Thế nhưng chỉ khu vực nội thành mới có hệ thống cống ngầm. Hiện trong khu di tích nhà tù Hỏa Lò trưng bày những ống cống, nó là chứng tích của cuộc vượt ngục từ nhà tù này ra bên ngoài của tù nhân chính trị. Cuộc vượt ngục được kể lại trong cuốn sách Đấu tranh của các chiến sĩ yêu nước và cách mạng tại Nhà tù Hỏa Lò (1899-1954). Chuyện là, trưa ngày 11/3/1945, lính Nhật đưa 2 người tù ở Sơn La về giam tạm trong trại J (trại giam trẻ em) đợi ngày cho ra.
Trong lúc nhốn nháo, 3 chiến sĩ Vân, Hòa, Cử đã lẻn vào theo để tìm chỗ trốn. Vào đây, họ nhìn thấy một nắp cống, liền bàn với nhau có thể trốn lối này được. Họ tìm cách bẩy nắp cống lên, rồi Hòa và Cử chui xuống thăm dò, Vân đậy nắp lại và canh phòng. Khoảng 30 phút sau, 2 người chui lên cho biết có thể trốn được, lập tức các chiến sĩ báo tin này cho Trần Tử Bình, lúc đó phụ trách chi bộ Đảng trong nhà tù để bàn tính kế hoạch cụ thể. Sau khi tính toán, Trần Tử Bình đồng ý nhưng sợ đi đông dễ bị lộ nên ông chọn khoảng 30 người, gồm những người bị án nặng.
Theo đúng kế hoạch được vạch sẵn, đợi trời tối hẳn, Trần Tử Bình hạ lệnh mở nắp cống và cuộc vượt ngục thành công. Chỉ 2 ngày sau, tất cả đã bắt liên lạc được với Đảng, tiếp tục hoạt động cách mạng, tỏa về các địa phương tham gia khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945. Cũng qua đường cống ngầm này, 6 năm sau cuộc vượt ngục với quy mô táo bạo diễn ra đúng vào đêm Noel 24/12/1951.
Cuộc vượt ngục gây chấn động dư luận, không chỉ ở trong nước mà cả ở nước Pháp. 17 người tù có án tử hình (trong đó có 1 tù hình sự người nước ngoài phạm tội Giết người) đang chờ ngày ra pháp trường theo đường cống thoát ra ngoài. Tuy nhiên, chỉ có 5 người thoát còn 12 người bị bắt lại. Lý do là khi những người tù đang công kênh lên đường bất ngờ có toán lính đi tuần ở phố Trần Quốc Toản phát hiện. Sau đó, chính quyền cho làm rào sắt các đường cống từ Hỏa Lò ra ngoài.
Thập niên 60, 70 nước cống Hà Nội chỉ bẩn nhưng không ô nhiễm vì giun nhỏ li ti vẫn sống khỏe và phát triển. Mùa hè, con trẻ vẫn ra hớt giun ở cống nổi về cho cá cảnh ăn. Nước thải không ô nhiễm vì thời đó chủ yếu ăn rau, lạc, đậu thỉnh thoảng mới có cá thịt và cũng chỉ được vài gắp, nước thải từ các gia đình chảy ra cống ít chất hữu cơ nên nước thải không ô nhiễm. Nước thải theo hệ thống cống đổ thẳng ra hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, Bảy Mẫu, Giảng Võ... song các hồ này nước vẫn trong, ngành thủy sản vẫn nuôi cá và mùa hè nó là bể bơi tự nhiên cho trẻ con, thanh niên.
Năm 1993, nhờ vay được vốn ODA của Nhật Bản, thành phố cho làm đường thoát nước theo phố Lê Thái Tổ ra Bà Triệu không để nước thải khu vực phố cổ đổ vào Hồ Gươm nữa. Năm 1996, 1997 ở phố Hàng Bạc xuất hiện những người đi mót vàng dưới cống. Hầu hết là người Huế, họ xin phép đơn vị quản lý chui xuống các hố ga xúc bùn mang lên đãi. Có lẽ, họ nghĩ các gia đình gia công vàng ở phố này trong quá trình chế tác thế nào cũng có bụi vàng rơi vãi và có thể sẽ trôi xuống cống. Vất vả nhưng kết quả thu được không bõ với công sức bỏ ra nên sau 1 tuần, họ dừng công việc này.
N.N.T