Kẻ chủ mưu đang bỏ trốn
Ngày 6/5, TAND Tp.HCM mở phiên xét xử sơ thẩm đối với các bị cáo Hứa Chấn Hải, SN 1989, ngụ quận 12, Tp.HCM về các tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Đồng phạm với Hải là Đào Vương Thùy Thanh Tú, SN 1985, ngụ quận Tân Bình, Tp.HCM bị xét xử về tội Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Theo nội dung vụ án, cuối tháng 11/2021, Đào Văn Thắng và Hải bàn nhau thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản thông qua hack tài khoản ngân hàng của nạn nhân. Để thực hiện, Thắng thuê Tú dùng giấy chứng minh nhân dân mang tên N.H.T.T (đã được dán ảnh Tú) đến cửa hàng Viettel để làm thủ tục cấp lại sim điện thoại mà chị T. sử dụng để đăng ký nhận mã OTP khi giao dịch internet banking tại các ngân hàng.
Sau khi được cấp lại sim điện thoại do bà N.H.T.T. đứng tên. Hải lắp sim này vào điện thoại rồi chờ Thắng hack tài khoản ngân hàng của bà N.H.T.T.. Khi mã OTP được gửi vào sim điện thoại, Hải gửi mã qua cho Thắng.
Bằng phương thức trên, cả hai đã hack 3 tài khoản ngân hàng của chị T., chiếm đoạt 5,3 tỷ đồng của người này. Xong việc, Thắng trả công cho Hải 1,5 triệu đồng, trả công cho Tú 6 triệu đồng.
Phát hiện tài khoản ngân hàng của mình bị kẻ gian chiếm đoạt tiền, nạn nhân N.H.T.T. đã làm đơn tố cáo gửi Công an Tp.HCM, từ đây hành vi của nhóm tội phạm bị phát hiện.
Đối tượng Hải cũng khai, ngoài phi vụ trên, Hải còn cùng Thắng truy cập trái phép tài khoản của nhiều người khác, chiếm đoạt 201 triệu đồng của các nạn nhân.
Đối với bị can Đào Văn Thắng sau khi phạm tội đã bỏ trốn. Cơ quan CSĐT Công an Tp.HCM đã ra quyết định tách vụ án tiếp tục điều tra làm rõ, khi nào bắt được xử lý sau.
Lấy thông tin từ “Nhóm Sale”, chuyển cho “Nhóm giết khách hàng”
Tại cơ quan điều tra, Hải còn khai từ năm 2019 đến khi bị bắt, Thắng đã thuê Hải giúp sức trong việc truy cập trái phép tài khoản ngân hàng của nhiều bị hại để chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, Thắng mua thông tin cá nhân của nhiều bị hại đã mở thẻ tín dụng tại một ngân hàng gồm: họ tên, số điện thoại.
Sau đó, Thắng lập “Nhóm Sale”, thuê nhiều đối tượng sử dụng thông tin cá nhân đã mua được gọi điện cho các bị hại tự giới thiệu là nhân viên chăm sóc khách hàng của ngân hàng, hỏi bị hại có nhu cầu muốn nâng hạn mức thẻ tín dụng hay không.
Nếu khách hàng đồng ý, nhóm đối tượng sẽ đưa ra điều kiện để được nâng hạn mức thì điều kiện là số tiền còn lại trong thẻ tín dụng phải trên 30% số tiền hạn mức được ngân hàng cấp trước đó.
Tiếp đó, đối tượng sẽ kết bạn với bị hại qua mạng xã hội Zalo, yêu cầu bị hại chụp hình thẻ tín dụng, CCCD để kiểm tra thông tin. Khi lấy được thông tin bị hại, các đối tượng chuyển sang cho “Nhóm giết khách hàng”.
Từ đây, Thắng, Hải và đồng bọn dùng thông tin của bị hại đăng ký mua thẻ điện thoại, thẻ nạp trò chơi online trên các trang thương mại điện tử. Khi mã xác nhận thanh toán được gửi về số điện thoại của bị hại, các đối tượng sẽ yêu cầu bị hại cung cấp để nhóm này hoàn tất việc thanh toán trên trang thương mại điện tử.
Khi chiếm đoạt được các mã thẻ điện thoại, thẻ nạp trò chơi online, các đối tượng bán các mã thẻ này cho các đối tượng thu mua, tiền bán sẽ được chuyển vào tài khoản do Thắng chỉ định. Mỗi tháng, Hải được Thắng trả công khoảng từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng.
Tại phiên tòa, bị cáo Hải khai từng học về lĩnh vực công nghệ thông tin và ngân hàng. Còn Tú khai từng làm việc trong lĩnh vực tài chính.
Về số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại, Hải cho rằng mình chỉ làm công cho Thắng và không có khả năng bồi thường do số tiền quá lớn.
Cũng tại phiên tòa, đại diện VKS và các luật sư đặt nhiều câu hỏi liên quan đến hành vi phạm tội của các bị cáo, cũng như quy trình cấp đổi sinh của nhà mạng Viettel và nhiều nội dung khác.
Sau khi kết thúc phần xét hỏi, HĐXX quyết định hội ý. Khi trở lại làm việc, HĐXX quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung.