Nhà Sử học, GS Phan Huy Lê đã từ trần vào ngày 23/6/2018, ông ra đi để lại khoảng trống bao la đối với giới Sử học Việt Nam. Sáng 24/6, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, PGS Lê Văn Lan không giấu nổi nỗi buồn trước sự ra đi của người đồng nghiệp của mình.
Ông chia sẻ: "GS Phan Huy Lê là một người con gốc Hà Tĩnh sống chân chính. Bề ngoài chỉ là một thân hình mảnh dẻ, nhỏ nhắn nhưng chứa đựng bên trong một trí tuệ khổng lồ và một khí phách cứng rắn, kiên định. Với trí tuệ và khí phách ấy, GS Phan Huy Lê đã để lại một sự nghiệp vĩ đại. Ông là hậu duệ đời thứ 14 của dòng họ Phan Huy vốn nổi danh về khoa bảng với những tên tuổi lớn như Phan Huy Cẩn, Phan Huy Ích, Phan Huy Thực, Phan Huy Vịnh, Phan Huy Chú…".
Thầy giáo Trần Trung Hiếu, giáo viên Lịch sử của trường THPT Phan Bội Châu (Nghệ An), một người có nhiều thời gian gắn bó, công tác cùng GS Phan Huy Lê, cho rằng, ông ra đi để lại khoảng trống bao la trong giới Sử học nước nhà.
Theo thầy Hiếu, GS Phan Huy Lê ra đi khi chưa hoàn thành 2 tâm nguyện lớn đối với Sử học, đây là điều mà những người làm Sử ở Việt Nam cần cùng nhau hoàn thành. Thầy Hiếu nói: “Năm 2015, khi là Chủ tịch hội Khoa học Lịch sử lúc đó bộ GD&ĐT đòi bỏ môn Sử ra khỏi chương trình học thì chính GS Phan Huy Lê là người đứng đầu trong giới khoa học Lịch sử đòi Bộ giữ lại. Cuối cùng thì việc đó đã thắng lợi. Tuy nhiên, vào năm 2016 Bộ lại quyết định lấy môn Sử là môn thi trắc nghiệm. Thời điểm đó, GS Lê nói riêng và giới Sử học nói chung cho rằng đây là việc làm xé nát môn Sử, làm tiêu tan tình yêu Sử với học trò. Từ đó đến nay, đây vẫn là một niềm trăn trở đối với thầy Lê”.
“Tâm nguyện thứ 2 là thầy chưa thể chứng kiến sự ra mắt của bộ Quốc sử 25 tập đồ sộ sẽ xuất bản dự kiến vào năm 2019. GS Lê với vai trò là Tổng Chủ biên đã làm việc miệt mài, hăng say, với hy vọng để lại một bộ tài liệu quý cho đất nước”, thầy Hiếu nói về 2 tâm nguyện của GS Lê với lịch sử.
Chia sẻ về những kỷ niệm với GS Phạn Huy Lê, thầy Trần Trung Hiếu cho biết: “Dù chỉ là 1 giáo viên Sử phổ thông, nhưng tôi thấy mình có may mắn hơn nhiều các đồng nghiệp phổ thông khác là được gặp gỡ, tiếp xúc, trò chuyện với thầy trong rất nhiều sự kiện lớn của giới Sử học trong hàng chục năm qua. Lần nào ra Hà Nội công tác, tôi đều tranh thủ sắp xếp thời gian bắt xe ôm đến thăm thầy và gia đình tại nhà riêng ở số 7- ngõ Vọng Đức quen thuộc”.
“Tôi không thể nhớ đến thời điểm trước khi thầy mất, tôi đã gặp thầy biết bao nhiêu lần. Nhưng lần cuối cùng chính là cùng với thầy vào Thành phố Hồ Chí Minh tham dự Hội thảo khoa hoc quốc gia về 40 năm cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam đầu năm 2018, cùng ngồi với thầy trên 1 chiếc ô tô, sau đó là trên 1 chiếc cano đi tham quan rừng Sác - Cần Giờ. Tôi không ngờ đó là lần cuối cùng tôi may mắn được cùng với thầy tham dự cuộc Hội thảo khoa học...”, thầy Hiếu buồn bã.
Thầy Hiếu cho biết, giai đoạn cuối trong cuộc đời của thầy, dù căn bệnh cao huyết áp và tim mạch thường xuyên đe dọa sức khỏe, nhưng thầy đã gắng làm việc với số lượng công việc khổng lồ cùng với tập thể các nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam để hoàn thành cho bộ Quốc sử 25 tập do thầy làm Tổng Chủ biên.
“Thầy là một Trí tuệ lớn, Nhân cách lớn trong một Nhà khoa học lớn và một Nhà sư phạm mẫu mực. Là Giáo sư của nhiều Giáo sư, là người thầy của nhiều người thầy. Cùng với GS Đinh Xuân Lâm, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn làm nên "Tứ trụ" của Sử học Việt Nam hiện đại, khai sáng nền Sử học Việt Nam sau năm 1945”, thầy Hiếu nói.
“Trong công việc khoa học, viết lách và các Hội thảo khoa học thầy luôn tạo nên sự hấp dẫn đến lạ kỳ về phong thái lịch thiệp, cẩn trọng, chỉn chu, rõ ràng, nhẹ nhàng, sâu sắc. Ngoài đời, là một người có lối sống rất bình dị, mộc mạc, khiêm nhường và luôn tôn trọng quan điểm, ý kiến góp ý, phản biện khi trò chuyện với các đồng nghiệp, các thế hệ học trò và phóng viên báo chí”, thầy Hiếu nói về GS Phan Huy Lê.