Hà thành kim cổ ký: Chuyện hàn dép nhựa

Hà thành kim cổ ký: Chuyện hàn dép nhựa

Hà Thị Kim Dung

Hà Thị Kim Dung

Thứ 5, 24/10/2019 22:00

Từ năm 1970 cho đến đầu năm 1981, dép nhựa trắng của Xí nghiệp nhựa Tiền Phong (Hải Phòng) là mốt của thanh niên các thành phố miền Bắc, đặc biệt ở Hà Nội, dân chơi gọi là “gò”. Giá một đôi dép nhựa trắng chẳng rẻ nên không phải ai cũng có tiền mua.

Văn hoá - Hà thành kim cổ ký: Chuyện hàn dép nhựa

Ảnh minh họa

Từ sau 1954 đến khi Nhà Tròn (nhà điều hành xe điện đầu phố Đinh Tiên Hoàng) bị phá đi xây Hàm Cá mập, xung quanh có rất nhiều người bám vào đây kiếm sông vì vỉa hè rộng, mái hiên che mưa che nắng cũng rộng. Ngoài các bà bán nước chè còn có bơm mực bút bi, hàn dép nhựa, khâu giầy, buổi tối là tẩm quất. 

Cho đến năm đầu 2015, nhiều người cao tuổi ở quanh khu vực này vẫn nhớ một anh chàng hàn dép nhựa mà mắt cứ nhìn nghiêng. Đó là Thanh Lé. Nhà Thanh ở giữa làng Khương Thượng (quận Đống Đa). Năm 1973, Thanh 14 tuổi.

Nhà nghèo, cố đến lớp bốn thì nghỉ. Mà không nghỉ cũng phải nghỉ vì mắt Thanh bị lé nên đám bạn trong lớp suốt ngày chọc ghẹo. Bố Thanh vốn là công nhân nhà máy Cơ khí Hà Nội, bị tai nạn lao động phải về hưu non nhưng không còn sức khỏe để đạp xích lô. Nhìn sáu đứa con lốc nhốc, ông chỉ biết thở dài, hết ra lại vào vì lương của vợ, công nhân đội than ở bến Phà Đen không đủ nuôi cả nhà. Thương gia cảnh một người bà con đằng vợ làm nghề hàn dép trước cửa chợ Mơ liền cho ông theo nghề. Nghề này chẳng cần vốn liếng, cũng chẳng cần sức khoẻ, chỉ cần tỉ mẩn và thêm một chút khéo tay là được. Vừa phụ, vừa học, sau hai tháng ông đã tự hàn vá được dép cho khách. Ông sắm bếp dầu, mỏ hàn, vài con dao rồi dắt Thanh lên Nhà Tròn. Ngày đầu dân anh chị chỉ cho ngồi ké bên ngoài, mãi sau mới có chỗ chính thức dưới mái hiên.

Từ năm 1970 cho đến đầu năm 1981, dép nhựa trắng của Xí nghiệp nhựa Tiền Phong (Hải Phòng) là mốt của thanh niên các thành phố miền Bắc, đặc biệt ở Hà Nội, dân chơi gọi là “gò”. Giá một đôi dép nhựa trắng chẳng rẻ nên không phải ai cũng có tiền mua. Kẻ ít tiền chỉ dám mua dép nhựa tái sinh (làm bằng nhựa phế liệu) màu tiết luộc hay nước cống. Dép nhựa Tiền Phong trắng cũng không có gì đặc biệt, nó được làm từ hạt nhựa nguyên chất không pha màu.

Người ta không đúc liền mà đúc đế riêng, quai riêng, sau đó lồng quai vào đế qua hàng lỗ. Lần đầu đi dép này chắc chắn ai cũng sẽ bị xây xát ngón cái và ngón út do quai dép cọ vào. Mới đi, dép còn mềm giữ được màu trắng nhưng lâu dần sẽ ngả sang mầu vàng và cứng vì nhựa bị lão hoá, càng vàng càng cứng. Đi gần hết một đời dép thì chân có chai. Dép nhựa có ưu điểm bám đường và cho cảm giác thật. Nhưng vào ngày mưa dép này trên đường đất thì... khốn khổ bởi đất bám đầy vào phần rỗng dưới đế. Khi nhựa bị lão hoá dép rất dễ vỡ, bỏ thì tiếc, muốn tiếp tục sử dụng chỉ còn cách mang đi hàn. Thế nên, thời bao cấp rất nhiều người làm nghề hàn dép, họ ngồi trước cổng các chợ, bến tầu, bến xe, quanh Hồ Gươm và những nơi công cộng đông đúc người qua lại. Nếu không muốn hàn, đôi dép mòn vẹt vá víu nhằng nhịt cũng vẫn có thể bán được cho mấy bà chuyên mua đồ cũ ngồi cuối phố Mai Hắc Đế, Ga Hà Nội hay đầu phố Khâm Thiên. Phụ nữ thời đó đi guốc nhựa đen, đứt quai thì chỉ bán cho đồng nát vì hàn được nhưng vết hàn rất cứng, đi sẽ xước da,...

Hàng ngày, cha con Thanh hì hụi hàn vá đến trưa thì lôi cơm ra ăn. Những lúc ít việc thì bố làm con phụ nhưng lúc nhiều việc thì cả hai cũng hì  hụi. Vì làm cạnh quán nước chè nên Thanh quen một em chuyên bán đồ lặt vặt rong. Hôm ít việc, Thanh cùng người yêu sang Hồ Gươm tâm sự, bố Thanh nhìn ngứa mắt mấy lần định đẩy hai đứa xuống nước. Và rồi, họ thành vợ thành chồng. Sau đó, vợ chồng Thanh sắm đồ hàn làm riêng và nổi tiếng về hàn dép ở phố Cửa Nam.

 

 

N.N.T                                                                        

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.