Ngày 29/8, thông tin từ Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng vận chuyển hàng không quốc nội qua Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ là 589.858 khách, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 98% so với cùng kỳ năm 2019.
"Nếu tính riêng sản lượng khách quốc nội thì 6 tháng đầu năm 2022 đã đạt 101% so với cùng kỳ 2019. Đây được cho là một tín hiệu mừng trong thời gian đầu khôi phục sau đại dịch Covid-19. Thế nhưng đường bay quốc tế lại không khởi sắc cho các hãng, chưa nối lại đường bay vì vướng phải các chính sách kiểm soát dịch của quốc gia sở tại", đại diện Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ nói thêm.
Đại diện Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ thông tin thêm, đối với việc khai thác các chuyến bay quốc tế, đến thời điểm trước dịch Covid-19 (cuối năm 2019, đầu năm 2020), cảng đã phục vụ khai thác thường xuyên 4 đường bay quốc tế đi và đến Bangkok, Thái Lan; Kuala Lumpur, Malaysia; Seoul, Hàn Quốc; Đài Bắc, Đài Loan. Tuy nhiên các đường bay này phải tạm dừng khai thác khi dịch bùng phát vào đầu năm 2020.
Hiện, cảng vẫn đang trong trạng thái luôn sẵn sàng cho các điều kiện về nhân lực, cơ sở hạ tầng để phục vụ các chuyến bay quốc tế khi các hãng hàng không tổ chức khai thác trở lại.
Theo quy luật cộng hưởng, yếu tố thu hút khách đối với giao thông hàng không phụ thuộc vào nhiều điều kiện khác như: Đầu tư phát triển về kinh tế, văn hóa xã hội, đặc biệt là sự phát triển về hạ tầng du lịch của địa phương, sự đồng hành và định hướng kinh doanh của các Hãng hàng không. Việc thiết lập các thị trường nguồn khách mới cần cấp thiết ngay lúc này để có cơ hội mở thêm nhiều đường bay mới, phục hồi hoàn toàn các đường bay quốc tế. Bên cạnh chính sách giảm giá vé của các hãng khai thác thì nhất thiết phải có sự liên kết giữa các cấp, các ngành.
Cũng theo thông tin ghi nhận của PV, trong năm 2021, UBND Tp.Cần Thơ vừa nhận được đề xuất từ tập đoàn Savico đầu tư dự án trung tâm logistics hàng không Cần Thơ với quy mô khoảng 50 hecta, đồng thời phát triển nhà kho hàng hóa tại Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ để xuất khẩu nông sản, thủy sản, trái cây qua đường hàng không, kết nối với kho logistics - là nơi tập kết phát triển xuất khẩu hàng hóa của ĐBSCL.
Đây là một trong những chiến lược mở rộng thêm phạm vi cũng như tần suất hoạt động của Cảng thời gian tới. Chủ tịch UBND Tp.Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, một là đầu tư khu Logictis cạnh sân bay thì Thành phố này ghi nhận và giao Sở Xây dựng hoàn thiện quy hoạch phân khu. Tp.Cần Thơ đã có dự tính quy hoạch dành chừa đất cho quy hoạch xây dựng nhà ga hàng hóa và logictis cho cả ĐBSCL.
Để các địa phương không phải đi lên tới Tp.HCM mất thời gian và chi phí như hiện nay, Tp.Cần Thơ thể hiện quan điểm ủng hộ các hãng hàng không tăng cường các chuyến bay tại Tp.Cần Thơ để chia lửa với sân bay Tân Sơn Nhất.
Bên cạnh đó, Cảng HKQT Cần Thơ cho biết thêm, hiện nay đang được Chính phủ, Bộ GTVT, Thành ủy, UBND, các cơ quan ban ngành của Tp.Cần Thơ quan tâm, hỗ trợ trong việc tăng cường khai thác đi và đến Cảng HKQT Cần Thơ. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần đẩy mạnh sự phát triển của Tp. Cần Thơ với vai trò là trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo lộ trình sẽ khai thác tần suất cho Cảng HKQT Cần Thơ là 24/7, Cảng đã xây dựng phương án chuẩn bị cho việc khai thác bao gồm các yếu tố liên quan đến nguồn lực về con người, phương án phục vụ, trang thiết bị mặt đất, trang thiết bị nhà ga… Hiện nay, dịch Covid-19 vẫn chưa hoàn toàn kết thúc nên việc chờ đợi nối lại đường bay quốc tế là điều hiển nhiên.