Nhà cha con anh rơi là một chiếc thuyền có mái khum khum như mai rùa bằng nan tre đậu ở mép nước. Đường vào nhà là tấm ván nhỏ dập dềnh theo sóng. Khách thường xuyên của cha con ông là nhà thơ Thanh Hào, tác giả của câu thơ “Ước gì em hóa thành mây/Em che cho mẹ suốt ngày nắng râm” sống ở bãi giữa. Anh Rơi da đen, cao nghều và rất hiền. Hai cha con anh không giăng lưới cố định, vào mùa lũ thì vây lưới quanh bãi bồi ngập nước vì cá dồn về đây ăn côn trùng, mùa cạn lại giăng khúc nước sâu.
Có ngày ngược lên Việt Trì, Phú Thọ, ngày khác xuôi phía nam, cách “nhà” vài chục cây số. Sông Hồng rộng lớn nhưng với anh nó chỉ như cái ao. Đặc biệt, cha anh có biệt tài, mổ bụng cá chép nhìn trứng là biết lũ năm đó to hay nhỏ. Thường khi có lũ tiểu mãn các loài cá ngược dòng lên đầu nguồn, nơi dòng nước chảy xiết, ép mình cho ra trứng. Những hạt trứng bé xíu kết thành dây bám vào bọt nước, bọt lẫn trứng này theo dòng về xuôi, dân gột cá bột hớt bọt cho vào bể, trứng sẽ nở ra cá con. Dân gột cá bột cũng có kinh nghiệm riêng, họ đi xem ễnh ương đẻ trứng, nếu bọc trứng ở trên cành cây, năm đó lũ sẽ to, còn trứng ở gốc cây năm đó lũ sẽ nhỏ.
Dân chài và cánh gột cá bột hỏi nhau để biết chính xác lũ thế nào. Khi bắt đầu có lũ những người gột cá đắp bể bằng đất sét tròn cỡ cái nong ngay trên bãi cát mềm mịn gọi là lò. Đàn ông, đàn bà xuống sông dùng vợt hớt bọt tụm bám ở mép nước, trên các cành củi đang trôi, họ cho thứ bọt màu phù sa ấy vào thùng gỗ gánh về đổ vào lò. Và chỉ một đến hai ngày, trong bể xuất hiện đàn cá li ti như dấu phẩy. Thêm vài ngày nữa họ sẽ gánh những thùng cá bột ấy đi bán cho các chủ ao. Và người gánh vừa đi sẽ vừa lắc thúng như làm xiếc, tạo không khí cho cá thở, nếu không nó sẽ chết.
Vào mùa xuân, ngày gió nồm thổi mạnh, mòi cái từ cửa sông ngược dòng vào đẻ trứng. Theo sau là những con đực. Đoạn sông Hồng ở gần cảng Hà Nội là nhiều mòi đẻ nhất. Đẻ xong chúng quay ra cửa sông bỏ mặc cho trứng tự nở, dòng nước lại đưa lũ mòi con trở lại vùng nước lợ. Một huyền tích kể rằng chim ngói là thủy tổ của cá mòi, bằng chứng là mề cá mòi giống hệt mề chim ngói.
Mùa thu, chim ngói bay qua sông về cuối trời xa tít, chim biến thành cá mòi nên mùa xuân cá mòi nhớ chốn cũ lại quay về. Vào mùa cá mòi, cha con anh Rơi cho thuyền xuôi phía nam, chọn khúc rộng thì dừng lại. Rải lưới xong anh sẽ nghiêng tai nghe tiếng mòi rẽ nước để đoán đêm đó trúng đậm hay ít cá.
Năm 1974, anh Rơi đi bộ đội. Không biết chữ nên anh phải nhờ bạn trong đơn vị viết hộ. Vì cha anh trên thuyền nên đành gửi qua địa chỉ một nhà trên bờ. Năm 1975, đất nước thống nhất nhưng không thấy anh về, sau ông biết con trai đã hy sinh. Rồi lập ban thờ con trên thuyền và ông đi đâu đó. Từ đó, chân cầu Long Biên không còn một căn nhà nhỏ dập dềnh trên sóng. Cho đến nay, nhiều người sống lâu năm ở chân cầu Long Biên vẫn nhớ về một thanh niên cao nghều.
N.N.T