Trong khi nhiều địa phương khác ở Tp.Hải Phòng nhức nhối vì tình trạng ruộng đất bỏ hoang, thì vụ mùa năm 2023 vừa qua, trong tổng số hơn gần 290 ha đất canh tác của toàn xã Đại Thắng, không có thửa ruộng nào bỏ trống. Trên 100% diện tích này, bà con nông dân địa phương cấy giống lúa nếp cái hoa vàng Đại Thắng nức tiếng gần xa và rất được thị trường ưa chuộng.
Mong có thêm ruộng để cấy lúa nếp cái hoa vàng
Về xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng, Tp.Hải Phòng một ngày cuối năm 2023 Âm lịch, khắp đường làng ngõ xóm, đâu đâu cũng thấy những lời trò chuyện vui vẻ về vụ lúa mùa “được mùa, được giá” và dự định dùng số tiền bán thóc để mua sắm vật dụng cần thiết, thực phẩm để cái Tết thêm no ấm, đủ đầy.
Trò chuyện với chúng tôi trong căn phòng khách có cửa sổ trông ra cánh đồng thẳng cánh cò bay, ông Mai Hoa Giang - Chủ tịch UBND xã Đại Thắng, chia sẻ về cố gắng, nỗ lực của chính quyền huyện, xã cũng như bà con nông dân quê hương gìn giữ, phát huy giống lúa quý của quê hương.
Ông Giang cho biết, đến nay, người dân xã Đại Thắng chẳng ai còn nhớ giống lúa nếp cái hoa vàng được cấy từ bao giờ, chỉ biết đời trước tiếp nối đời sau giữ giống lúa quý. Tuy nhiên, sau thời gian dài cấy lúa nếp cái hoa vàng cùng với nhiều giống lúa nếp khác đã dẫn tới hiện tượng lai tạo, thoái hóa khiến năng suất lúa cũng như chất lượng gạo ngày càng suy giảm.
Để giữ gìn, bảo tồn giống lúa quý, năm 2017, chính quyền xã Đại Thắng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn liên quan của Tp.Hải Phòng và huyện Tiên Lãng phục tráng thành công lúa nếp Đại Thắng. Sau khi phục tráng thành công, nhiều hộ tiên phong cấy thử nghiệm và có được thành công ngoài sự mong đợi. Năng suất đạt trung bình khoảng 2 tạ/sào, gần bằng cấy lúa tẻ, trong khi giá bán lên tới 1,5 - 1,8 triệu/tạ, cao gấp hơn 2 lần lúa tẻ.
Gạo nếp cái hoa vàng Đại Thắng được ưa chuộng, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, bởi những phần xôi, bánh chưng được đồ, gói từ loại gạo này thơm, dẻo. Dù để nguội, vẫn giữ được độ dẻo thơm mà không có hiện tượng hạt cứng (lại gạo) như nhiều loại gạo nếp khác. Gạo nếp cái hoa vàng cũng là nguyên liệu chủ lực tạo nên thương hiệu “Rượu nếp cái hoa vàng Đại Thắng” nổi tiếng của địa phương.
Vì thế, lúa nếp cái hoa vàng ở xã Đại Thắng ít lâm vào cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa” như nhiều loại nông sản khác mà luôn có đầu ra ổn định, bền vững ở mức cao. Vụ lúa Xuân hằng năm, bà con nông dân nơi đây cấy lúa tẻ và các giống lúa nếp khác. Tới vụ Mùa, 100% diện tích được cấy giống lúa nếp cái hoa vàng vì thời gian này khí hậu hợp với sự sinh trưởng, phát triển, cũng để phục vụ thị trường trong và ngoài huyện dịp Tết Nguyên đán.
