Có thể chúng ta đã từng ăn nhộng tằm, nhưng mấy khi được ăn nhộng ong, đặc biệt là nhộng ong rừng U Minh. Nhộng ong U Minh có vị bùi, béo ngậy, ngon không thể tả, khác xa nhộng tằm thông thường. Nhờ hương vị chiều lòng được mọi vị giác và là kết quả kết tinh của cả một quá trình chế biến vậy nên nhộng ong mật U Minh khi làm gỏi trở thành đệ nhất món ngon ở đất mũi Cà Mau.
Mỗi lần đi rừng kiếm mật, người thợ may mắn kiếm được tổ sau khi cắt lấy bọng mật chỉ dám lấy thêm một ít nhộng ong non về thưởng thức. Việc làm này nhằm duy trì nòi giống, đảm bảo nguồn mật khai thác. Việc bắt được tổ ong rừng để lấy nhộng là vô cùng kỳ công bởi loài ong rừng thường rất dữ và độc.
Ong rừng U Minh hút mật hoa tràm, sống tự nhiên không có sự tác động của con người nên không chỉ mật thơm ngon mà ngay cả nhộng ong cũng béo ngậy hơn bình thường. Vì thế đôi khi chỉ chế biến đơn giản cũng có món ngon.
Nấu cháo, chiên, xào kiểu gì nhộng ong cũng ngon nhưng đúng gu nhất thì chỉ có gỏi. Bởi hương vị thuần khiết của nhộng ong được bảo tồn trong suốt quá trình chế biến, không bị mất chất. Ngoài ra, vị của các loại rau, gia vị kết hợp trong món ăn và một số bí quyết càng làm tăng sức hấp dẫn cho món ăn.
Làm gỏi nhộng ong không khó nhưng cần khéo léo và nhẹ nhàng. Sáp ong sau khi lấy về nhúng qua nước sôi, lọc lấy nhộng sạch ra đã có thể chế biến.
Chờ cho nhộng ráo nước, người đầu bếp bắc chảo phi hành thật thơm thêm chút nước mắm ngon, tiêu nhỏ, đường cát rồi từ từ trút nhộng vào đảo. Nhộng ong mềm rất dễ vỡ nên dùng đũa khuấy nhẹ, chỉnh lửa vừa. Rang nhộng chỉ cần đảo sơ, nếu chín quá nhộng mất nước tóp lại ăn không ngon.
Gỏi nhộng ong có yêu cầu rất cao về rau trộn kèm, vì rau có ngon nhộng ong mới phô được hết cái vị của mình. Để có thể làm món gỏi nhộng ong thì không thể thiếu bắp chuối non bào sợi. Để cọng rau không chát, mỏng mịn giòn xốp người dân nơi đây thường rửa rau qua nước pha chút giấm. Sơ chế xong bắp chuối, ta thêm một số loại rau thơm khác như húng, ngò và lá hẹ. Và dĩ nhiên không thể thiếu nước mắm chua ngọt trộn gỏi.
Chuẩn bị xong tất cả nguyên liệu, đeo găng tay vào bắt đầu trộn gỏi. Rưới nước mắm vào tô, hai tay trộn đều nhưng phải nhẹ tay chứ không phải bóp như gỏi vịt, gỏi gà. Khi trình bày thì đặt gỏi ra đĩa và rắc lạc rang đãi vỏ giã nhỏ lên bên trên.
Gỏi là món ăn dễ làm nhưng yêu cầu tinh tế, tỉ mỉ. Các nguyên liệu phải cho đủ liều đủ lượng thì mới quyện vị với nhau. Bởi hương vị thuần khiết của nhộng ong được bảo tồn trong suốt quá trình chế biến, không bị mất chất. Ngoài ra, vị của các loại rau, gia vị kết hợp trong món ăn và một số bí quyết càng làm tăng sức hấp dẫn cho món ăn. Khi ăn, vị béo bùi giòn tan của nhộng ong quyện vào từng miếng rau vừa ngon mà lại không bị ngán.
Không chỉ ngon mà còn bổ. Theo đông y, nhộng ong rừng có vị hơi ngọt, lạnh, không độc, có tác dụng sát khuẩn, chống tổn thương suy yếu nội tạng, ích khí, chống lão suy, làm nhan sắc tươi nhuận, da dẻ mịn màng. Ngoài ra, những món từ nhộng ong dân dã, bổ dưỡng, trị đau đầu, ói mửa, cảm ho. Những hôm trúng tổ ong to, nhiều nhộng, thế nào cũng được nhiều món như: chiên, nướng xỏ qua thanh tre, kho mặn (ăn ngon hơn cá bống kho tiêu), lăn bột chiên...
Nhộng ong, đặc biệt là gỏi nhộng là món ăn đượm vị mà người dân Cà Mau rất tự hào khi nhắc đến và thông thường, họ chỉ mang món ăn này ra để đãi khách quý hoặc sử dụng vào những dịp đặc biệt. Vậy nên, nếu có dịp đến với đất mũi của tổ quốc và được chủ nhà dọn ra món ăn tuyệt vời này ngay cả khi bạn không đủ can đảm để thưởng thức thì cũng đừng quên ghi nhớ tấm chân tình và cảm ơn họ.
Bá Di (Tổng hợp)