Trên bến nuôi cỏ dại, dưới cảng tàu, thuyền thưa thớt
Chúng tôi có mặt tại Cảng cá và Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Trân Châu, ở xã Trân Châu, huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng đầu giờ trưa ngày 5/7. Trái với mường tượng về khung cảnh nhộn nhịp “trên bến, dưới thuyền”, khắp nơi hiện lên cảnh hoang tàn, tiêu điều. Trên bờ, cỏ dại đua nhau mọc cao quá đầu người. Dưới âu cảng rộng lớn, lơ thơ chừng hơn 20 tàu khai thác thủy sản của ngư dân vào tránh sóng to, gió lớn.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Phạm Tiến Phú, Phó trưởng Cảng cá Trân Châu, cho biết, thực hiện Quyết định số 887 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, UBND Tp.Hải Phòng xây dựng kế hoạch chuyển hoạt động dịch vụ cảng cá và hậu cần nghề cá từ Cảng cá Cát Bà về Cảng cá Trân Châu.
Cảng cá và Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Trân Châu có tổng diện tích hơn 30 ha, tổng số vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng. Trong đó, cảng có thể tiếp nhận 240 lượt tàu/ngày (tàu công suất đến 600 CV) và thu hút khoảng 24.000 tấn thủy sản qua cảng/năm. Khu vực hậu cần nghề cá gồm nhiều dịch vụ, như: bến bãi, bốc xếp, phân loại, thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản, xếp dỡ, vận chuyển thủy sản sau thu hoạch, dịch vụ kinh doanh xăng dầu, sản xuất đá lạnh, kho lạnh và các nhu yếu phẩm khác phục vụ nghề cá.
Ngày 15/9/2020, chính quyền Tp.Hải Phòng công bố mở Cảng cá Trân Châu. Sau đó, ra thông báo số 500 với nội dung, kể từ ngày 10/11/2021, toàn bộ hoạt động neo đậu của tàu, thuyền cũng như dịch vụ hậu cần nghề cá tại Cảng cá Cát Bà chuyển sang Cảng cá và Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Trân Châu.
Sau gần 3 năm kể từ khi Tp.Hải Phòng công bố mở cảng, toàn bộ khu dịch vụ hậu cần nghề cá Trân Châu rộng hàng chục ha bỏ hoang, cỏ dại mọc cao quá đầu người. Dưới cảng, tàu thuyền ra vào thưa thớt. Nói về tình trạng này, ông Phạm Tiến Phú, Phó trưởng Cảng cá Trân Châu, thông tin, trung bình mỗi ngày, cảng tiếp nhận chưa đến 10 lượt tàu, thuyền. Trong khi đó, phí cập cảng và lưu trú ở mức khá “dễ chịu” (phí cập cảng 120 nghìn đồng/lượt/tàu có chiều dài trên 24 m, lưu bến từ ngày thứ 2 trở đi 20 nghìn đồng/tàu/ngày).
Vì đâu nên nỗi?
Trước đây, Cảng cá Cát Bà nổi tiếng nhộn nhịp, thường xuyên đón hàng trăm lượt tàu, thuyền ra vào mỗi ngày. Thế nhưng, sau khi chuyển về Cảng cá Trân Châu, suốt gần 3 năm qua, các tàu, thuyền lẫn dịch vụ hậu cần nghề cá vẫn “biệt tăm”.
Lý giải cho tình trạng này, một chủ tàu cá ở xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, Tp.Hải Phòng, cho biết, Cảng cá Trân Châu nằm sát vùng cửa biển. Nước biển tại đây nhiều phù sa, lượng bùn bồi hằng năm khá lớn, nhất là phía ngoài đê chắn sóng. Vì thế, tàu thuyền ra vào, có nguy cơ gặp tai nạn, nhất là những tàu lớn mà người điều khiển không quen với luồng lạch ở đây. Giữa năm 2022, có tàu cá dài hơn 20 m khi đi từ cảng ra biển va chạm vào đê chắn sóng dẫn tới hư hỏng nặng.
Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu khiến chủ các tàu, thuyền “chê” Cảng cá Trân Châu bởi nơi đây chưa có dịch vụ hậu cần nghề cá. Nếu vào neo đậu tại cảng, để bán thủy sản khai thác được, họ phải thuê ô tô chở vào đất liền. Đồng thời, phải mua lương thực, thực phẩm, xăng dầu phục vụ cho những chuyến đi biển dài ngày ở nơi khác chuyển về. Đặc biệt, khi tàu, thuyền hỏng hóc cần sửa chữa, thay thế, không có dịch vụ cần thiết.
Nghịch lý chủ các tàu, thuyền “ngóng” dịch vụ hậu cần nghề cá trong khi các nhà đầu tư đợi tàu, thuyền vào neo đậu nhiều mới đầu tư, xây dựng dịch vụ hậu cần nghề cá khiến Cảng cá và Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Trân Châu rơi vào cảnh hoang tàn, tiêu điều suốt từ khi mở cảng đến nay.
Theo một số chủ tàu, thuyền, nguyên nhân của tình trạng kể trên chủ yếu do chính quyền địa phương có phần vội vàng khi tuyên bố mở cảng, yêu cầu tàu, thuyền chuyển từ Cảng cá Cát Bà về neo đậu tại Cảng cá Trân Châu mà chưa hoàn thiện hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá. Để “kéo” tàu, thuyền về Cảng cá Trân Châu, chính quyền Tp.Hải Phòng, huyện Cát Hải cần có cơ chế ưu đãi, khuyến khích hơn nữa đối với các nhà đầu tư cũng như hỗ trợ, giúp đỡ chủ các tàu, thuyền tới neo đậu tại cảng vận chuyển thủy sản khai thác được tới nơi thu mua, mở các dịch vụ bán xăng, dầu, đá lạnh, lương thực, thực phẩm… tạm thời trong khi chờ hoàn thiện khu dịch vụ hậu cần nghề cá