Đứa con vốn là người xấu nết, đần độn, lại là tay chơi bời lêu lổng không chịu học hành hay làm ăn gì cả. Bởi vậy, ông bèn tính chuyện kiếm cho con một người vợ khôn ngoan đảm đang, để may ra nó sẽ ngăn chặn tay chồng, bảo vệ một phần nào cơ nghiệp.
Nghĩ vậy, ông cất công đi khắp nơi tìm kiếm, nhưng đi đã nhiều nơi mà vẫn chưa thấy một người nào vừa ý. Một hôm, đến một vùng kia, nhân mỏi chân, ông nghỉ lại một gốc đa bên đường. Ông bỗng thấy ở một cây táo gần đấy có một bọn trẻ đang tranh nhau trẩy ăn. Một chốc sau, một cô gái tuổi chừng đôi tám, cũng đến trẩy táo. Ông mới lân la lại gần hỏi xin ăn. Lúc này, táo chín đã bị bọn người trước trẩy hết, chỉ còn những quả xanh, nhưng cô gái cũng cố chọn lấy những quả ương ương đưa cho khách.
Thấy cô gái tốt bụng, ông ta nghĩ: "Sởi lởi, trời gởi của cho, quăn co, trời gò của lại. Chỉ có người nào tốt bụng với mọi người mới xứng đáng được hưởng giàu có sung sướng".
Bởi vậy, ông mới tìm đến nhà cô gái, giả làm một người lỡ độ đường, xin nghỉ trọ một tối. Và rồi ông được gia đình cô gái ân cần tiếp đãi. Sau nhiều lần thử thách, cuối cùng ông lão cũng chọn được vợ cho con trai mình.
Đứa con trai của ông từ ngày có vợ lại càng lêu lổng; hắn thường bỏ nhà đi đánh đàn, đánh đúm với bọn vô lại, làm cho ông hết sức buồn. Và điều làm ông lo lắng nhất là hắn thỉnh thoảng lại trộm tiền của ông, khi dăm bảy quan, khi một vài vác, tung vào cuộc đỏ đen. Mặc dù ông đánh đập, mặc dù vợ hắn khuyên lơn, nhưng hắn chứng nào vẫn tật ấy. Dần dần ông buồn phiền thành bệnh. Một hôm, biết mình sắp chết, ông gọi con dâu đến bên giường dặn nhỏ:
"Này cha đã gần đất xa trời. Chồng con là một thằng "Phá gia chi tử", cơ nghiệp này chỉ còn một sớm một chiều mà thôi. Cha rất thương con xấu số. Từ lâu cha làm ăn dành dụm, có để được một hũ vàng chôn ở sau vườn. Vậy cha cho riêng con hũ vàng đó, đừng cho chồng con biết. Sau này chồng con có thật sự ăn năn hẵng giúp cho nó làm lại cuộc đời".
Đứa con trai ông sau khi người cha qua đời, lại càng chơi bời mặc sức. Vợ hết khuyên can đến cầu khẩn, hắn chẳng những đã không nghe lại còn phũ phàng với vợ. Mỗi lần thua bạc, hai người lại càng xô xát. Nhiều lần vì vợ cản trở, hắn đánh đập vợ không tiếc tay và làm nhục nàng trước mặt mọi người. Một hôm để khỏi vướng, hắn viết giấy cho vợ đi lấy chồng khác rồi đuổi nàng ra khỏi cửa.
Từ đó, hắn phỉ chí tung hoành không một ai dám cản. Quả như lời đoán của bố hắn, mấy chục mẫu ruộng đều lần lượt "nướng" vào sòng bạc. Hết ruộng vườn tới nhà ở, chẳng bao lâu tất cả cơ nghiệp mấy đời lưu truyền lại đều sạch sành sanh.
Còn về người đàn bà sau khi bị chồng đuổi, mới đổi tên, tìm đến trấn thành mở một ngôi hàng nước. Sau ít lâu, kiếm được một số vốn nhỏ, nàng bắt đầu buôn hàng tấm. Số vốn của nàng ngày một lớn dần. Cuộc đời dần dần nở hoa trước mắt nàng. Trong một dịp đi kiếm củi, hai con nàng nhặt được một khúc gỗ mục, về chẻ ra thấy có mấy thỏi vàng. Có vốn lớn lại có tài kinh doanh, nên chẳng bao lâu, nàng trở nên giàu có, nổi tiếng trong trấn. Tiền bạc tuôn về như nước...
Luật nay: Có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích
Xét theo hoàn cảnh khi đó, người vợ không còn cách nào khác chỉ là sự im lặng. Một chỗ dựa về mặt tinh thần là người cha thì đã mất rồi. Đứa con trời đánh sau khi đánh vợ hắn đã đuổi vợ ra khỏi nhà. Thật là đáng bị lên án thậm chí là phải bị xử phạt nghiêm mới đúng.
Giả sử câu chuyện đó xảy ra vào thời nay thì sao? Người chồng có bị xử phạt theo pháp luật hiện hành hay không? Trước hết, muốn xử phạt được người chồng thì trong vụ việc trên, ngay sau khi có sự việc xảy ra, người vợ phải làm đơn tố cáo về hành vi đánh đập của chồng đã xảy ra. Khi có đơn tố cáo thì cơ quan chức năng mới có căn cứ để tiến hành điều tra xử lý người chồng được. Đồng thời, trước đó, người chồng đã bị xử phạt hành chính về hành vi đánh đập vợ rồi.
Tuy nhiên, để xác định có phạm tội hình sự hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Ví dụ như tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ của người khác: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình. (Điều 104 BLHS).
Ngoài ra, trong quá trình điều tra, cơ quan công an khi có đủ bằng chứng thì có thể buộc tội người chồng theo Điều 110 BLHS: Tội hành hạ người khác. Hình phạt cao nhất của tội này là 3 năm tù.
Xét thấy, một người chồng như con lão giàu kia không biết tu chí làm ăn lại còn có những hành vi đánh đập vợ tàn nhẫn thì không thể chấp nhận được. Hành vi đó phải bị xử phạt theo luật Hình sự.
TƯỜNG LINH