Hà thành kim cổ ký: Cái nôi của văn nghệ Hà Nội một thời

Hà thành kim cổ ký: Cái nôi của văn nghệ Hà Nội một thời

Hà Thị Kim Dung

Hà Thị Kim Dung

Thứ 2, 18/03/2019 17:24

Đầu những năm 1920, các nhà hát ca trù (hay ả đào, cô đầu) chuyển dần từ ấp Thái Hà về phố Khâm Thiên. Phố này khi đó thuộc tỉnh Hà Đông, do vậy không theo luật lệ của cảnh sát Hà Nội nên các nhà hát thoải mái trống phách tới sáng.

Sự phồn thịnh của Khâm Thiên bắt đầu từ năm 1930 kéo dài đến năm 1945 nhờ hát cô đầu và tiệm nhảy. Việc làm ăn phát đạt đến mức hễ có ngôi nhà nào mới xây lập tức có người đến thuê với giá cao. Đầu những năm 1930, khách hát là tổng lý, lái buôn, lái xe các tỉnh về thì đến năm 1935 chỉ còn khách sang. Trong bài Xóm Khâm Thiên: Cái nôi của văn nghệ Hà Nội ba chục năm về trước của nhà văn Vũ Bằng đăng trên một tờ báo ở Sài Gòn năm 1973 có đoạn: “Thực tình đến bây giờ (năm 1973) cố moi trí nhớ tôi cũng chưa thấy nhà văn, nhà báo đất Bắc nào mà lại không ra vào nhà hát cô đầu”. 

Văn hoá - Hà thành kim cổ ký: Cái nôi của văn nghệ Hà Nội một thời

Các văn nghệ sĩ hội họp uống rượu, ngâm thơ, đánh một khẩu trống để thưởng một câu hay, một tiếng đàn khéo bấm, hay một giọng ca buông bắt thật tài tình. Đôi khi tức cảnh, họ tạo nên những câu, bài hát nói hay những vần thơ bát cú, lục bát thật hay. Nhà văn đã không ngần ngại khi gọi phố cô đầu Khâm Thiên là cái nôi của văn nghệ Hà Nội. Các nhà văn, nhà báo: Phùng Bảo Thạch, Vũ Đình Chi, Nguyễn Triệu Luật, Lưu Văn Phụng, Hy Sinh, Vũ Liên, Ngô Tất Tố... lúc làm cho các báo Việt Nữ, Công Dân, Vịt Đực mỗi khi bàn về số báo ra kỳ tới vẫn thường hội ý và kẻ ma-két ở nhà hát vào đêm khuya, lúc im ắng tiếng đàn giọng ca. Khâm Thiên không chỉ là chốn chơi mà nó gợi cảm hứng cho các nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ.

Trong tiểu luận Ca trù Thăng Long - Hà Nội: Những diễn biến trong tiến trình lịch sử, nhà nghiên cứu Trần Thị Kim Anh viết: “Những bài viết sâu sắc với những từ ngữ đẹp đẽ nhất dùng để miêu tả ngợi ca nghệ thuật ca trù của Phạm Quỳnh, Nguyễn Xuân Khoát, Ngô Linh Ngọc đều bắt nguồn từ đây. Nhạc của Nguyễn Văn Thương, thơ của Vũ Hoàng Chương, Trần Huyền Trân lấy cảm hứng từ đây. Bản dịch Tương tiến tửu của Đái Đức Tuấn, tác phẩm Con voi già của vua Hàm Nghi của Lưu Trọng Lư đều bắt đầu viết ở đây trong những cơn cao hứng”.

 Đối với Nguyễn Tuân, ca trù có vị trí đặc biệt trong tâm hồn ông. Thuở nhỏ ông theo cha đi “đập trống” ở Hàng Giấy khi phố này tập trung nhiều quán ca trù (giá thuê nhà ở đây quá cao nên các nhà hát đã chuyển xuống ấp Thái Hà), lớn lên ông tự ra Khâm Thiên. Ca trù ám ảnh và xuất hiện trong nhiều truyện như: Chiếc lư đồng mắt cua, Đới roi, Chùa đàn... đầy đau đớn, khắc khoải của nhà văn mà Tố Hữu gọi là “Thợ kim hoàn của chữ”.

Trần Huyền Trân sống ở ngõ Cống Trắng đã tặng Quách Thị Hồ những câu não lòng “Tự cổ sầu chung kiếp xướng ca/Mênh mông trời đất vẫn không nhà/Người ơi mưa đấy?Hay sênh phách/Tay yếu gieo lòng xuống chiếu hoa...”. Đề tài hiện đại rất hiếm thấy trong tranh dân gian Đông Hồ, và có nghệ nhân nào đó chắc đi hát ở Khâm Thiên vào sàn nhảy để rồi vẽ bức Nhảy đầm, rất hài hước và hóm hỉnh.

Họa sĩ Cát Tường khi sáng tạo ra áo dài Le Mur đã mang đến Khâm Thiên nhờ cô đầu mặc thử. Từ đây, những mẫu áo dài tân thời này mới lan ra khắp Hà Nội. Sau 1954, ca trù bị hiểu sai, cô đầu bị dư luận buộc tội là hạng người bỏ đi. Các nhà hát phố Khâm Thiên bị đóng cửa. Dấu tích một chốn chơi nổi tiếng cách nay gần 100 năm chẳng còn gì, chỉ là con phố lem nhem đông đúc và kẹt xe.

N.N.T

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.