh Hà Nội trở lại trường học sau dịp Tết Nguyên đán 2022, Hà Nội có văn bản hướng dẫn liên ngành khá chi tiết về việc xử lý như thế nào khi có F0 trong trường học.
“Chiều hôm qua (9/2), Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phối hợp với Sở Y tế tổ chức tập huấn toàn bộ cán bộ y tế các trường học trên địa bàn theo hình thức vừa trực tiếp vừa trực tuyến. Mỗi xã, phường đều có điểm cầu trực tuyến để cán bộ y tế trường đến họp. Tại buổi tập huấn, PGS TS Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm CDC Hà Nội có cụ thể hoá các hướng dẫn để giúp các trường xử lý khi trong trường có F0 Hà Nội”, ông Hoàng Hữu Trung nói.
Trước đó, trả lời về vấn đề này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, tại hướng dẫn liên ngành của Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế Hà Nội, khi phát hiện trường hợp học sinh là F0 tại lớp, giáo viên tạm dừng việc giảng dạy, tạm thời cách ly học sinh tại chỗ, báo cáo ban giám hiệu và triển khai các bước tiếp theo. Chỉ có trường hợp F0 được đưa đi cách ly để điều trị, các trường hợp F1 thực hiện cách ly tại nhà.
Hà Nội thực hiện trên nguyên tắc, các trường học chỉ khi đảm bảo an toàn mới đón học sinh học trực tiếp, không vì một vài ca nhiễm mà đóng cửa toàn bộ trường học. Đến nay, các nhà trường chủ động xây dựng phương án chi tiết, phù hợp và có kịch bản xử lý tình huống nếu có F0, F1 tại lớp học, trường học để bảo đảm an toàn ở mức cao nhất cho học sinh.
Trường hợp bất khả kháng, học sinh không thể đến trường học, các nhà trường đảm bảo đủ phương tiện, thiết bị dạy học để tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến, bảo đảm để học sinh không bị gián đoạn chương trình học tập.
Theo VTC News, trước khi học sinh cả nước trở lại trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành sổ tay đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, Bộ nêu rõ 4 bước xử lý khi phát hiện trường hợp học sinh mắc Covid-19.
Bước 1, thông báo kết quả dương tính cho Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, tổ an toàn Covid-19 của Sở Giáo dục và Đào tạo, cha mẹ học sinh, cách ly tạm thời F0 tại trường. Thông báo ngay cho trạm y tế địa phương để triển khai phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Bước 2, đánh giá tình hình sức khỏe của F0, nếu có dấu hiệu suy hô hấp, thở nhanh hoặc khó thở, SPO2 dưới 97% thì liên hệ và chuyển đến bệnh viện có khoa, đơn vị Covid-19 trên cùng địa bàn hoặc chuyển đến bệnh viện dã chiến bằng xe cấp cứu. Nếu F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ thì tư vấn, hướng dẫn cha mẹ học sinh đưa học sinh về nhà để được trạm y tế địa phương tiếp nhận xử lý.
Bước 3, tạm ngưng ngay tiết học để vệ sinh khử khuẩn lớp học và xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ học sinh, giáo viên có mặt trong lớp (F1) bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên. Các lớp khác hoạt động bình thường.
Bước 4, cách ly, theo dõi F1 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Cụ thể, người tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 tự cách ly y tế tại nhà 7 ngày, xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR 3 lần vào ngày thứ 1, 3, 7.
Những người tiêm chưa đủ liều vắc-xin thì cách ly y tế 10 ngày, xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR 3 lần vào ngày thứ 1, 5, 10. Còn người chưa tiêm vắc-xin thì cách ly y tế 14 ngày, xét nghiệm 3 lần vào ngày thứ 1, 7, 13.
Riêng với khối mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ, nếu phát hiện 1 ca dương tính thì cho toàn bộ các em là F1 cách ly tại nhà theo quy định.
Quốc Tiệp (t/h)