“Vụ lúa mùa năm 2022, trên toàn bộ gần 290 ha đất canh tác, bà con nông dân địa phương cấy giống lúa nếp cái hoa vàng Đại Thắng. Với giá bán gần 2 triệu đồng/tạ thóc và 3 triệu đồng/tạ gạo như hiện nay, với năng suất trung bình 2 tạ/sào/vụ, với mỗi sào ruộng trừ các khoản chi phí, bà con nông dân xã Đại Thắng thu lãi hơn 2,5 triệu đồng, cao gấp khoảng 4 lần so với cấy lúa tẻ.
Vì thế, nhiều năm nay, xã Đại Thắng chúng tôi không có tình trạng bỏ hoang ruộng đất, bà con nông dân xã nhà chỉ mong muốn có thêm ruộng để cấy”, ông Mai Hoa Giang - Chủ tịch UBND xã Đại Thắng phấn khởi thông tin.
Trân trọng, nâng niu giống lúa quý
Theo thông tin từ UBND xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng, Tp.Hải Phòng, từ khi phục tráng thành công năm 2017 đến nay, không ai bảo ai, cứ đến vụ lúa mùa, bà con nông dân xã Đại Thắng cấy 100% diện tích giống lúa nếp cái hoa vàng để tránh giống lúa quý bị lai tạp, thoái hóa.
Để nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế cũng như bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, chính quyền xã Đại Thắng tuyên truyền, vận động bà con nông dân thí điểm mô hình sử dụng giá thể thông minh Farmtech thay thế phân bón vô cơ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học thay thế thuốc bảo vệ hóa học, thực hiện việc phun thuốc bảo vệ thực vật sinh học bằng phương tiện bay không người lái.
Đồng thời, sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) để bảo đảm năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như giúp đất canh tác tơi xốp hơn, hạn chế tình trạng bạc màu… Vụ lúa mùa 2023 vừa qua, trong tổng số gần 290 ha lúa nếp cái hoa vàng ở xã Đại Thắng, có khoảng gần 100 ha sản xuất thí điểm theo mô hình kể trên.
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân canh tác, UBND xã Đại Thắng tập trung dồn điền đổi thửa tạo điều kiện cho cơ giới hóa đồng bộ, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật trong sản xuất. Đến nay, toàn xã Đại Thắng cơ bản thực hiện xong việc dồn điền đổi thửa, mỗi hộ có trung bình hơn 2 thửa ruộng với diện tích gần 2 sào.
Vụ lúa mùa năm 2023 vừa qua, tỷ lệ thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hoàn chiếm gần 100% diện tích. Công việc đồng áng vốn “một nắng hai sương”, nay cũng bớt vất vả, bà con nông dân càng thêm yêu quý, gắn bó với đồng đất quê hương.
Thời gian qua, bà con nông dân ở nhiều nơi trong và ngoài huyện Tiên Lãng đến xã Đại Thắng mua giống lúa nếp cái hoa vàng ở đây về cấy. Mặc dù lúa sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao, nhưng chất lượng gạo không thơm ngon bằng, nhất là hương vị đặc trưng và vị dẻo của hạt gạo sau khi đồ xôi, gói bánh chưng.
Vì sự riêng biệt, độc đáo này, gạo nếp cái hoa vàng xã Đại Thắng đã trở thành thương hiệu nổi tiếng của Tp.Hải Phòng, sánh ngay với nhiều sản phẩm nổi tiếng khác như nước mắm tại đảo Cát Hải. Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Gạo nếp cái hoa vàng Đại Thắng”.
“Thời gian tới, chính quyền xã Đại Thắng tiếp tục phối hợp các cơ quan, đơn vị chức năng duy trì và mở rộng diện tích cấy lúa sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) để bảo đảm năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như sản xuất bền vững.
Đồng thời, tăng cường kết nối giữa sản xuất với tiêu thụ, kêu gọi, hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất những sản phẩm mới từ gạo nếp cái hoa vàng để tăng giá trị và hiệu quả kinh tế cao hơn nữa”, Chủ tịch UBND xã Đại Thắng Mai Hoa Giang thông tin.